Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Thà đổ máu đấu tranh cho một hạnh phúc lâu dài của dân tộc


Thà đổ máu đấu tranh cho một hạnh phúc lâu dài của dân tộc

"Ch máu" ngày đu năm

08/02/2011 - 12:28 AM
Những ngày tết vẫn có những người nghèo khổ tìm đến đây với hy vọng bán được thứ duy nhất bán được để tồn tại.
Những ngày tết, tại BV Truyền máu và huyết học (quận 5) lại tấp nập kẻ đứng người ngồi. Gọi là “chợ” vì có kẻ bán, người mua. Nhưng nơi đây chỉ duy nhất một “người mua” là bệnh viện.
image
Hàng trăm người nuôi hy vọng bán được máu để có vài trăm ngàn đồng. 
Ảnh: NGUYỄN DÂN
Ngày đầu năm buồn...
Hầu hết mọi người đến đây là để bán tiểu cầu - một thành phần trong máu. Bán tiểu cầu vừa được nhiều tiền hơn (450.000 đồng so với 200.000 đồng nếu bán máu) vừa phục hồi nhanh hơn. Chỉ một tháng là đã tái tạo lại lượng tiểu cầu đã mất và người bán lại có cơ hội... bán tiếp. Vì tiểu cầu chỉ có thể lưu trữ trong năm ngày nên khi có nhu cầu, bệnh viện mới mua. Người bán phải qua một vòng tuyển khám sức khỏe, người nào “đậu” mới được bán. 7 giờ sáng, bệnh viện mở cửa nhưng chỉ mới hơn 6 giờ, trước cửa đã nhốn nháo người đến đăng ký. Ai cũng áo quần lam lũ, khuôn mặt bồn chồn, hồi hộp.
Sáng mùng hai tết Tân Mão chỉ toàn những người “thi đậu”… bán máu. Những gương mặt hôm trước lo âu thì sáng nay tươi tắn hơn. Có lẽ họ nghĩ đến món tiền sắp được nhận từ việc bán sẽ giúp họ cải thiện trong những ngày tết. Đó là chị Đặng Thị Loan (45 tuổi, XVNT, Thị Nghè), giặt đồ mướn, mỗi ngày giặt hai, ba thau đồ được khoảng 40.000-50.000 đồng. Nhà có một mẹ già 83 tuổi và hai con trai nghiện ngập, mỗi khi lên cơn lại đánh mẹ đòi tiền. Đó là anh Huỳnh Quốc Trung (44 tuổi, An Nhơn, Gò Vấp), một mình gà trống nuôi con 11 tuổi. Anh Trung ở nhà mướn, chạy xe ôm nhưng thu nhập ngày có, ngày không. Đó là bà Nguyễn Thị Thu Hà (63 tuổi, Vườn Lài, Tân Bình), nghèo đói, không biết chữ, rời Cà Mau lên TP.HCM cùng con gái làm phụ hồ. Cô con gái bị lừa gạt, có con rồi bị bỏ rơi đã để lại cho bà đứa cháu nhỏ và bỏ đi biệt tích. Bà nuôi cháu và sống bằng nghề giữ trẻ thuê, tiền công 600.000 đồng/tháng chỉ đủ để trả tiền nhà. Mỗi tháng bà đều đặn đến đây bán chỉ để nhận được 450.000 đồng cho hai bà cháu sống qua ngày…
Những mảnh đời rách nát
Nguyễn Thành Nhân, một người đàn ông khiếm thị ngồi buồn rầu. Hằng ngày, anh dò dẫm đi bán vé số, nhiều lần bị những kẻ vô lương tâm lợi dụng sự mù lòa lừa đổi những tờ vé số giả. Cùng quẫn đành phải đi bán máu nhưng không được chấp nhận do không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe. Anh kể mẹ anh vừa mất được bốn tháng. Căn nhà tình thương phường xây cho cha mẹ bị cậu em út chiếm, đuổi anh ra khỏi nhà. Không tiền, không chỗ ở lại gần như mù lòa… anh đành lang thang xin ăn.
Một giọng vang lên tại bàn đăng ký “Chị mới đến tháng trước, chưa đến ngày hẹn sao bây giờ đã đến rồi?”. Người phụ nữ nghe vậy tiu nghỉu lầm lũi quay về. Cũng như chị, có khá nhiều người vì sự nghèo khổ mà bất chấp sức khỏe để đi bán dù chưa đủ thời gian phục hồi. Bà Ngô Kim Hương (50 tuổi, quận 8), buôn bán ế ẩm cụt vốn, lần này bà quyết chuyển sang bán xôi mặn, vốn cần khoảng 400.000 đồng nhưng không tiền, đành liều năn nỉ bán máu dù đã bị bác sĩ từ chối vì thiếu hồng cầu!
Những người “thi đậu” cũng không khá hơn. Niềm vui vì nhận được số tiền bán máu chưa bao lâu thì phải lo đến “những con kền kền” trước bệnh viện, đó là những kẻ cho vay nặng lãi lợi dụng sự quẫn bách của kẻ khác để kiếm chác. Chị Võ Thị Thái (40 tuổi, Tiền Giang) kể: “Buổi sáng em đón xe lên đây, mượn của họ 100.000, lãi 30.000 đồng/ngày mà không bán được tiểu cầu, chỉ bán máu, được 200.000 đồng. Trả nợ họ luôn cả lãi, trừ tiền xe đi về em chỉ còn lại một nửa”.
Bác sĩ thẩm định Ngọc Huyền nói: “Thương họ lắm nhưng không biết làm sao. Có những người van xin mình để được bán nhưng cơ thể họ yếu quá làm sao mình lấy được. Có những người lên đây trót mượn tiền mà không bán được, mình đành cho họ tiền để họ trả nợ chứ không thì họ làm sao sống được với bọn “đầu gấu” này”.
Sài Gòn những ngày tết sạch sẽ và yên tĩnh, mọi người gặp nhau với những lời chúc tốt đẹp. Ngoài kia tiếng chiêng trống của một đám múa lân rộn rã. Thế mà trong này vẫn có những người nghèo khổ phải nhốn nháo xin bán từng giọt sức của mình.
NGUYỄN DÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét