Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Tuyên bố của Thủ Tướng Trần Văn Hữu tại Peace Treaty in San Francisco năm 1951



Tuyên bố của Thủ Tướng Trần Văn Hữu tại Peace Treaty in San Francisco năm 1951


Như đã trình bày, đầu tháng 9 năm 1951, 51 quốc gia đã từng góp công trong cuộc chiến đấu chống Nhật Bản trong Đệ nhị thế chiến tới tham dự Hòa hội San Francisco theo lời mời của chính phủ Hoa Kỳ, để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh và mở bang giao với Nhật Bản. Trong hòa hội, vấn đề chính là thảo luận bản dự thảo hòa ước do Anh Mỹ đề nghị ngày 12-7-1951. Ngày 8-9-1951, các quốc gia tham dự hội nghị, ngoại trừ Nga và một số nước đàn em, đã ký một hòa ước với Nhật Bản. Điểm đáng chú ý là cả hai phe Quốc Cộng Trung Hoa đều không được mời tham dự hòa hội.
Thu tuong Tran Van Huu, hoa uoc sanfransico 1951 .jpg
Tại hòa hội, Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã đọc bản tuyên bố xác định chủ quyền đã có từ lâu đời của Quốc gia Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đây là nội dung một số điểm chính đã được Thủ tướng Trần Văn Hữu trình bày tại Hòa hội Cựu Kim Sơn, trích trong France-Asia, số 66-67, tháng 11-12 1951, phần phiên dịch từ bản tiếng Pháp được phổ biến trong Tập san Sử Địa của Đại học Sư phạm Sài Gòn, số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa của ấn hành năm 1974.
*Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tại Hòa hội Cựu Kim Sơn.
“Thật là nghiêm trọng và cảm kích cho Việt Nam được đến San Francisco tham dự công việc của hội nghị Hòa bình với Nhật Bản. Sở dĩ chúng tôi được hiện diện tại đây là nhờ các tử sĩ của chúng tôi và lòng hy sinh vô bờ bến của dân tộc chúng tôi, dân tộc đã chịu đựng biết bao đau khổ để được sống còn và giành sự trường tồn cho một nòi giống đã có hơn 4 ngàn năm lịch sử.”
“Nếu mỗi dân tộc đã thống khổ do sự chiếm đóng của Nhật Bản, có quyền tham dự hội nghị này, như tất cả diễn giả liên tiếp hai ngày nay đã đồng thanh nhìn nhận, mặc dù thuộc ý thức hệ nào đi nữa cũng vậy, thì cái quyền Việt Nam lên tiếng về Hòa ước Hòa bình với Nhật Bản lại càng dĩ nhiên hơn lúc nào hết, vì không ai không biết rằng, trong tất cả các quốc gia Á châu, V.N là một nước chịu nhiều đau khổ nhất về tài sản cũng như về tính mạng người dân. Và tôi thiếu sót phận sự tối thiểu đối với đồng bào quá vãng nếu giờ phút này, tôi không hướng một ý nghĩ thành kính đến số một triệu dân Việt mà hoàn cảnh bi thảm của sự chiếm đóng đã đưa đến cái chết đau thương. Những hư hại vật chất mà đất nước chúng tôi gánh chịu không phải là ít và tất cả nền kinh tế của chúng tôi bị ảnh hưởng một cách trầm trọng. Cầu cống và đường sá bị cắt đứt, làng xã bị triệt hạ hoàn toàn, nhà thương và trường học bị thiệt hại, bến tàu và đường sá bị dội bom, tất cả đều phải làm lại, đều cần thiết phải làm lại, nhưng than ôi cần có nguồn tài nguyên quá cao so với khả năng hiện hữu của chúng tôi.”
“Cho nên, trong lúc khen ngợi sự rộng lượng của những tác giả dự án thỏa hiệp này, chúng tôi cũng trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu hội nghị ghi nhận.”
“Là những người Á châu, chúng tôi thành thật hân hoan trước những viễn tượng mới mẻ mở rộng ra cho một quốc gia Á Đông sau khi kết thúc thỏa hiệp hòa bình này. Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng góp phần vào sự phục hưng của một dân tộc Á đông bình dị và cần mẫn như nước Nhật Bản đây, chúng tôi tin chắc rằng những người dân châu Á phải là những người phát khởi thịnh vượng chung của mình, họ cũng trông cậy nơi chính mình để xa lánh mọi chế độ đế quốc và trong việc thiết lập một trạng thái quốc tế mới, một sự liên đới Á châu cũng cần thiết như một sự liên đới Âu châu vậy.”
“Điều này không có ý muốn nói là sẽ có một ngày nào đó hai sự đoàn kết này sẽ chống đối lẫn nhau. Điều này chỉ muốn nói một cách giản dị là các dân tộc châu Á một khi đã được các quốc gia Tây phương hoàn thành việc giúp đỡ họ xây dựng hòa bình, tôi nói rằng một khi mà hòa bình đã vãn hồi, các dân tộc Á châu không thể sẽ là gánh nặng cho kẻ khác, mà trái lại họ phải nhớ nằm lòng là họ phải tự bảo vệ mạng sống của họ bằng những phương tiện riêng của họ. Điều đó, ít nhất cũng là tham vọng của Việt Nam và dù cho có phải chịu nhiều thăng trầm cực nhọc họ vẫn tự hào là không lúc nào để nhụt chí. Nhưng một dân tộc độc lập phải là một dân tộc tự hào và cũng bởi sự tự hào, theo chúng tôi, có cái giá, giá đó tuy không thể nào bằng sự tự hào của Nhật Bản nhưng chúng tôi tới đây để yêu cầu được chữ ký của 51 quốc gia hội viên của Hội nghị này mà tái lập lại một đời sống quốc gia xứng đáng và tự hào.”
“Tuy nhiên nếu dự thảo hiệp ước này đòi hỏi thẳng thắn cái quyền dền bồi lại tất cả những thiệt hại mà chính Nhật Bản hoặc là tác giả, hoặc ngẫu nhiên đã gây ra, những đền bù được dự liệu bằng các cung cấp dịch vụ, trong trường hợp của Việt Nam mà không được đền bồi bằng những nguyên liệu, thì chắc chắn sẽ chẳng có kết quả gì cả. Tất cả mọi thứ Việt Nam, cũng cần như Nhật Bản, một số trợ giúp quan trọng để tái tạo nền kinh tế của mình. Từ đó, nếu nhận những đền bù chánh yếu bằng những cung cấp dịch vụ thì chẳng khác nào như là đi tín nhiệm mọi thứ tiền không thể lưu hành ở xứ mình.”
“Chúng tôi vì vậy sẽ phải đòi hỏi nghiên cứu lại các phương thức bồi hoàn hữu hiệu hơn và nhất là chúng tôi phải tính, ngoại trừ những phương tiện tạm thời, tới một sự bồi thường chính thức vào cái ngày mà chúng tôi ước mong là sẽ rất gần, cái ngày mà nền kinh tế của Nhật Bản sẽ được phục hưng để họ có thể đương đầu với tất cả mọi bắt buộc.”
Đoạn kết, Thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố: “Việt Nam rất là hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo dựng hòa bình này. Và xcũng vì vậy cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm móng các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”
* Lược ghi các phản ứng của Trung Cộng
.Về phía Trung Cộng, như đã trình bày, khi thấy bị Hoa Kỳ gạt ra khỏi hòa hội, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã phản ứng ngay bằng cách một mặt ra một số bản tuyên bố chính thức và một mặt khác cho đăng các bài báo để lên án Hoa Kỳ về việc không mời Trung Cộng tham dự hòa hội và để trình bầy quan điểm của Trung Cộng về một số vấn đề cần phải được thảo luận. Một trong những vấn đề này là chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lời tuyên bố đầu tiên của chính phủ Trung Cộng đã được Chu Ân Lai, lúc đó là bộ trưởng Ngoại giao, trình bày ngày 4-12-1950, trong đó Trung Cộng đã nêu ra căn bản chính để ký một hòa ước với Nhật Bản: “Bản Tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, bản tuyên bố Potsdam và các chính sách căn bản đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng đã được các quốc gia trong Ủy Hội Viễn Đông thỏa thuận và thông qua ngày 19-6-1047, các văn kiện quốc tế mà Chính phủ Hoa Kỳ đã ký kết là căn bản chính cho một hòa ước với Nhật Bản”. Chu Ân Lai nói thêm: Nhân dân Trung Hoa rất ước muốn sớm có một hòa ước liên hợp với Nhật Bản cùng với các quốc gia khác trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai. Nhưng căn bản của hòa ước phải hoàn toàn thích hợp với bản tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, bản Tuyên cáo Potsdam và các chính sách căn bản đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng được quy định trong các văn kiện này. Tuy bản tuyên bố của Chu Ân Lai không đề cập đến vấn đề chủ quyền với hai quần đảo mà chỉ đề cập tới nhiều vấn đề khác, nhưng nó đã nêu ra quan điểm chính yếu của Trung Cộng.
Trong số báo tuần trước, VB đã lược trình nội dung “vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo” mà Trung Cộng chính thức đề cập trong một bản tuyên bố sau đó. Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin tóm lược các điểm chính đã trình bày: Khi nghiên cứu dự thảo hòa ước Cựu Kim Sơn Anh-Mỹ do Hoa Kỳ gửi cho các quốc gia được mời tham dự hòa hội, chính phủ Trung Cộng thấy điều hai của dự thảo hòa ước không quy định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản sẽ phải từ bỏ được trao cho quốc gia nào, nên trong bản tuyên bố ngày 15-8-1951, sau khi đề cập tới quan điểm của Trung Cộng về từng vấn đề một, Chu Ân Lai tuyên bố: “Dự thảo Hiệp ước quy định là Nhật Bản sẽ từ bỏ mọi quyền đối với đảo Nam Uy (đảo Spratly) và quần đảo Tây sa (quần đảo Paracel), nhưng lại cố ý không đề cập tới vấn đề tái lập chủ quyền trên hai quần đảo này. Thực ra, cũng như các quần đảo Nam Sa và quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây sa và quần đảo Nam Uy lúc nào cũng là lãnh thổ của Trung Quốc. Mặc dù những đảo này đã có lúc bị Nhật Bản chiếm đóng một thời gian trong trận chiến tranh xâm lăng do đế quốc Nhật Bản gây ra, sau khi Nhật Bản đầu hàng thì chính phủ Trung Hoa đã thâu hồi những hòn đảo này.”
Chu Ân Lai kết luận vấn đề này bằng cách phủ nhận giá trị bất cứ hòa ước nào ký kết với Nhật Bản mà không có sự tham dự của Trung Cộng: Chính phủ Nhân dân Trung ương của nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa một lần nữa tuyên bố: Nếu không có sự tham dự của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa trong việc chuẩn bị, soạn thảo và ký một hòa ước với Nhật Bản thì dù nội dung và kết quả một hiệp ước như vậy có như thế nào, chính phủ Nhân dân Trung ương cũng coi hòa ước ấy hoàn toàn bất hợp pháp, và vì vậy vô hiệu.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét