Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Đủ kiểu biến hóa

Theo chân một người thân vào chợ Kim Biên, quận 5, TPHCM để chọn mua hương liệu chuẩn bị cho việc kinh doanh quán cà ri dê, tôi sững sờ khi biết có đến hơn 50 loại hương liệu được dùng để nấu món cà ri vốn được coi là đặc sản này. Một chủ cửa hàng ở đây cho biết muốn có hai loại hương liệu cà ri dê kiểu Ấn Độ.
 
“Một nồi cà ri khoảng 50 lít chỉ cần ngâm 5 gói hương liệu này vào là trở thành đặc sản, ngon hết chỗ chê”.

Trong khi đó, hương liệu nấu món bò kho cũng có đến 10 loại. Theo người bán hàng, còn có nhiều loại hương liệu để nấu bún riêu, gạch cua, hương liệu cà phê, nấu phở gà, bò các loại hương liệu chế nước cam, táo, chanh...

“Tại khu vực chợ Kim Biên, có tiền là có hóa chất” - người bán hàng ở cửa hàng có tên Tấn Phát nói. Tại sạp này bán đến cả trăm loại hóa chất, chủ yếu là hóa chất phụ gia thực phẩm, công nghiệp. Ngoài ra còn có 20-30 mặt hàng là hương liệu màu dùng trong chế biến thực phẩm.

“Từ hương liệu ca cao, hương thịt heo đến các loại hương liệu chống ẩm mốc, nước rửa chén, dầu gội”- chủ cửa hàng giới thiệu. Hỏi mua hóa chất tẩy trắng, người bán hồ hởi: “Magnesium Sunlfate tẩy trắng ngó sen, dừa, rau hoàn hảo”.

Chủ cửa hàng cũng thừa nhận đây là hóa chất công nghiệp dùng để tẩy vải sợi, nhưng trấn an: “Không sao, vẫn dùng được cho cả thực phẩm!”.

Tại cửa hàng B.T cách đó không xa, đặt vấn đề mở quán bán hủ tiếu, bún bò..., chúng tôi được giới thiệu 3 loại hương liệu để nấu bún bò mà không cần phải tốn công mất của đi mua xương bò về hầm.

Theo người này, chỉ cần bỏ 2g hương liệu bò hầm vào nồi 20 lít là đã có nồi nước bún bò ngon tuyệt đỉnh. Trong khi đó ở ki ốt D.L, người bán hàng cho biết có bán hóa chất Sulfite để “làm đẹp” cho da lợn và bún. Nhưng ít ai biết được hóa chất này lại dùng tẩy trắng mủ cao su.

“Bằng một gói hương liệu heo, anh có thể hô biến miếng thịt heo đã bị ôi hay heo bệnh thành thịt heo tươi ngon”- người bán hàng có tên Hoa ở cửa hàng N. giới thiệu. Nơi đây còn bán hàng loạt hương liệu để biến một ly sữa đậu nành thành một ly cà phê chồn thơm ngon bằng một chút hương cà phê chồn. Giá một 1g hương liệu cà phê chồn chỉ 10.000 đồng và có thể “chế” được 10 ly.

Loại phẩm màu công nghiệp này có thể làm món bún riêu cua như thịt cua thật.

Đầu độc mọi nơi

Theo Ban quản lý chợ Kim Biên, mỗi năm nơi đây kết hợp với Chi cục quản lý thị trường và Sở Y tế TPHCM kiểm tra nhiều lần với hàng trăm mặt hàng nhưng sau kiểm tra đâu rồi lại vào đấy. Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng nên nhiều công ty, tiểu thương tìm mọi cách nhập hóa chất công nghiệp để được hưởng thuế suất thấp, giá rẻ nhưng khi bán ra lại thu về lợi nhuận rất cao.

Theo bà Lưu Thị Kim Nhung- Trưởng Ban quản lý chợ Kim Biên, nếu như không tập hợp các hộ kinh doanh lại thành một trung tâm chuyên kinh doanh hóa chất thì việc kiểm tra xử lý như hiện nay chỉ là bắt cóc bỏ dĩa.

Bà Nhung cho biết, hiện các hộ kinh doanh này được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép ghi rất chung chung là “buôn bán hoá chất”, chứ không nêu rõ ràng loại hoá công nghiệp hay thực phẩm nên các cửa hàng vô tư lách luật. Đó là chưa kể việc buôn bán lén lút các mặt hàng không được phép rất khó phát hiện.

Sau khi lấy ngẫu nhiên 30 mẫu thực phẩm ở chợ và siêu thị để xét nghiệm phẩm màu và chất bảo quản, Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM cho biết: Rất nhiều loại thực phẩm có hàm lượng phẩm màu và chất bảo quản vượt tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt nhiều mẫu thực phẩm ngậm quá nhiều chất cấm là phẩm màu công nghiệp.

Theo ông Võ Trọng Thiện- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, trong 30 mẫu thịt heo quay lấy ở chợ và các cơ sở trên địa bàn TPHCM có đến 4 mẫu ở 4 cơ sở dùng phẩm màu không cho phép. Trong khi đó, bắp chiên, tương ớt, 100 mẫu thì có đến gần một nửa sử dụng chất Sunset FCF độc hại.

“Trong 50 mẫu hạt dưa mà khách hàng mang đến nhờ Viện kiểm nghiệm có đến 47% hạt dưa sử dụng phẩm màu cấm, trong khi 159 mẫu tương ớt thì có 3 mẫu dùng phẩm màu ngoài danh mục, có nhiều thực phẩm ngâm 3-4 lần phẩm màu độc hại”- ông Thiện cho biết.

Về chất bảo quản, lấy ngẫu nhiên 30 mẫu thịt chà bông ở chợ thì có 5 mẫu không đạt. Tương tự, 28 mẫu rau quả muối chua cũng có đến 3 mẫu dùng chất bảo quản cấm Natribenzoat. Nguy hiểm nhất, 30 mẫu mì ăn liền thì có đến 33,3% dùng chất cấm Natribenzoat để bảo quản và 30 mẫu bánh bao thì có đến 28 mẫu dùng chất bảo quản không đạt.

Ông Thiện lý giải do phẩm màu công nghiệp làm sản phẩm trông đẹp và rẻ tiền hơn phẩm màu tự nhiên, vì thế không ít cơ sở chế biến thực phẩm nhắm mắt làm ngơ với sức khỏe người tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Khánh Trâm- Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, dù không muốn nhưng vẫn có hơn 63 % người tiêu dùng phải ăn thức ăn nhuộm màu bất đắc dĩ và 20% người tiêu dùng mua phẩm màu có thể không rõ nguồn gốc ở chợ để tự chế biến thực phẩm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét