Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Thành lập Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân

Nhà giàn DK1 tại vùng biển gần quần đảo Trường Sa
Nhà giàn DK1 tại vùng biển gần quần đảo Trường Sa.
Lực lượng hải quân bảo vệ vùng biển dài hơn 300 cây số từ Bình Thuận đến Bạc Liêu vừa được nâng cấp thành Bộ Tư lệnh Vùng 2.
Trước đó vùng thềm lục địa nhiều tài nguyên dầu khí này được đặt dưới sự bảo vệ của Vùng 2 hải quân, mới thành lập ngày 28/9/2009.
Quyết định nâng cấp Vùng 2 thành Bộ Tư lệnh Vùng 2 cho thấy Việt Nam bắt đầu quan tâm đến việc đảm bảo tự do giao thông cho tàu biển quốc tế tại tuyến đường có tầm quan trọng chiến lược.
Cạnh đó là đảm bảo an ninh cho các nhà giàn (DK1) được dựng lên giữa biển, với nhiều mục đích sử dụng.
Phía Việt Nam gọi DK1 là cụm Kinh tế-Khoa học-Dịch vụ thuộc thềm lục địa phía Nam.
Đa số nhà giàn DK1 nằm ỏ vùng giáp danh giữa thềm lục địa Việt Nam với quần đảo Trường Sa.
Việt Nam đã xây tổng cộng 21 nhà giàn DK1, thông tin trên mạng hoangsa.org, nơi tập hợp những người nghiên cứu độc lập, cho hay.
15 nhà giàn đang được sử dụng, với 8 nhà giàn có bãi đỗ trực thăng trên nóc.
Các địa điểm này không đóng quân, chúng ở gần với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, hiện do Việt Nam kiểm soát.
Trụ sở của Bộ Tư lệnh Vùng 2 được đặt tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Nhiệm vụ
Chưa thấy Việt Nam loan báo về thành phần nhân sự của Bộ Tư lệnh Vùng 2.
Còn cơ cấu chỉ huy của Vùng 2 hải quân trước đó gồm Đại tá Nguyễn Văn Tuyến, Chỉ huy trưởng, và Đại tá Mai Tiến Tuyên, Chính ủy vùng.
Nhiệm vụ của Vùng 2 hải quân đã được Đại tá Mai Tiến Tuyên nhắc tới, trong cuộc nói chuyện với báo giới năm 2009 như sau:
“Vùng 2 sẽ thực hiện các nhiệm vụ như bảo vệ, đảm bảo an toàn trên biển cho nhân dân và đường hàng hải quốc tế đi qua khu vực biển Đông".
Lực lượng Vùng 2 hải quân cũng sẽ tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân khi gặp bão hoặc gặp nạn trên biển.
Việc chăm lo đời sống cho những người lính túc trực trên các nhà giàn DK1 cũng được Chỉ huy trưởng Vùng 2 nhắc đến.
Đảo Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa
Đảo Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa, hiện do Việt Nam nắm giữ.
Đó là cung cấp các phương tiện nghe nhìn, lắp trạm bắt sóng điện thoại thí điểm trên một số nhà giàn để lính hải quân có điều kiện liên lạc với gia đình, người thân ở đất liền.
Các vùng tuần tra
Hải quân Việt Nam có 42.000 quân, địa bàn tuần tra và bảo vệ trải dài trên 5 vùng biển chính, từ Vịnh Bắc Bộ đến đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo phân công, Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân sẽ đảm đương bảo vệ chủ quyền vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bạc Liêu, và thềm lục địa phía Nam.
Quan trọng hàng đầu, báo trong nước đưa tin, là vùng đặt các nhà giàn dùng để khai thác kinh tế, nghiên cứu khoa học và phát triển dịch vụ.
Phương thức hoạt động của hải quân đã được lãnh đạo Quốc hội nhắc tới trong buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Việt Nam gần đây.
“Nhiệm vụ của Hải quân là quản lý và kiểm soát chặt chẽ các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam, giữ gìn an ninh, chống lại mọi hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam,” ông Nguyễn Phú Trọng, khi ấy đang là chủ tịch Quốc hội, nói.
Người đứng đầu Quốc hội Việt Nam, nay kiêm thêm chức Tổng bí thư Đảng, chỉ thị Quân chủng Hải quân chuẩn bị tinh thần tác chiến, nếu tình huống đòi hỏi thì “sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác nhằm đánh bại mọi cuộc tiến công trên hướng biển".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét