Lo ngại cho blogger Việt Nam
Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) ở Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày) và Phan Thanh Hải (blogger Anh Ba Sài Gòn).
Việc bắt giam blogger Anh Ba Sài Gòn diễn ra hôm 18/10, trong khi blogger Điếu Cày, dù đã hết hạn tù vì tội "trốn thuế", nhưng lại bị giam tiếp theo tội "tuyên truyền chống nhà nước".Ông Phil Robertson, phó giám đốc phân ban châu Á của Human Rights Watch, phê phán: "Chính quyền Việt Nam không biết xấu hổ khi tạo dựng cáo buộc và biện minh cho việc giam giữ những người chỉ trích ôn hòa như Điếu Cày."
"Cuộc truy quét trước thềm Đại hội Đảng đang vào cao trào, đặt vào tầm ngắm những người chỉ trích chính phủ."
Theo Human Rights Watch, hai thành viên khác của CLB Nhà báo Tự do - Tạ Phong Tần và Uyên Vũ - đã bị công an giám sát chặt chẽ tại tư gia. Một nhà hoạt động khác, Đỗ Nam Hải, bị tạm giữ vào hôm 19/10 trước khi được thả.
Ông Robertson kêu gọi: "Chính phủ cần ghi nhận vai trò quan trọng của các blogger độc lập trong xã hội thay vì sách nhiễu và bỏ tù họ."
Trong khi đó, cũng vào hôm 22/10, Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ), đặt trụ sở ở New York, ra thông cáo bày tỏ lo ngại rằng chính quyền Việt Nam đang đàn áp nhiều blogger.
Bài của CPJ nhắc đến trường hợp của blogger Anh Ba Sài Gòn và Điếu Cày.
CPJ cũng bày tỏ lo ngại về vụ bắt giữ ông Phan Hà Bình, là Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Tiền Phong –khu vực phía Nam, bút danh Hà Phan.
Truyền thông trong nước cho biết hôm 20/10, Viện KSND Tối cao đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam đối với ông Phan Hà Bình để điều tra về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”, theo Điều 135 Bộ luật Hình sự.
Ông Bình bị cáo buộc là bị công an bắt quả tang khi nhận 220 triệu đồng của một doanh nghiệp tại một nhà hàng hôm 13/10 tại TP. HCM.
Nhưng CPJ thì lo ngại rằng trước đây chính phủ Việt Nam "đã dùng những cáo buộc tương tự để bịt miệng giới truyền thông tiết lộ thông tin tiêu cực về những doanh nghiệp có nhiều quan hệ".
Nhiều người bị bắt
Cả hai tổ chức HRW và CPJ cũng nhắc đến trường hợp giảng viên Phạm Minh Hoàng, mang hai quốc tịch Việt Nam và Pháp, bị bắt hôm 13/08 theo Điều 79 Bộ luật Hình sự.
Ông Hoàng, và vợ, bị cáo buộc là thành viên của đảng Việt Tân mà Việt Nam xem là tổ chức khủng bố.
HRW cho biết vào ngày 26/10, ba nhà hoạt động - Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (cùng ở tỉnh Bình Dương) và Đoàn Huy Chương (tỉnh Đồng Nai) - sẽ bị đem ra xét xử vì tội "phá rối an ninh".
Cáo trạng nói ba người này nhận tiền của ông Trần Ngọc Thành (đứng đầu "Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam" ở Ba Lan) để tổ chức rải truyền đơn "tuyên truyền xuyên tạc chống Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam".
Họ bị bắt hồi tháng Hai năm nay, và bị cáo buộc "xúi giục" công nhân của một công ty giày da tỉnh Trà Vinh tổ chức đình công.
Còn theo Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam, những người này đã tham gia giúp người dân đi khiếu kiện, trong khi ông Đoàn Huy Chương năm 2006 thành lập “Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam” và từng bị tù trước khi được thả năm 2008.
Hội nghị của Asean sẽ diễn ra ở Hà Nội ngày 28/10.
HRW kêu gọi các nước tham gia hội nghị này yêu cầu Việt Nam trả tự do cho blogger và những nhà hoạt động theo tinh thần nhân quyền ghi trong Hiến chương Asean.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét