Thứ Tư, 03/11/2010, 07:19 (GMT+7)
TT - Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp Quốc hội ngày 2-11, Tuổi Trẻ ghi nhận 2 ý kiến liên quan đến việc khai thác bôxit ở Tây Nguyên.
Hồ chứa bùn đỏ của Nhà máy alumin Tân Rai (Dự án tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng) tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý 1-2011 - Ảnh: Bình R |
* Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên:
Quốc hội yên tâm
Tôi nói để Quốc hội yên tâm vì môi trường không thể nói chung chung mà phải có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể. Ở đây, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thẩm định và phê duyệt với chất lượng cao nhất.
Về lo lắng có phá rừng Tây nguyên hay không? Báo cáo với Quốc hội, theo Luật khoáng sản, tất cả chỗ nào là rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, các khu di tích lịch sử, các khu văn hóa dân tộc dứt khoát không được cấp phép cấp mỏ.
Lo lắng tiếp theo là nước có chảy vào trong hồ bùn đỏ hay không? Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã nêu là nghiêm cấm không để nước xung quanh chảy vào trong hồ bùn đỏ này. Vậy có bị thẩm thấu dọc xuống hay không? Hiện nay tiêu chuẩn của thế giới và tiêu chuẩn của VN coi bùn đỏ là khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại. Đã là khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại thì vật liệu an toàn không thể thẩm thấu được.
Ở đây có động đất hay không và đến cấp mấy? Viện Vật lý địa cầu vào đo từ nhiều năm nay đã xác định độ động đất tối đa là đến cấp 5, nhưng chúng tôi yêu cầu trong thiết kế ở đây là đến cấp 7. Có lo có đứt gãy hay không? Viện Địa chất và khoáng sản VN đã vào đo và theo dõi khu vực hồ bùn đỏ này không có đứt gãy.
Có vỡ hồ bùn đỏ hay không? Hiện nay trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chúng tôi đã đặt khả năng vỡ hồ thì làm như thế nào? Trong khu chứa bùn đỏ này chia ra làm các hồ. Khi thải ra hồ thứ nhất có sự cố vỡ thì hồ thứ hai phải hứng cái vỡ của hồ thứ nhất, tương tự như vậy. Khi đã thải đến hồ thứ ba thì hồ thứ nhất đã tháo nước và đã khô. Khô ở hồ thứ nhất là phải trồng cây. Đến hồ cuối cùng nếu vỡ thì giải pháp như thế nào?
Hiện nay chúng tôi đang yêu cầu Tập đoàn công nghiệp Than - khoáng sản VN (TKV), trong báo cáo đánh giá tác động môi trường dành ra một diện tích khoảng 50ha. Nếu như hồ cuối cùng vỡ thì toàn bộ 50ha này phải chứa.
Vấn đề là TKV có thực hiện đúng theo những điều trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không? Bộ Tài nguyên - môi trường đã quyết định thành lập một tổ giám sát, hoạt động đến khi nghiệm thu xong tất cả công trình này có bảo đảm điều kiện môi trường thì lúc đó mới cho vào khai thác. Hiện nay tổ giám sát đã thực hiện ba cuộc giám sát, đã lưu ý và ghi sổ nhật ký hằng ngày của đơn vị thi công.
* Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):
Tôi vẫn chưa an lòng
Sự cố vỡ đập bùn đỏ ở Hungary xới lại một vấn đề mà toàn xã hội quan tâm về an toàn môi trường, hiệu quả kinh tế của dự án khai thác bôxit ở Tây nguyên. Những điều Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên phát biểu chưa thật sự làm an lòng tôi. Bởi lẽ như bộ trưởng nói tất cả việc triển khai xây dựng báo cáo về môi trường diễn ra cách đây một năm, không biết sau sự cố Hungary, đoàn giám sát của bộ đã đi chưa?
Nhiều người đặt dấu hỏi về khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn? Còn nhiều vấn đề đáng lo ngại về hiệu quả kinh tế trong khai thác và tiêu thụ, về sự thiếu đồng bộ giữa dự án khai thác và điều kiện hạ tầng để vận chuyển, về sự lựa chọn công nghệ và địa điểm chế biến tối ưu, về những rủi ro của sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó còn là diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt...
V.V.THÀNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét