Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Nhìn từ Quảng trường Giải phóng

Cuộc biểu tình chống chính quyền ở Ai Cập đã bước sang tuần thứ ba, với một đỉnh điểm mới về số người đấu tranh tại Cairo tối 10/2/2011.
Nhà báo Abdalla Hassan, hiện sống tại Cairo cho BBC Tiếng Việt biết về không khí trong ngày và những cảm nhận liên quan đến cuộc đấu tranh.
Trước hết, anh nói về cái tên của Bấm Quảng trường Tahrir, vốn nhanh chóng trở thành tâm điểm của cuộc đấu tranh tại Cairo.
Abdalla Hassan: Tên của Quảng trường Tahrir có nghĩa là Giải phóng (Liberation). Tên này có từ sau cuộc Cách mạng năm 1952, lật đổ chế độ quân chủ và quốc vương Farouk. Trước đó, nó được gọi là Quảng trường Ismaileyya, mang tên của một vị vương thuộc triều đại hồi trước đó. Nay thì Quảng trường Giải phóng này đang thu hút hàng trăm nghìn người biểu tình mỗi ngày.
BBC Tiếng Việt:Anh đến Quảng trường này gần như hàng ngày, vậy không khí ở đây là thế nào? Hiện nó là tâm điểm của cuộc biểu tình phản đối chính phủ?
Qua Facebook, các blog, qua Internet, những hình thức vận động quần chúng đó khiến người cứ đông dần lên
Ở bên trong Quảng trường, không khí gần như là một ngày hội, khá là độc đáo, có một tình thân hữu, bè bạn, cùng hội cùng thuyền. Rất đông người. Một số người cắm trại luôn tại đây như để nói rằng họ sẽ không đi, chừng nào sự thay đổi xảy đến. Họ muốn chế độ của ông Mubarak phải sụp đổ. Yêu cầu trọng yếu của họ là làm sao để Đảng cầm quyền, chế độ không tồn tại nữa.
BBC Tiếng Việt: Anh có đồng ý với một số nhà bình luận rằng ban đầu, người dân Ai Cập muốn tự do trên mạng, rồi họ chuyển các yêu cầu từ mạng ra đường phố.
Vâng, ví dụ như trang mạng Facebook đã có tác động rất lớn như một công cụ tập hợp, vận động quần chúng. Hôm đầu, ngày 23 tháng 1, tôi cũng nghe tin và ra phố, người ta xuống đường ở nhiều thành phố trên cả nước. Nhưng ở đây, Cairo, chỉ có chừng mươi nghìn người thôi. Và họ cũng không biết là thực tế sẽ có thêm bao nhiêu người tham gia. Thế rồi, qua những kết nối trên mạng, qua Facebook, các blog, qua Internet, những hình thức vận động quần chúng đó khiến người cứ đông dần lên. Người này nghe người kia, họ trao đổi tin tức. Những nay thì cuộc biểu tình đã vượt ra ngoài chuyện than phiền về chính quyền trên mạng. Họ cần hành động.
BBC Tiếng Việt: Anh nói đến hành động. Vậy họ có can dự vào các cuộc va chạm bạo lực?
Có bạo lực vì có trấn áp. Người biểu tình bị bắn. Có xô xát.
BBC Tiếng Việt: Về người biểu tình, họ có ý thức rằng người dân trên thế giới quan sát, chứng kiến cuộc biểu tình Ai Cập trên truyền thông, qua mạng Internet?
Người biểu tình kiên quyết đòi Tổng thống Mubarak từ chức
Chắc chắn là thế. Theo tôi, hiện có cảm giác chung rằng những gì đang xảy ra ở Ai Cập là rất cấp bách, nên có lo ngại về những gì xảy ra, về phong trào cách mạng, về đấu tranh, làm sao giữ cho nó tiếp tục. Mạng Internet ở đây bị đóng trong gần một tuần nhưng nay đã phục hồi lại. Người ta tiếp tục lên mạng, chia sẻ rất sống động các hình ảnh, tin tức, và cho cả bên ngoài Ai Cập biết. Đã có các cuộc biểu tình bên ngoài, trước các sứ quán Ai Cập ở nước ngoài để ủng hộ cuộc biểu tình.
BBC Tiếng Việt: Về cách gọi thì anh thấy tại chỗ người dân đi biểu tình như đi hội nhưng ở bên ngoài thì có các cách gọi khác nhau. Có người gọi là biểu tình, có báo, như ở Trung Quốc và Việt Nam nhấn mạnh đến khía cạnh 'bất ổn','hỗn loạn', có người còn so sánh với cuộc đấu tranh ở Quảng trường Thiên An Môn tại Trung Quốc hồi trước? Anh nghĩ sao?
Tôi không nghĩ là dàn bài như Thiên An Môn có thể xảy ra, đơn giản là vì số người ở Quảng trường Tahrir rất đông. Bởi nếu quân đội nổ súng để dọn quảng trường thì s̃e là cuộc tắm máu khủng khiếp. Còn những người ở Quảng trường sẽ không chịu ra đi chừng nào ông Mubarak chưa rời chức vụ.
BBC Tiếng Việt: Thế nhưng cuối cùng, theo những gì anh đánh giá thì việc này sẽ đi đến đâu?
Hiện chính quyền rất thận trọng, không muốn nhượng bộ gì nhiều, và muốn làm sao để dần dần cuộc biểu tình nguội đi. Phía những người biểu tình thì muốn duy trì cuộc đấu tranh chừng nào chế độ của Tổng thống Mubarak và những người ủng hộ ông ta phải ra đi. Chính quyền cũng đưa ra một chiến lược truyền thông, mô tả sự 'đe dọa' từ phía Huynh đệ Hồi giáo, và nói những người biểu tình chịu tác động của 'gián điệp nước ngoài'.
Trong khi đó thì các cuộc đấu tranh đang lan ra các vùng khác của Ai Cập và thu hút thêm các ngành nghề, từ y tế đến công nhân ngành xe lửa, người lái xe bus. Hành động của họ phản ánh điều thất vọng vì chính quyền không chịu nhanh chóng tiến đến dân chủ hóa. Ngược lại, phía chính quyền thì thận trọng nhưng bằng mọi cách muốn duy trì chế độ.
Nhà báo Abdalla Hassan sinh trưởng tại New York trong một gia đình gốc Ai Cập và trở về sống tại Cairo từ năm 2010.
Người biểu tình cùng quân lính trên xe tăng xem tường thuật truyền hình về phát biểu của lãnh đạo Ai Cập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét