Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Cập nhật danh sách thành phố, tiểu bang, nước ký tên trên Thỉnh Nguyện Thư gửi BNG Hoa Kỳ

Kính:
Chắc chắn không ai trong chúng ta sẽ còn sống đến 100 nǎm sau vì dự án khai thác bô xít Tây Nguyên sẽ kéo dài đến 90-100 nǎm sau. Ngày ấy sẽ ra sao khi những ngọn đồi cao nguyên xanh mượt trở thành sa mạc hoang vu, những ngọn đồi xanh tươi biến mất, những thung lũng nước ngọt biến thành những hố tử thần, những cái gọi là bể chứa bùn đỏ bị vỡ ra nhiều lần và những loài thủy sản bé nhỏ, những con thú hiền hòa dễ thương biến mất trên vùng đất này không còn một dấu vết, những con chim không còn tiếng hót, và những đồi thông chập chùng xanh mùa Giáng Sinh giờ chỉ là huyền thoại. Nhiều ngàn triệu (tỷ) mét khối nước bùn đỏ chảy tràn lan trên mặt đất và người Tây Nguyên đã phải chạy trốn từ bỏ mãnh đất thân yêu của mình mà không được một chút xót thương. Họ biến thành những con thú hoang không có nơi sinh sống và trở thành những kẻ đói rét ngay chính trên mãnh đất họ sinh sống nhiều ngàn nǎm, những đứa trẻ trở thành quái thai, bệnh tật mà sự di cǎn truyền qua nhiều thế hệ. Trái lại, những cơ ngơi tòa nhà sừng sững giữa trời xanh của những kẻ lạ mặt giờ trở thành dinh Thống đốc cai trị Việt Nam và dưới chân các ngọn đồi phủ đầy làng mạc của kẻ lạ đến sinh sống và sinh con đẻ cái như chính trên quê hương của chúng. Bộ máy công an cộng sản VN trở nên tàn bạo và dã man hơn bao giờ dưới lịnh quan thầy và người dân ngụp lặn trong bùn lầy nhớp nhúa như những kẻ nô lệ. Nhưng có lẽ sự đau thương nhất là các thế hệ mai sau sẽ nguyền rủa chúng ta, oán hận chúng ta, thù ghét chúng ta vì chúng ta những con chim đang ung dung sống giữa bầu trời tự do đã không cất lên lời phản kháng ngay lúc này. Con cháu chúng ta sẽ cǎn cứ vào phản kháng của chúng ta hôm nay để chúng sẽ tiếp tục cuộc tranh đấu của chúng bởi vì chúng không thể bắt đầu cuộc đấu tranh chống khai thác bô xít trong lúc bọn cộng sản Vn đồng ý bán nước và những con người chân chính khác thì cứ im lặng vì a dua hoặc vì sợ bị cộng sản đàn áp, và cuộc tranh đấu của chúng sẽ không có tính liên tục pháp lý.
Điều quan trọng nhất của chúng ta là hãy cất tiếng nói và hãy chung nhau góp sức để các tổ chức quốc tế hiểu biết giúp đỡ chúng ta bởi vì chúng ta khẳng định rằng cái gọi là khai thác bô xít Tây Nguyên phải chấm dứt và chấm hết. Nếu trong đời chúng ta không làm hoàn thành được việc này, con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đến lúc nhất định phải thành công.
Đó không phải vì một tình yêu riêng lẽ cho Tây Nguyên, nhưng đó là tình yêu của chúng ta san sẽ cho toàn thể 53 dân tộc thiểu số và cho đại khối dân tộc. Đó không chỉ vì màu xanh Tây Nguyên, đó vì sự sống còn và khoẻ mạnh của cả dân tộc.
Quan Điểm VN 2011

Ngày 09/11/2010
 
13 lần ký tên trên Thỉnh Nguyện Thư kiện Trung Cộng
29 lần ký tên trên TNH gửi BNG Hoa Kỳ Chống Bô xít Tây Nguyên
Tổng số lượt ký tên 143
Tổng số danh sách chữ ký 852

1. Milpitas Tue, Nov 9, 2010 3:32 PM Find...
2. San Jose Fri, Nov 5, 2010 11:12 PM Find...
3. California Fri, Nov 5, 2010 9:07 PM Find...
4. Lawndale Fri, Nov 5, 2010 8:21 PM Find...
5. GARDEN GROVE Fri, Nov 5, 2010 7:10 PM Find...
6. Norwalk Fri, Nov 5, 2010 6:33 PM Find...
7. Westminster Wed, Nov 3, 2010 9:48 PM Find...
8. Houston Thu, Aug 19, 2010 9:27 PM Find...
9. San Jose Thu, Aug 19, 2010 12:22 PM Find...
10. Pflugerville. Thu, Aug 19, 2010 6:40 AM Find...
11. lakeland Wed, Aug 18, 2010 5:04 PM Find...
12. san jose Tue, Aug 17, 2010 8:47 PM Find...
13. south houston Mon, Aug 16, 2010 9:11 AM Find...
=====

1. Manitoba Tue, Nov 9, 2010 7:56 PM Find...
2. California Tue, Nov 9, 2010 7:05 PM Find...
3. CA Tue, Nov 9, 2010 3:25 PM Find...
4. Michigan Tue, Nov 9, 2010 11:32 AM Find...
5. DALLAS, TEXAS Tue, Nov 9, 2010 8:56 AM Find...
6. MINNESOTA Tue, Nov 9, 2010 7:20 AM Find...
7. Melbourne Mon, Nov 8, 2010 11:22 PM Find...
8. Massachusetts Mon, Nov 8, 2010 5:38 PM Find...
9. California ,Milpitas Mon, Nov 8, 2010 4:15 PM Find...
10. California Mon, Nov 8, 2010 12:50 PM Find...
11. CA - San Francisco Mon, Nov 8, 2010 11:07 AM Find...
12. Austin, Texas Mon, Nov 8, 2010 9:55 AM Find...
13. MONTREAL, QUEBEC Mon, Nov 8, 2010 8:04 AM Find...
14. Texas, An Antonio Mon, Nov 8, 2010 7:46 AM Find...
15. MILPITAS, CALIFORNIA Mon, Nov 8, 2010 7:12 AM Find...
16. Hanoi Mon, Nov 8, 2010 4:24 AM Find...
17. Texas Mon, Nov 8, 2010 3:54 AM Find...
18. New York Mon, Nov 8, 2010 3:32 AM Find...
19. TX Sun, Nov 7, 2010 11:53 PM Find...
20. California Sun, Nov 7, 2010 10:19 PM Find...
21. California Sun, Nov 7, 2010 10:15 PM Find...
22. Westminster CA Sun, Nov 7, 2010 9:14 PM Find...
23. California , San jose Sun, Nov 7, 2010 8:38 PM Find...
24. California Sun, Nov 7, 2010 8:07 PM Find...
25. Pflugerville, Texas, 78660 Sun, Nov 7, 2010 7:50 PM Find...
26. NORTH CAROLINA CHARLOTTE Sun, Nov 7, 2010 4:55 PM Find...
27. Connecticut, East Hartford Sun, Nov 7, 2010 4:11 PM Find...
28. CA Sun, Nov 7, 2010 2:07 PM Find...
29. California - San Jose City Sun, Nov 7, 2010 12:40 PM Find...

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

Lũ bùn Cao Bằng: Sự cố đáng ngờ
Thứ Hai, 08/11/2010, 07:41 (GMT+7)

TT - Đến ngày 7-11, hậu quả lũ bùn do thủng chân đập chứa chất thải của Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng (xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng) đêm 5-11 vẫn chưa được khắc phục.
Dùng xe máy ủi chở người dân qua khu vực có lũ bùn - Ảnh: H.Thanh

Vụ thủng đập này khiến hàng ngàn mét khối bùn đổ ập chảy xuống dòng suối dài hơn 5km, làm thiệt hại nhà cửa, hoa màu, ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.
Dân hứng chịu thiệt hại
Tại hiện trường cho thấy bùn quánh đặc, đỏ ngầu, dày hơn 1m, chảy từ chân đập loang rộng, vùi lấp các cánh đồng, theo dòng suối tràn vào khu dân cư. Đường vào Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng cũng tràn ngập toàn bùn đỏ, một chiếc máy xúc đang cố gắng xúc từng đợt bùn để mở đường cho xe và người đi qua.
Ông Nguyễn Văn Túc (xóm 4, Nà Gà, Duyệt Trung) cho biết từ khi Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng hoạt động, dòng suối nơi đây trở nên đỏ quạch, tôm cá chết sạch và không thể dùng được nước suối làm nước sinh hoạt. Chính con suối này chảy ra sông Bằng là con sông lớn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hàng vạn người dân. Đây là bùn từ nước tuyển rửa quặng nên người dân rất lo ngại bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ông Lê Ngọc Quang, phó chủ tịch UBND thị xã Cao Bằng, cho biết đây không phải là lần đầu tiên người dân ở hạ nguồn mỏ sắt Nà Lũng bị ngập bùn. Xí nghiệp đã nhiều lần xả bùn làm ngập ruộng và gây thiệt hại cho dân.
Có cống ngầm dưới đáy đập?
Theo ông Lê Hồng Hải, chánh thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường, sáng 7-11 sở đã có cuộc làm việc với Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng để xác định nguyên nhân của vụ lũ bùn và tìm giải pháp khắc phục. Ông Hải cho biết xí nghiệp thừa nhận sự cố là do bờ đập xây dựng từ năm 2005 nhưng không được gia cố lu lèn một cách cẩn thận nên móng đập bị thủng. Tuy nhiên, một số công nhân lại cho biết dưới đáy đập có một cống lớn dùng để xả thải, mỗi khi có mưa lũ thì lượng bùn đất trong đập sẽ theo đó ra sông Bằng.
Thông tin từ những công nhân trùng khớp với thông tin của ông Lê Hồng Hải: năm 2008, xí nghiệp này bị xử phạt 70 triệu đồng do hành vi xả thải trộm. Theo ông Hải, khi làm việc với nhóm công nhân xả thải vào năm 2008, có người nói lãnh đạo xí nghiệp nghe dự báo thời tiết sẽ có mưa lũ về nên ra lệnh cho xả thải trước. Thế nhưng năm đó mưa lũ lại không về nên hành động xả thải trộm này bị lộ và bị bắt quả tang.
Ông Đoàn Ngọc Báu, chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường, nói: “Năm 2005, Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng tự ý xây dựng đập chắn thải số 4 (bể bị thủng), đồng thời đập này nằm ngoài phạm vi đất được cấp. Dù đây là đập cấp quốc gia nhưng xí nghiệp không hề có bản vẽ thiết kế cũng như báo cáo tác động môi trường. Việc làm này bị thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường lập biên bản xử phạt và yêu cầu hoàn chỉnh mọi thủ tục. Tuy nhiên đến hôm qua, khi được lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường yêu cầu, xí nghiệp vẫn chưa có các thủ tục nói trên.
Tính đến chiều tối qua, con đường dân sinh vào mỏ Nà Lũng vẫn bị ách tắc, bùn vẫn nằm “ăn vạ” trên hoa màu và trong nhà dân. Biện pháp duy nhất để khắc phục tình trạng tắc đường là dùng máy bơm bơm nước từ sông vào rồi sử dụng máy xúc bùn đổ ra một con suối nhỏ và... đưa ra sông Bằng - nguồn nước của hàng vạn người dân. Sau khi đi kiểm tra đập chắn thải bị vỡ - tác nhân gây ra cơn lũ bùn, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh chỉ đạo phải dừng ngay việc bơm nước đẩy bùn ra sông Bằng
Khai thác bôxit ở Tây nguyên: Có vỡ hồ bùn đỏ không?
Thứ Tư, 03/11/2010, 07:19 (GMT+7)

TT - Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp Quốc hội ngày 2-11, Tuổi Trẻ ghi nhận 2 ý kiến liên quan đến việc khai thác bôxit ở Tây Nguyên.
Hồ chứa bùn đỏ của Nhà máy alumin Tân Rai (Dự án tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng) tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý 1-2011 - Ảnh: Bình R

* Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên:
Quốc hội yên tâm
Tôi nói để Quốc hội yên tâm vì môi trường không thể nói chung chung mà phải có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể. Ở đây, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thẩm định và phê duyệt với chất lượng cao nhất.
Về lo lắng có phá rừng Tây nguyên hay không? Báo cáo với Quốc hội, theo Luật khoáng sản, tất cả chỗ nào là rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, các khu di tích lịch sử, các khu văn hóa dân tộc dứt khoát không được cấp phép cấp mỏ.
Lo lắng tiếp theo là nước có chảy vào trong hồ bùn đỏ hay không? Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã nêu là nghiêm cấm không để nước xung quanh chảy vào trong hồ bùn đỏ này. Vậy có bị thẩm thấu dọc xuống hay không? Hiện nay tiêu chuẩn của thế giới và tiêu chuẩn của VN coi bùn đỏ là khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại. Đã là khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại thì vật liệu an toàn không thể thẩm thấu được.
Ở đây có động đất hay không và đến cấp mấy? Viện Vật lý địa cầu vào đo từ nhiều năm nay đã xác định độ động đất tối đa là đến cấp 5, nhưng chúng tôi yêu cầu trong thiết kế ở đây là đến cấp 7. Có lo có đứt gãy hay không? Viện Địa chất và khoáng sản VN đã vào đo và theo dõi khu vực hồ bùn đỏ này không có đứt gãy.
Có vỡ hồ bùn đỏ hay không? Hiện nay trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chúng tôi đã đặt khả năng vỡ hồ thì làm như thế nào? Trong khu chứa bùn đỏ này chia ra làm các hồ. Khi thải ra hồ thứ nhất có sự cố vỡ thì hồ thứ hai phải hứng cái vỡ của hồ thứ nhất, tương tự như vậy. Khi đã thải đến hồ thứ ba thì hồ thứ nhất đã tháo nước và đã khô. Khô ở hồ thứ nhất là phải trồng cây. Đến hồ cuối cùng nếu vỡ thì giải pháp như thế nào?
Hiện nay chúng tôi đang yêu cầu Tập đoàn công nghiệp Than - khoáng sản VN (TKV), trong báo cáo đánh giá tác động môi trường dành ra một diện tích khoảng 50ha. Nếu như hồ cuối cùng vỡ thì toàn bộ 50ha này phải chứa.
Vấn đề là TKV có thực hiện đúng theo những điều trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không? Bộ Tài nguyên - môi trường đã quyết định thành lập một tổ giám sát, hoạt động đến khi nghiệm thu xong tất cả công trình này có bảo đảm điều kiện môi trường thì lúc đó mới cho vào khai thác. Hiện nay tổ giám sát đã thực hiện ba cuộc giám sát, đã lưu ý và ghi sổ nhật ký hằng ngày của đơn vị thi công.
* Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):
Tôi vẫn chưa an lòng
Sự cố vỡ đập bùn đỏ ở Hungary xới lại một vấn đề mà toàn xã hội quan tâm về an toàn môi trường, hiệu quả kinh tế của dự án khai thác bôxit ở Tây nguyên. Những điều Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên phát biểu chưa thật sự làm an lòng tôi. Bởi lẽ như bộ trưởng nói tất cả việc triển khai xây dựng báo cáo về môi trường diễn ra cách đây một năm, không biết sau sự cố Hungary, đoàn giám sát của bộ đã đi chưa?
Nhiều người đặt dấu hỏi về khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn? Còn nhiều vấn đề đáng lo ngại về hiệu quả kinh tế trong khai thác và tiêu thụ, về sự thiếu đồng bộ giữa dự án khai thác và điều kiện hạ tầng để vận chuyển, về sự lựa chọn công nghệ và địa điểm chế biến tối ưu, về những rủi ro của sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó còn là diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt...
V.V.THÀNH
Bổ sung thiết kế an toàn cho hồ bùn đỏ
Chủ Nhật, 07/11/2010, 09:11 (GMT+7)

TT - Báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội sáng 6-11, chủ đầu tư và nhà thầu công trình xây dựng tổ hợp bôxit - nhôm Tân Rai, Lâm Đồng cho biết đã thống nhất bổ sung thiết kế an toàn cho hồ chứa bùn đỏ sau khi xảy ra sự cố tại Hungary. Đồng thời, lần đầu tiên chủ đầu tư cung cấp nhiều thông tin về dự án này.
Đoàn kiểm tra của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội kiểm tra đập chắn số 10 tại Nhà máy alumin Tân Rai sáng 6-11 - Ảnh: T.T.D.

Sáng 6-11, đoàn công tác của Quốc hội và Chính phủ do GS.TSKH Đặng Vũ Minh - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội - dẫn đầu đã dành khá nhiều thời gian để thị sát khu vực xây dựng hồ bùn đỏ, một trong những hạng mục quan trọng của dự án.
Tháp tùng đoàn công tác, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận hiện toàn bộ công trường đang bước vào giai đoạn thi công nước rút. Theo Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV, chủ đầu tư), hiện một số hạng mục chính như nhà máy alumin, nhà máy nhiệt điện, trạm khí hóa than đã hoàn thành. 
Tháng 4-2011 sẽ có alumin thương phẩm
Đại diện TKV cho biết đến cuối tháng 10-2010, khoảng 90% tổng khối lượng thiết bị cho dự án đã nhập khẩu và tập kết tại công trường trị giá khoảng 240 triệu USD.
Theo đánh giá của TKV, tiến độ xây dựng của gói thầu EPC nhà máy alumin cơ bản đáp ứng hợp đồng, trong khi tiến độ lắp đặt thiết bị chậm hơn dự kiến. Công trình thi công đảm bảo chất lượng theo thiết kế, vật tư nhập về được kiểm tra, nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng. Đội ngũ tư vấn giám sát có mặt thường xuyên trên công trường và thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, kiểm tra, nghiệm thu trước khi chuyển giai đoạn thi công.
Trong khi đó, tiến độ thực hiện gói thầu EPC Nhà máy tuyển quặng bôxit Tân Rai chậm hơn dự kiến mà nguyên nhân chính là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, mưa nhiều khiến đường vào công trường lầy lội, thời gian đầu nhà thầu chưa huy động đủ nhân lực và thiết bị thi công. Riêng hồ Cai Bảng cung cấp nước cho toàn bộ dự án đã hoàn thành, đóng cống dẫn dòng và tích nước từ cuối tháng 8-2010 với dung tích hồ chứa hiện nay khoảng 14 triệu m3.
Về tiến độ chung của dự án, TKV cho biết dự kiến cuối tháng 11 sẽ chạy thử nhà máy nhiệt điện và đến tháng 3-2011 sẽ chạy thử có tải toàn bộ nhà máy alumin. Song song đó, từ tháng 3-2011 cũng sẽ đưa vào chạy thử có tải dây chuyền tuyển quặng để đến tháng 4-2011 cho ra lò alumin thương phẩm.
Toàn cảnh hồ chứa bùn đỏ Nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng -  Ảnh: T.T.D.

“Nếu vỡ hồ, tôi sẵn sàng đi tù”
Phần lớn thời gian của buổi khảo sát được đoàn kiểm tra dành cho hạng mục vốn còn nhiều ý kiến băn khoăn là hồ chứa bùn đỏ. Chủ đầu tư đã đưa đoàn thị sát khu vực xây dựng hồ chứa giai đoạn 1 (hồ số 1) nằm tiếp giáp với nhà máy alumin.
Sẽ có lãi?
TS Nghiêm Vũ Khải, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội, cho rằng phải tuân thủ nguyên tắc rằng nếu hồ bùn đỏ làm chưa xong thì không được phép vận hành nhà máy chế biến alumin. Ông Khải cũng đề nghị chủ đầu tư phải tính đúng tính đủ mọi chi phí để phân tích xem hiệu quả kinh tế tới đâu, vì đây là một dự án thí điểm nên mọi thứ phải được công khai, rõ ràng.
Ông Dương Văn Hòa cho biết đã tính hết các chi phí, thuế và kết quả cho thấy dự án vẫn có hiệu quả khoảng 12%. Theo ông Hòa, giá alumin trên thị trường thế giới hiện khoảng 340 USD/tấn, trong khi chỉ cần bán được giá 333 USD là đã hòa vốn.

Ông Nguyễn Thanh Liêm - trưởng ban nhôm và titan của TKV - cho biết hồ chứa này rộng 110ha, có dung tích chứa 8,35 triệu m3, chia thành tám khoang rộng 14-16ha, mỗi khoang chứa 0,6-1,6 triệu m3. Hồ chứa bùn đỏ được xây dựng, vận hành theo kiểu “cuốn chiếu”. Thoạt đầu, bùn đỏ được thải vào khoang đầu tiên và khoang kế tiếp sẽ có nhiệm vụ của một bể chứa dự phòng.
Khi chứa đầy bùn ở khoang thứ nhất mới chứa tuần tự vào các khoang tiếp theo và thời gian tích đầy bùn của các hồ từ hồ thứ hai trở đi đủ để tháo khô nước ở hồ trước đó, nên không có khả năng vỡ dây chuyền giữa các khoang. Chưa kể địa hình hồ chứa bùn đỏ được bao bọc xung quanh là những đồi bát úp và không có lưu vực bổ sung nên ngoài nước mưa, khả năng lũ tràn được loại trừ.
Để tránh chảy tràn giữa trong và ngoài hồ, xung quanh hồ chứa sẽ có hệ thống kênh chống tràn rộng 2m và sâu 2m. Mặt khác theo TKV, tuy hồ bùn đỏ nằm ở độ cao hơn 830m so với mặt nước biển nhưng khi mặt hồ chứa đầy bùn vẫn thấp hơn mặt bằng nhà máy hơn 2m và độ sâu lớp bùn trung bình chỉ 10-12m nên khả năng tràn hồ, vỡ đập rất khó xảy ra.
Tuy nhiên theo ông Liêm, sau sự cố hồ bùn đỏ ở Hungary, theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên - môi trường, chủ đầu tư và nhà thầu đã thống nhất bổ sung một đập phía hạ nguồn hồ bùn đỏ để bảo đảm nếu xảy ra sự cố thì bùn cũng không thể thoát ra ngoài. Ông Dương Văn Hòa, phó tổng giám đốc TKV, tuyên bố đầy tự tin: “Tôi xin khẳng định hồ bùn đỏ của ta đảm bảo an toàn. Chúng tôi đã nhận thức được đây là vấn đề nghiêm trọng nên sẽ phải làm nghiêm túc”.
Về chống thấm, báo cáo kết quả thẩm định thiết kế của Bộ Công thương cho biết hồ bùn đỏ được thiết kế gồm nhiều lớp: dưới cùng nền hồ là lớp á sét được lu lèn dày 250mm, bên trên lớp này là một lớp vải địa kỹ thuật, tiếp đó là lớp màng chống thấm HDPE có tuổi thọ 30 năm, rồi thêm một lớp vải địa kỹ thuật nữa trước khi trải lớp đáy hồ bằng cát thô dày 60cm với những ống thu hồi nước. Sau khi tích bùn đến cao trình đã định, mặt hồ sẽ được trải thêm một lớp chống thấm HDPE rồi mới lấp đất mặt và trồng cây bên trên để chống xói mòn.
Ông Trần Văn Trạch, kỹ sư luyện kim được Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang giới thiệu là một chuyên gia hàng đầu về alumin, cho biết từ năm 2001 ông đã cùng các chuyên gia nước ngoài khảo sát dự án Tân Rai. Theo ông Trạch, công nghệ thải ướt áp dụng cho bùn đỏ ở Tân Rai là công nghệ thải ướt tiên tiến và hiện đại hơn nhiều công nghệ sử dụng ở Hungary.
Bùn đỏ chỉ nguy hại ở chỗ lượng xút (NaOH) dư sau khi tuyển quặng, khi thải vào nguồn nước sẽ làm tăng độ pH của nước. Ưu điểm của công nghệ này là có thể thu hồi lượng lớn dung dịch xút tồn dư trong bùn, vừa giảm tác động xấu đến môi trường vừa tiết kiệm chi phí, đồng thời làm tăng độ cô đặc của bùn đỏ. “Bùn đỏ sau khi đông cứng sẽ không tan trở lại nên không lo thấm ra môi trường” - ông Trạch nói. Với tư cách một chuyên gia độc lập, ông Trạch cho rằng không cần phải lo xa chuyện vỡ đập. “Nếu cho phép đảm bảo với Quốc hội, tôi đảm bảo nếu vỡ hồ thì tôi sẵn sàng đi tù” - ông Trạch tuyên bố.
NGUYỄN TRIỀU
Những "cơn khát" bôxit: Thảm họa cạnh Rio de Janeiro
Thứ Hai, 08/11/2010, 07:49 (GMT+7)

TT - Đã gần hai tuần kể từ những ngày ăn mừng năm mới 2007 của người dân Brazil. Nhưng đợt mưa lớn kéo dài từ đầu năm ở bang Minas Gerais, một trong 26 bang của Brazil, bang đông dân thứ hai và giàu có thứ hai của Brazil, đang khiến họ đứng ngồi không yên. Đã có hơn 10 người thiệt mạng vì lở đất do mưa lớn tính tới lúc đó.
Một lượng bùn đỏ rất lớn đã lan tới các con sông của Minas Gerais và Rio de Janeiro - Ảnh: oglobo.globo.com

Hai tỉ lít bùn...
Thảm họa thật sự đến vào ngày 10-1-2007. Mưa quá lớn, chiếc đập ngăn bùn đỏ ở hồ chứa tại mỏ khai thác bôxit Mineracao Rio Pomba đã không thể chịu nổi. Dù nó được thiết kế và thi công với sự tính toán kỹ càng về thông số hoặc dự báo về thảm họa thiên nhiên, chiếc đập cao 30m vẫn bục. Ước tính 2 tỉ lít bùn đỏ đã trào khỏi hồ chứa. Dù đơn vị đang khai thác bôxit là Công ty khai thác mỏ Industrias Quimicas Cataguases khẳng định không có chất độc trong bùn, nhưng lượng bùn trào ra quá lớn khiến nhà chức trách và lực lượng xử lý khẩn cấp không kịp trở tay.
Tai nạn trở thành không thể kiểm soát được do mưa quá lớn. Báo mạng O Globo dẫn lời các nhân viên thuộc lực lượng cứu hỏa cho biết chất thải từ mỏ đã chảy vào sông Muriae, tràn qua bờ, làm ngập lụt nhiều phần của thành phố Mirai và Muriae thuộc bang Minas Gerais.
Có tới 8.000 người trở nên vô gia cư, của nả trong nhà mất sạch, lượng người thiệt mạng lên tới 37. Bang Minas Gerais ngay lập tức tuyên bố đóng cửa và dừng hoạt động mỏ Mineracao Rio Pomba. Ban đầu người phát ngôn bang cho biết chính phủ đã quyết định chờ đến khi thiết bị hồ chứa phục hồi mới bắt đầu cho hoạt động lại. Mỗi năm nơi đây sản xuất 1,15 triệu tấn bôxit.
Brazil là một trong những quốc gia hàng đầu Mỹ Latin về khai thác mỏ sắt, mangan, nhôm, vàng và sắt. Brazil sản xuất được 70 khoáng chất, trong đó có các trữ lượng lớn về bôxit. Nền kinh tế Brazil lớn thứ 8 thế giới và lớn nhất châu Mỹ Latin, chiếm tới 1/3 kinh tế khu vực. Các ngành dựa trên khai khoáng chiếm 8,5 tổng sản phẩm quốc nội GDP. Trữ lượng bôxit chất lượng cao đã được tìm thấy ở khu vực Amazon.
Nhưng thiệt hại không dừng lại đó. Chính phủ phải khẩn cấp điều động những xe tải lớn chở nước uống tới thành phố Mirai và Mueriae. Người dân đã bất an khi toàn bộ nguồn nước bị cắt và họ chỉ còn nước uống được gửi tới bằng thùng nhờ những chiếc xe bồn lớn. Nơi đây người dân không có nước sạch để dùng vì toàn bộ nguồn nước bị nhiễm bẩn và không có cách nào xử lý dùng làm nước sinh hoạt.
Người phát ngôn của mỏ Rio Pomba, Domingos Ciribelli, cho biết mỏ vừa gây họa nằm ở phía đông của tỉnh Minas Gerais, có kích thước trung bình và là một trong những nơi khai thác bôxit của Brazil.
Hai tỉ lít bùn đã đổ vào các con sông là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho một số thành phố gần Rio de Janeiro tiếp giáp với Minas Gerais. Một kế hoạch khẩn cấp đã được công ty cấp thoát nước của Rio (Cedae) thực hiện để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo nguồn cấp nước cho các thành phố San Jose de Uba, Italva, Cardoso Moreira, Itaperuna vẫn được duy trì.
Đường phố, nhà cửa ở thành phố Mirai và Muriae bị chìm dưới bùn đỏ vài mét. Cây cối và động vật bị hư hại nghiêm trọng. Hơn 12.000 người phải di tản khỏi Minas. Cedae đã phải căng mình để đánh giá trước việc nguồn nước bị ô nhiễm chảy vào các thành phố như Laje do Muriaé, São José de Ubá và Itaperuna. 27 ủy ban thành phố khác bỗng nhiên gặp ách từ trên trời rơi xuống, tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Và 200 lần nhiễm bẩn
Thị trưởng Laje do Muriaé tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chính quyền Rio gấp rút gửi các xe thùng chở nước sạch tới cho người dân. Theo phân tích của Cedae, nước sông đã bẩn hơn 200 lần so với bình thường. Ô nhiễm kinh khủng tới mức không thể xử lý phục vụ nhu cầu của con người. Lượng cá chết quá nhiều khiến người ta lo ngại nước bị nhiễm độc nhiều hơn dù nhà máy khẳng định không có độc hại.
Xe tải và xe ủi từ Quỹ Nông thôn Minas Gerais giúp dọn dẹp. Người dân mất nhiều công sức để làm sạch nơi họ sinh sống, nhưng cũng không hi vọng mọi thứ trở lại như trước. Cơ quan vệ sinh môi trường huy động lực lượng làm sạch nhà cửa, các con phố và xây dựng lại cầu cống do con đập ngăn bùn đỏ vỡ.
Bộ trưởng môi trường Minas Gerais, José Carlos Carvalho, sau đó tuyên bố Rio Pomba không được phép xây lại con đập và sẽ bị phạt 35 triệu USD (75 triệu reais). Wagner Victer, chủ tịch Cedae, hoan nghênh quyết định đóng cửa mỏ và yêu cầu phạt thêm chủ sở hữu. Ông Wagner Victer đề nghị chính quyền trước khi đóng cửa công ty khai thác mỏ gây tai nạn lớn cho môi trường thì phải cho những người chủ công ty coi thường pháp luật vào tù. Sau đó, chính phủ đã quyết định cấm vô thời hạn hoạt động của mỏ.
Đó không phải là lần đầu tiên con đập bị vỡ. Trước đó, vào tháng 6-2006, vụ rò rỉ đã diễn ra trong ba ngày. Khi đó, 400 triệu gallon chất thải bùn đỏ đã tới con sông ở khu vực và đến tận thủ đô Rio de Janeiro. Người dân vùng Muriaé đã phải bị ngưng cấp nước sinh hoạt vì lo ngại ô nhiễm.
Trước đó, con đập do Công ty Odessa Odessa Paper và Forestry sở hữu cũng bị bục khiến 1,2 triệu lít nước thải độc hại chảy ra sông Dove và Paraiba do Sul, lan tới tận miền bắc và tây bắc Rio de Janeiro. Đây là hai con sông quan trọng nhất ở phía bắc bang Rio de Janeiro. Đó là chưa tính tới các con sông ô nhiễm chảy về Đại Tây Dương, có thể ảnh hưởng tới khu vực bắc và tây bắc của bang.
HẠNH NGUYÊN tổng hợp
Kinh hoàng “lũ bùn đỏ” ở Cao Bằng
Ngày 06.11.2010, 20:16 (GMT+7)
http://sgtt.vn/Thoi-su/132379/Kinh-hoang-“lu-bun-do”-o-Cao-Bang.html
SGTT.VN - Nhà cửa, vườn tược, sông suối…của hàng trăm hộ dân tại thị xã Cao Bằng bỗng chốc ngập chìm trong bùn đỏ và nước. “Cơn lũ bùn đỏ” bất ngờ ập đến, dân không kịp trở tay...
Mặc dù trời chẳng đổ hạt mưa nào nhưng cơn nước lũ bất ngờ mang theo bùn đất đùng đùng kéo đến làm gia đình chị Mã Thị Bạch, cùng hàng trăm người dân khác ở xóm Nà Kéo, xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng chẳng kịp trở tay. Nhà cửa, vườn tược bỗng chốc ngập chìm trong bùn đỏ và nước. Người dân hoang mang lo sợ hậu quả từ “cơn lũ bùn đỏ” này gây ra.
Bùn đỏ bất ngờ ập đến, dân không kịp trở tay
Một chiếc máy xúc đang cố gắng dùng gàu gạt dòng bùn đỏ quặch, đặc sánh để thông đường cho dân đi lại. Ảnh: Lãng Quân
Bất lực nhìn đống đất bùn đỏ nhầy nhụa, chị Bạch nhăn nhó kể: “Cơn lũ bùn đến nhanh quá! Tôi đang đi họp tổ dân phố thì nghe có tiếng người hét gọi Bạch ơi về ngay, nhà mày ngập hết rồi! Tất tưởi chạy về thì thấy bùn từ đâu tràn về ngập vào đầy nhà. Hoảng hồn, tôi chỉ kịp bê cái ti vi và mấy bộ quần áo, chăn màn chạy lên đường. Một lúc sau, bùn đỏ đã ngập quá đùi, không thể sơ tán được gì nữa, đồ đạc vẫn nguyên trong nhà, mấy chục con gà mắc kẹt trong lồng cũng không kịp sơ tán, chết cả”.
Cơn “lũ bùn đỏ” xảy ra vào đêm 5.11, kéo theo hàng ngàn khối bùn đất từ thượng nguồn đổ xuống, tràn lấp cả dòng suối rồi ùa lên đồng ruộng, hoa màu, vườn tược, nhà cửa của người dân. Nó nhuộm đỏ những gì trên đường đi qua. Nhưng may mắn là không có ai thiệt mạng.
Hết bàng hoàng, tìm hiểu ra người dân mới biết, cơn lũ không phải do ông trời gây ra mà do chính con người mang đến. Cụ thể là do đập chắn nước thải từ việc tuyển rửa quặng của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng (thuộc Công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng) đã bị vỡ.
Người dân gặp rất nhiều khó khăn khi bùn đỏ tràn ngập xóm làng. Ảnh: Lãng Quân
Có mặt tại hiện trường ngày 6.1, chúng tôi chứng kiến con đường vào xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng này thường vốn đã khó đi, nay tràn ngập toàn bùn đỏ. Hàng chục người và xe máy không thể qua được dòng suối nhỏ đã bị bùn đỏ đặc quánh ngập quá đầu gối. Trong khi đó, một chiếc máy xúc đang cố gắng dùng gàu gạt dòng bùn đỏ quặch, đặc sánh để thông đường cho dân đi lại. Dọc hai bên bờ suối dài khoảng 2 km, bùn đỏ ngập ngụa đồng ruộng.
Vượt qua đám bùn đỏ ngập ngụa, chúng tôi đến được xóm 4 Nà Gà, xã Duyệt Trung. Ông Nguyễn Văn Túc, một người dân ở đây, đang cố gắng dùng xẻng xúc đống bùn đỏ dày đặc đang bám đầy sân và giếng nước. Thở dài thườn thượt, ông Túc nói: “Để dọn hết những đống đất này chắc phải mấy ngày. Nhà thì dọn còn dễ, chứ đồng ruộng thì không biết bao giờ mới xong, mùa vụ đến nơi rồi! Cái ác ở chỗ là không phải do thiên tai lũ lụt, mà do con người làm hại mới ác”.
Không riêng gì gia đình ông Túc, chị Bạch mà khu vực này còn rất nhiều hộ dân bị thiệt hại bởi lũ bùn như hộ Nông Văn Ngân, Nông Văn Tuyến, Lương Văn Tòng, Hoàng Văn Hoà, Hoàng Văn Quang...
Theo những người dân sinh sống lâu năm ở đây, dòng suối này trước kia vốn trong xanh, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho cả vùng. Thế nhưng từ ngày xí nghiệp khai thác quặng đi vào hoạt động, con suối bỗng trở nên đỏ quặch, không những không thể dùng sinh hoạt mà đến cả cá tôm cũng chết sạch.
Điều đáng nói hơn, con suối này còn chảy ra Sông Bằng - nơi cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho nhiều cư dân ven sông.
Có thể chưa hoá chất độc hại
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỏ quặng Nà Lũng được đưa vào khai thác những năm 1990. Quặng sắt sau khi được đào bới sẽ được phun nước rửa sạch. Sau đó, nước thải chảy xuống, lắng bùn tại những cái đập lớn. Hiên nay có 4 đập chắn nước thải, đập chắn số 4 là đập cuối cùng trước khi nước xả ra suối. Tuy vậy, nó được đắp bằng đất, trông có vẻ sơ sài và thiếu chắc chắn.
Ngôi nhà của chị Bạch ngập sâu dưới bùn đỏ. Ảnh: Lãng Quân
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cao Bằng cho biết đây không phải lần đầu tiên người dân khu vực hạ nguồn của mỏ Nà Lũng bị ngập bùn.
“Trước đó, mỏ đã nhiều lần xả bùn làm ngập đồng ruộng và gây thiệt hại cho dân. Chính quyền địa phương đã yêu cầu phía Công ty khắc phục hậu quả. Công ty đã hứa sẽ có biện pháp chấm dứt tình trạng trên, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn tái diễn”, ông Quang nói.
Hiện nay, Công ty đang huy động máy xúc khơi thông bùn trên đoạn đường vào mỏ, sẽ dùng máy bơm nước rửa nhà cho những hộ bị bùn ngập vào nhà.
Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ vét hết bùn là xong, vì đây không phải loại bùn thông thường mà là bùn công nghiệp được “sinh” ra từ việc tuyển rửa quặng, có thể chứa các chất hoá học, kim loại nặng gây độc hại cho sức khoẻ con người, cây trồng và vật nuôi.
Do vậy người dân lo lắng, nếu không có biện pháp vệ sinh, giải độc một cách cẩn thận có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Chính quyền và người dân đang nỗ lực nạo vét bùn đất ra khỏi khu vực dân sinh. Song với khối lượng bùn đỏ tràn ngập như hiện nay thì không ai có thể nạo vét hết trong ngày một ngày hai. Hơn nữa, những dòng bùn thải công nghiệp này có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ người dân cũng cần được các cơ quan chức năng làm rõ.
Người dân cũng đặt vấn đề: liệu rằng những cơn lũ bùn kinh hoàng như thế này có còn bất ngờ ập đến nữa không? Ai có thể chắc rằng những con đập được xây lắp một khá sơ sài kia không còn vỡ?... Câu hỏi này chỉ có các cơ quan chức năng mới có thể trả lời.
Ông Lê Ngọc Quang, phó chủ tịch UBND thị xã Cao Bằng cho biết chính quyền thị xã đã yêu cầu xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng phải có trách nhiệm phối hợp với người dân để sớm khắc phục hậu quả do cơn lũ bùn này gây ra.
“Trước mắt là giải phóng một số lượng lớn bùn đất tràn vào các hộ dân, sau đó phải khẩn trương bơm nước tẩy rửa lượng bùn tràn vào đồng ruộng. Về lâu dài, xí nghiệp này cũng phải có biện pháp khử độc do bùn thải công nghiệp gây ra, đồng thời có chính sách bồi thường cho các gia đình bị thiệt hại”.
Các cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra nhằm tìm ra nguyên nhân của vụ vỡ đập trên.
Nhiều đất đai hoa màu của dân bị bùn đỏ phủ dày hàng mét. Ảnh: Lãng Quân
Ông Nguyễn văn Túc đang cố gắng nạo vét bùn ra khỏi giếng nước. Ảnh: Lãng Quân
Một trong những đập chắn thải của xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng. Ảnh: Lãng Quân
Lãng quân
Xung quanh sự cố vỡ đập chắn ở Nà Lũng, Cao Bằng:
Ngày 07.11.2010, 21:15 (GMT+7)

"Lũ bùn đỏ" tiếp tục lan rộng
SGTT.VN - Đến cuối ngày 7.11, đường dân sinh vào mỏ Nà Lũng (Cao Bằng) vẫn bị ách tắc, bùn đất vẫn tiếp tục đùn lên đường, khiến cho người và xe máy vẫn không thể qua lại.
Lũ bùn tràn ngập đường giao thông. Ảnh: Lãng Quân
Theo nguồn tin riêng của báo Sài Gòn Tiếp Thị tại Cao Bằng, ngày 7.11, khi đi kiểm tra con đập chắn thải bị vỡ - nguyên nhân gây ra tình trạng tràn bùn, nước thải từ đập chắn nước thải, bùn thải ở công trình khai thác quặng sắt của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu sở Tài nguyên và môi trường cùng các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm đối với xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng. Theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, hai gia đình bị thiệt hại nặng nhất của sự cố này được hỗ trợ trước tiên để ổn định cuộc sống và có tiền đi thuê nhà ở.
Cũng theo chỉ đạo của chủ tịch tỉnh Cao Bằng, xí nghiệp Khai thác quặng sắt Nà Lũng phải làm ngay cầu tạm để phục vụ đi cho bà con, tuyệt đối không để tình trạng tắc đường như hiện nay. Xí nghiệp này được lệnh dừng ngay việc bơm nước để đẩy bùn ra sông Bằng như hiện nay để tránh tình trạng mấy chục ngàn mét khối bùn lại được xả ra, gây ô nhiễm nặng cho dòng sông Bằng.
...Và tràn vào nhà dân. Ảnh: Lãng Quân
Đến cuối ngày 7.11, đường dân sinh vào mỏ Nà Lũng vẫn bị ách tắc, bùn đất vẫn tiếp tục đùn lên đường, khiến cho người và xe máy vẫn không thể qua lại. Cơ quan chức năng phải sử dụng máy bơm bơm nước từ sông vào rồi dùng máy xúc múc bùn để đổ vào một con suối nhỏ đưa ra sông Bằng có hàng vạn người dân sử dụng nước. Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở đây thì việc này có thể lại gây ô nhiễm ở các dòng suối.
Được biết, sáng ngày 7.11, sở Tài nguyên và môi trường Cao Bằng đã làm việc với lãnh đạo xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng để xác định nguyên nhân của vụ vỡ đập. Xí nghiệp này đã phải thừa nhận sự cố vỡ đập là do bờ đập được xây dựng từ năm 2005 nhưng không được gia cố lu lèn một cách cẩn thận nên móng đập đã bị thủng. Nhưng một số nguồn tin khác lại cho rằng, do có việc xả thải ngầm từ cống lớn dưới đáy đập nên dẫn đến tình trạng trên.
Đáng chú ý, theo thông tin từ sở Tài nguyên và môi trường Cao Bằng, xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng từng bị phạt 70 triệu đồng năm 2008 do xả thải trộm.
Lãng Quân
Vỡ đập chắn tại xí nghiệp Khai thác quặng của TKV ở Cao Bằng
Ngày 08.11.2010, 07:48 (GMT+7)

Lũ bùn của TKV ập xuống Cao Bằng
SGTT.VN - Cơn lũ bùn là do đập chắn nước thải từ việc tuyển rửa quặng của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng thuộc công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng – tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã bị vỡ. Vụ việc xảy ra vào đêm 5.11, kéo theo hàng ngàn khối bùn đất từ thượng nguồn đổ xuống, tràn lấp cả dòng suối rồi ùa lên đồng ruộng, hoa màu, vườn tược, nhà cửa của người dân. Dọc hai bên bờ suối dài khoảng 2km, bùn đỏ ngập ngụa đồng ruộng.
 
Khu dân cư ở Cao Bằng thiệt hại nặng vì bùn đỏ.
Tính đến thời điểm 17 giờ 30 phút ngày 7.11, mặc dù cơn lũ bùn đã bị ngăn chặn, tuy nhiên, hậu quả của nó để lại vẫn còn hết sức lớn. Hàng ngàn mét khối bùn vẫn đang tràn ngập nhà cửa và đồng ruộng, vấn đề đặt ra là đem chúng đi đâu và thu gom bằng cách nào là một bài toán khó với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.
Xử lý kiểu “đánh bùn ra sông”
Ngày 7.11, khi phóng viên có mặt tại hiện trường, con đường dân sinh vào mỏ Nà Lũng vẫn bị ách tắc, bùn đất vẫn tiếp tục đùn lên đường, khiến cho người và xe máy vẫn không thể qua lại. Biện pháp duy nhất mà xí nghiệp sử dụng để khắc phục tình trạng tắc đường là dùng máy bơm, bơm nước từ sông vào rồi dùng máy xúc múc bùn đổ ra một con suối nhỏ để đưa ra sông Bằng có hàng vạn người dân sử dụng nước. Nhưng với cách làm này, chẳng khác gì “đánh bùn độc ra sông”, nếu giải quyết ô nhiễm được chỗ này thì chỗ khác lại ô nhiễm.
Chị Mã Thị Bạch (Nà Kéo, Duyệt Trung) hộ chịu thiệt hại nặng nhất do cơn lũ gây ra, than phiền: “Nhà tôi ở chỗ sâu nhất bị bùn ngập 1,5m, đã hai ngày nước rút nhưng bùn không rút là mấy. Hiện nay, vì mực bùn ở suối ngang bằng với mực bùn trong nhà nên không biết vét bùn đi đâu. Cứ múc đi được một tí thì bùn ngoài suối lại đùn vào. Cả nhà có vài bộ quần áo thì bị vùi lấp mất, giờ chồng tôi mới đi mua mấy bộ để mặc tạm. Hơn nữa, cũng không dám sắm nhiều vì có nhà đâu để ở và đựng đồ, cả nhà tôi phải ở nhờ trên cái lều nhỏ bên cạnh phòng bảo vệ của công ty bia Cao Bằng”.
Theo ông Lê Hồng Hải, chánh thanh tra, sở Tài nguyên và môi trường, sáng 7.11, sở đã có cuộc làm việc với xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng để xác định nguyên nhân của vụ vỡ đập và tìm giải pháp khắc phục. Tại cuộc làm việc này, phía xí nghiệp đã thừa nhận sự cố vỡ đập là do bờ đập được xây dựng từ năm 2005 nhưng không được gia cố lu lèn một cách cẩn thận nên móng đập đã bị thủng.
Đem bùn thải đi đâu và thu gom bằng cách nào là một bài toán khó với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Lãng Quân
Tuy nhiên, khi chúng tôi vào hiện trường nơi con đập bị vỡ, một số công nhân (xin được giấu tên) lại cho biết: đập bị vỡ là do dưới đáy đập có một cống lớn dùng để xả thải mỗi khi có mưa lũ hàng năm. Lượng bùn đất trong đập sẽ theo mưa lũ rồi cuốn ra sông Bằng và con sông này sẽ cuốn đi mọi chứng cứ.
Thông tin từ những công nhân trên trùng khớp với thông tin ông Lê Hồng Hải, cung cấp: năm 2008, xí nghiệp này đã bị xử phạt 70 triệu đồng vì có hành vi xả thải trộm. Theo ông Hải, lãnh đạo xí nghiệp nghe dự báo thời tiết là sẽ có mưa lũ về nên đã ra lệnh cho xả thải trước. Tuy nhiên, năm đó mưa lũ lại không về nên hành động xả thải trộm này đã bị lộ và bị bắt quả tang.
Còn khi làm việc với ông Đoàn Ngọc Báu, phó chi cục trưởng chi cục Bảo vệ môi trường lại khẳng định: Năm 2005, xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng đã tự ý xây dựng đập chắn thải số 4 (bể bị vỡ), đồng thời đập này cũng nằm ngoài phạm vi đất được cấp. Quan trọng hơn, mặc dù là đập cấp quốc gia nhưng xí nghiệp không hề có bản vẽ thiết kế cũng như báo cáo tác động môi trường. Việc làm này đã bị thanh tra sở Tài nguyên và môi trường lập biên bản xử phạt và yêu cầu hoàn chỉnh mọi thủ tục. Tuy nhiên, đã năm năm trôi qua, đến nay công ty này vẫn chưa có được các thủ tục trên.
Dòng sông ô nhiễm
Ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo sở Tài nguyên và môi trường cùng các cơ quan chức năng, cần làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm đối với xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng. Tuy nhiên, trước mắt xí nghiệp này cùng chính quyền thị xã Cao Bằng cần trích ngay kinh phí cho hai gia đình bị thiệt hại nặng nhất để ổn định cuộc sống và có tiền đi thuê nhà ở.
Ông Hoàng Anh cũng yêu cầu xí nghiệp này phải làm ngay cầu tạm để phục vụ đi lại cho bà con, tuyệt đối không để tình trạng tắc đường như hiện tại. Đồng thời phải dừng ngay việc bơm nước để đẩy bùn ra sông Bằng như hiện nay. Vì nếu hàng chục ngàn mét khối bùn đưa ra sẽ gây ô nhiễm nặng cho dòng sông Bằng.
Hiện nay, xí nghiệp này lại đang tiến hành xây dựng tiếp đập chắn thải số 5, với cách xây dựng và công tác giám sát lỏng lẻo như hiện nay của các cơ quan chức năng, thì ai chắc được sự cố vỡ đập có còn xảy ra nữa hay không? Câu trả lời thuộc về ngành chức năng của tỉnh Cao Bằng và chính bản thân xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng cũng như tập đoàn TKV.
bài và ảnh: Lãng Quân
Lưu ý bùn thải quặng đuôi tại Tây Nguyên
Ngày 08.11.2010, 07:49 (GMT+7)

SGTT.VN - Cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học để kiểm tra xem sắt khai thác ở Cao Bằng là sắt gì, thành phần ra sao mới có thể cảnh báo về an toàn, sức khoẻ cũng như môi trường sống cho người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hoè (giảng viên khoa môi trường, đại học Khoa học tư nhiên, đại học quốc gia Hà Nội, kiêm trưởng ban phản biện xã hội – hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) nói: “Tôi có đọc nhưng tôi cho rằng một số báo đang “đánh đồng” giữa bùn đỏ và bùn thải đuôi quặng màu đỏ là một, sự “lập lờ” này có thể gây hoang mang cho người đọc. Có hai loại bùn màu đỏ liên quan đến khai thác bôxít laterit và sản xuất alumin cần phải phân biệt rõ. Loại thứ nhất xuất hiện khi tuyển rửa quặng bôxít nguyên khai thành quặng tinh. Sản phẩm thải ra chủ yếu là đất trộn lẫn các hạt quặng bôxít có đường kính nhỏ hơn 1mm. Loại bùn đất này tuy cũng có màu đỏ nhưng thuật ngữ chuyên môn gọi là bùn thải đuôi quặng, không phải là chất thải công nghiệp hay chất thải độc hại vì quá trình tuyển rửa không dùng hoá chất.
Loại thứ hai sinh ra trong quá trình sản xuất alumin từ bôxít theo công nghệ Bayer và có tên là bùn đỏ (Red Mud). Quy trình Bayer có sử dụng xút (NaOH) nên bùn đỏ là loại chất thải công nghiệp độc hại, gây nhiều tác động xấu đến sức khoẻ con người và phải được xử lý theo quy định chất thải độc hại”.
Hiện có nhiều lo lắng khi cho rằng bùn tại Cao Bằng có thể chứa các chất gây độc hại cho sức khoẻ con người, ý kiến của ông là như thế nào?
Hiện nay chúng ta chưa rõ được thành phần của mỏ, chưa rõ quá trình công nghệ tuyển như thế nào, có dùng hoá chất hay không nên chưa thể nói điều gì. Do đó, để có câu trả lời chính xác phải kiểm tra thành phần của mỏ. Đây không phải lần đầu tiên Cao Bằng để xảy ra sự cố này, do đó đã đến lúc phải có xác minh khoa học rõ ràng.
Từ sự cố này ông nghĩ gì về những lo lắng về sự an toàn các đập bôxít Tây Nguyên?
Tây Nguyên là vùng có địa hình cao, luôn có nguy cơ xói lở. Theo các báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án bôxít Nhân Cơ, nước thải và bùn đỏ có khối lượng tới hơn 11 triệu m3/năm. Tính toán ban đầu cho thấy dự án Nhân Cơ sau 15 năm khai thác dung tích hồ chứa bùn đỏ lên đến gần 9 triệu m3 và nếu khai thác ở Tân Rai thì cả đời dự án thải ra 80 – 90 triệu m3 bùn đỏ, như vậy chúng ta cần những hồ chứa có dung tích rất lớn.
T. Tuyền
Tiến sĩ Nguyễn Văn Ban – nguyên trưởng ban dự án nhôm (tổng công ty Khoáng sản Việt Nam): “Phải quan tâm thêm bùn thải quặng đuôi tại Tây Nguyên. Từ trước tới nay, chúng ta bàn nhiều tới bùn đỏ ở Tây Nguyên nhưng chưa nói nhiều tới bùn thải quặng đuôi. Trong khi để có được 1 triệu tấn quặng tinh sẽ phải thải ra 2,5 triệu tấn bùn quặng đuôi chưa kể nước. Với công nghệ thải ướt hiện nay, cộng khối lượng bùn thải lớn như vậy thì nguy cơ vỡ đập là rất đáng lo lắng. Tất nhiên, độc hại của bùn thải quặng đuôi không như bùn đỏ nhưng nguy cơ xảy ra “lũ bùn” như Cao Bằng thì thực sự đáng lưu tâm”.
Nếu không khắc phục, phải đóng cửa mỏ
Ngày 08.11.2010, 18:49 (GMT+7)

SGTT.VN - “Xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng có lỗi chính khi để xảy ra sự cố vỡ đập chứa bùn. Nhưng UBND tỉnh Cao Bằng và các ngành chức năng cũng cần xem xét lại việc quản lý…”, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Hoàng Anh, nhấn mạnh trong cuộc họp bất thường ngày hôm nay 8.11.
 
Người dân vất vả thu dọn bùn thải tràn vào nhà cửa, vườn tược, làm đảo lộn cuộc sống của họ. Ảnh: Lãng Quân
Sáng 8.11, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức cuộc họp bất thường để tìm giải pháp giải quyết triệt để hậu quả do cơn lũ bùn đỏ gây ra ngày 5.11. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định, cơn lũ bùn xảy ra là do đập chứa bùn của xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng ( thuộc công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng, tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam TKV), bị vỡ gây ra.
“Vì vậy, phía công ty ngoài việc phải chịu mức phạt theo pháp luật quy định, còn phải có trách nhiệm với những người dân chịu thiệt hại” ông Hoàng Anh nhấn mạnh.
Nếu không khắc phục, phải đóng cửa mỏ
Quan trọng hơn, theo ông Anh, xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng phải có giải pháp đưa toàn bộ số bùn thải công nghiệp ra khỏi nhà dân cũng như đồng ruộng và dòng suối. Đồng thời xí nghiệp phải dừng ngay việc dùng nước để rửa bùn ra sông Bằng, tránh tình trạng ô nhiễm dòng sông.
“Trong thời gian sớm nhất, xí nghiệp phải đưa ra được phương án cụ thể và có hạn định về thời gian xử lý bùn. Đối với 6 ha đất nông nghiệp bị bùn công nghiệp xâm hại, nếu không khắc phục được ngay, xí nghiệp phải đền bù về sản lượng hàng năm cho bà con”, ông Anh nói.
Ông Hoàng Anh cho rằng: “Xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng có lỗi chính khi để xảy ra sự cố vỡ đập chứa bùn. Nhưng UBND tỉnh Cao Bằng và các ngành chức năng như sở Tài nguyên và Môi trường, sở Công thương và Công an Môi trường cũng cần xem xét lại việc quản lý cấp mỏ và việc kiểm tra giám sát trong quá trình các doanh nghiệp khai thác mỏ”.
Thực tế cho thấy từ năm 2005 đến nay, xí nghiệp này đã 4 lần bị xử phạt vì tội xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn chưa có biện pháp nào đủ mạnh để chấm dứt tình trạng này là điều mà các cơ quan chức năng phải suy nghĩ.
“Nếu xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng còn vi phạm và không triệt để khắc phục hiệu quả thì chính quyền tỉnh sẽ kiên quyết đóng cửa mỏ”, ông Nguyễn Hoàng Anh cương quyết.
Bốn lần xả trộm chất thải
 
Người dân phải đi nhờ máy xúc qua những nơi phủ đầy bùn thải. Ảnh: Lãng Quân
Tại cuộc họp này, một số ý kiến cho rằng, với những nhà dân và đồng ruộng không thể khắc phục được thì “nên tính đến phương án đền bù diện tích đất khác để bà con có nơi sinh hoạt và sản xuất”.
Nhưng có ý kiến cho rằng phương án này không khả thi, bởi dù đền bù đất đai và nhà cửa cho dân thì xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng cũng phải đưa toàn bộ số bùn công nghiệp ra khỏi khu vực ô nhiễm và phải có phương án chôn lấp cẩn thận.
“Nếu không giải quyết được việc này thì chỉ sau một trận mưa to, hàng vạn khối bùn này có thể tiếp tục gây ô nhiễm môi trường chỗ khác, nhất là ô nhiễm sông Bằng”.
Cũng tại cuộc họp, đại diện phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh Cao Bằng còn cho biết, từ năm 2005 đến nay xí nghiệp này đã có 4 lần bị xử phạt vì tội xả thải trộm. Đáng lưu ý là tất cả các lần vi phạm bị bắt quả tang này chỉ xảy ra vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm, thời điểm ít xảy ra lũ lụt.
Chính điều này khiến người dân và công nhân của xí nghiệp nghi ngờ đơn vị này xả trộm bùn thải vào mỗi kỳ mưa lũ. Phải chăng xí nghiệp đã lợi dụng mưa lũ để phi tang chứng cứ?
Cũng theo thông tin từ lực lượng Cảnh sát môi trường tỉnh Cao Bằng, đập chắn thải số 4 (tức đập vừa bị vỡ) đã quá tải từ năm 2008. Để khắc phục tình trạng quá tải này, xí nghiệp đang xin phép tỉnh cho xây thêm đập số 5 trị giá hơn 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, đập số 5 vẫn chưa được cấp phép vì báo cáo tác động môi trường của xí nghiệp trình lên sở Tài nguyên và Môi trường chưa đảm bảo tiêu chuẩn nên đã bị trả lại.
Mặt khác, xí nghiệp nâng cấp đập số 4 bằng cách hàng năm tôn thêm thân đập bằng đất thải từ mỏ chuyển ra. Song, khi đổ thải không được lu lèn cẩn thận nên sự cố vỡ đập mới xảy ra.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định: “Nếu xí nghiệp khai thác khoáng sản Nà Lũng muốn xây thêm đập số 5 để nâng công suất khai thác lên 350 ngàn tấn/năm thì phải tiến hành công tác khoan thăm dò để đánh giá trữ lượng của mỏ xem có nên đầu tư tiếp hay không”.
Đồng thời, ông Anh cũng nhấn mạnh, chỉ khi nào xí nghiệp khai thác khoáng sản Nà Lũng nghiêm chỉnh chấp hành luật bảo vệ môi trường thì tỉnh Cao Bằng mới đồng ý cho tiếp tục khai thác. Tỉnh kiên quyết không để xảy ra tình trạng hưởng lợi từ khai thác mỏ nhưng làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân sinh.
Lãng Quân
Ông Triệu Sĩ Lầu, phó trường đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng:
Để xảy ra lũ bùn có phần do chính quyền
 
Người dân và công nhân của xí nghiệp Nà Lũng nghi ngờ đơn vị này hay xả trộm bùn thải vào mỗi kỳ mưa lũ. Ảnh: Lãng Quân
Trước cơn "lũ bùn đỏ" tràn về khu dân cư thị xã Cao Bằng, phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Triệu Sĩ Lầu cho rằng, để xảy ra tình trạng này một phần do doanh nghiệp chấp hành pháp luật chưa nghiêm, phần khác do chính quyền giám sát còn lỏng lẻo.
Theo ông Lầu, khi đoàn ĐBQH đi tiếp xúc cử tri, người dân đều tỏ ra lo lắng và đã phản ánh tình trạng ô nhiễm quanh khu vực khai thác mỏ Nà Lũng. Đập chắn chất thải của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng đã từng rò rỉ nhiều lần.
ĐBQH Triệu Sĩ Lầu cho hay, mới cách đây hai tuần, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu xí nghiệp này phải gia cố đập chắn cẩn thận, tránh hiện tượng vỡ đập. Tuy nhiên, yêu cầu này chưa được thực hiện thì xảy ra sự cố.
Mỏ Nà Lũng chỉ là một trong các mỏ quy mô chưa lớn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Hiện Cao Bằng còn rất nhiều mỏ khai thác khoáng sản quy mô lớn đang hoạt động. Do đó, theo ĐBQH Triệu Sĩ Lầu, phải xem việc dây dưa trong xử lý sai phạm ở xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng là một bài học trong quản lý các doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn.
"Doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên trên hết, không quan tâm và không có trách nhiệm xử lý môi trường", ông Lầu nói.
Bà Hoàng Thị Bình, ủy viên ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội, đồng thời là ĐBQH tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị, trước sự cố này, xí nghiệp cần có biện pháp hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho dân. Sau đó, phải kiểm tra, xác định nguyên nhân và có giải pháp căn cơ để hạn chế sự cố tương tự.

"Không thể tiếp tục tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi mà không tính toán đến chuyện bảo vệ môi trường. Chuyện này chắc chắn sắp tới sẽ phải tiếp tục được đưa ra kỳ họp Hội đồng nhân dân", ĐB Bình nói.
Điều mà các ĐBQH Cao Bằng đặt ra, đó là khi để xảy ra sự cố vỡ đập thì chính UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh cũng cần xem xét lại việc quản lý cấp mỏ và kiểm tra giám sát trong quá trình các doanh nghiệp khai thác mỏ.
Hùng Anh