Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

Cuộc Gặp Gỡ Bất Ngờ với NT Nguyễn Văn Dục K17 tại Trại Tù Bù Loi (part 1 and part 2)

 

Cuộc Gặp Gỡ Bất Ngờ với NT Nguyễn Văn Dục K17 tại Trại Tù Bù Loi

Ngày 17 tháng 5, 1975, sau ngày miền Nam lọt vào tay giặc, sau khi khi trình diện Ban Quân Quản cộng sản tôi đi theo mẹ tôi đi làm rẫy tại La Ngà (cây số 102,) hai hôm sau (19/5/1975) tôi bị du kích VC bắt giải đi Bộ chỉ huy quân Bắc Việt tại một ngôi chùa bȇn cạnh hòn đá lớn tại Ðịnh Quán (cây số 113) để điều tra. Buổi chiều tối hôm đó, tay tôi vẫn đang bị cột du kích VC dẫn tôi đi giữa chợ Ðịnh Quán đến Trường Tiểu Học Ðịnh Quán và xiềng chân tôi tại đây với tội danh là một sĩ quan “ngụy.” Chân phải tôi mang một sợi dây “lòi tói” một đầu xích vào chân bằng một ổ khóa, đầu kia xích vào chân bàn học bằng một ổ khóa khác. Mỗi buổi sáng khi đi vệ sinh đầu lòi tói kia được mở ra, nhưng sợi dây lòi tói được quấn vào chân phải tôi với hai ổ khóa. Ngày 22 tháng 7, 1975, tôi được chuyển đến trại tập trung Lȇ Lợi, Long Khánh nguyȇn là Kho Quân Cụ của SÐ18/VNCH.

Năm 1977 tôi được chuyển lȇn Ðoàn 500 Phước Long Sông Bé. Ðoàn 500 là một vị trí núi rừng hoang vu nằm về phía Bắc cầu sông Bé và nằm trọn trong mạn phải (hữu ngạn) thượng nguồn sông Bé, cây rừng chủ yếu là tre nứa mọc dọc theo hai bȇn bờ sông Bé,. Từ Ðoàn 500 ra đi phải qua cầu sông Bé, ngày đó gọi là cầu 10T (10 tấn,) nơi mà vào những buổi trưa sau khi đi cắt tranh, hay đốn tre, hay nhổ khoai mì tôi thường xuống chân cầu xi măng ngồi nghỉ mệt hay ăn trưa với những củ khoai mì luộc hay nướng. Thời gian này là lúc gian khổ nhất. Có nhiều khi tôi không tin sẽ có một ngày về. Nhưng tôi tin vào thuyết định mệnh và sự sinh tồn vì thế mặc dù đói rét và bệnh tật tôi luôn luôn lạc quan, học hỏi và rèn luyện sức khoẻ. Sông Bé, nơi thượng nguồn của nó bề ngang sông khoảng 25m là một thử thách lớn nhất của tôi, vào mùa mưa nước từ nguồn xuống chảy trút cuồn cuộn dâng cao như thác đỗ, tôi vẫn không cảm thấy sợ hãi vì tôi đã luyện tập bơi lội sang bȇn kia sông mỗi khi đi tắm. Vì vậy trong một lần cháy rừng, tôi đã bơi dọc theo sông về trại, vì chiếc bè di tản đã quá đầy không còn chỗ cho tôi. Tôi còn nhớ những tảng đá hai bȇn bờ sông Bé đã gây cho tôi nổi khiếp sợ nhìn như những con quái thú. Những ngày ít mưa là những ngày đi rừng chặt tre, nứa, nghe tiếng khỉ hú và trȇu chọc, nhiều khi một thân một mình giữa rừng hoang vắng tôi đã nén tất cả đau đớn trong lòng chỉ biết rằng phải có một ngày về và phải còn sự sống cho tôi làm một điều gì có ích cho những người thân với chút lý tưởng còn sót lại. Dấu vết của chiếc cầu 10T mà chúng tôi gọi là cầu 10 tấn bắt ngang thượng nguồn Sông Bé, nơi mỗi trưa, tôi dừng chân giở lon guigoz và ăn những lát khoai mì khô hay chút cơm dưới chân cầu bằng xi măng và ngắm dòng sông nước chảy chầm chậm, ngày nay vẫn còn. Thời gian này gian khổ nhất, đói, cực nhọc, bị muỗi mòng, vắt đỉa hút máu, người tôi chỉ như bộ xương biết đi.


Từ Ðoàn 500 ra đi phải qua cầu sông Bé, ngày đó gọi là cầu 10T (10 tấn,) 


Cuối năm 1978, có cuộc chuyển trại tù cải tạo từ Ðoàn 500 Phước Long đến trại tù Bù Loi, Phước Long. Chặng đường dài khoảng 80km, các tù nhân cải tạo gồm các sĩ quan QLVNCH phải gồng gánh mang theo tất cả vật dụng cá nhân gồm lương khô được thăm nuôi, quần áo, nồi niȇu, lon guigoz, dao rựa, nước uống ước lượng 15kgs cho một người. Khởi hành từ sáng sớm từ Ðoàn 500 đi trȇn con đường đất đỏ lȇn dốc xuống dốc đến khoảng 6 giờ tối thì đến láng trại Bù Loi, một khu vực nhỏ gồm những láng trại cho các tù nhân cải tạo gần với Sóc Bom Bo và nằm giữa Sóc này với chợ Minh Hưng.

Gồng gánh trȇn vai, người tôi mặc chiếc áo vải kaki lính đầy ắp mãnh vá bằng vải bao cát, trȇn đầu quấn cái khăn nhỏ, chân mang đôi dép nhựa mà có lúc phải cởi bỏ ra vì mồ hôi làm ẩm đôi chân không bám vào dép được khi bước đi trȇn mặt đường đầy bụi đất đỏ cao nguyȇn.

Lộ trình di chuyển không được cho biết, nhưng chúng tôi phải dậy sớm ăn uống no mang theo nước uống rồi phải rời trại Ðoàn 500 vừa khi có lệnh báo.


Cuộc chuyển trại tù cải tạo từ Ðoàn 500 Phước Long đến trại tù Bù Loi, Phước Long.

Lộ trình di chuyển dài khoảng 80km mới đến Bù Loi, rồi rẽ phải, chúng tôi men theo con đường mòn nhỏ trong rừng dẫn chúng tôi đến một con suối nhỏ, qua một túp lều là lò rèn thì tới khu láng trại với khoảng 2 hay 3 gian mái tranh, vách ngăn bằng phȇn nứa trông thật hiu quạnh và xơ xác thì trời đã chập choạng tối. Bước vào trong chúng tôi nhìn thấy những chiếc chõng phȇn tre đan kết bằng thân cây nứa. Chúng tôi bỏ xuống hành trang và chuẫn bị lon guigoz luộc những củ khoai mì mang theo để ăn. Tôi vẫn còn nhớ, phía sau láng trại còn những cây ớt hiểm mà tôi nghỉ là của những người Thượng đã trồng trước đây. Khu láng trại này với những chiếc chõng tre đã chứng tỏ đã từng có người tù cải tạo ở và họ đã ra đi đâu bỏ trống lại nơi này cho chúng tôi đến.

Sau này tôi mới nghe từ những người cũ còn ở lại cho biết có một toán tù cải tạo vừa rời bỏ nơi đây đi đâu tôi không biết trong đó có anh Phạm Minh Tâm K25, người từng cùng tôi dự tranh đi học Trường Võ Bị West Point năm 1970, một người tù cải tạo nữa là NT Nguyễn Trọng Tường K24 cũng đã rời trại này trước khi tôi đến, nhưng đặc biệt nhất, NT Nguyễn Văn Dục K17 vẫn còn ở lại trại Bù Loi này, nhưng không cùng láng trại với tôi.

(Còn tiếp)

Cuộc Gặp Gỡ Bất Ngờ với NT Nguyễn Văn Dục K17 tại Trại Tù Cải Tạo Bù Loi 1979

Trần Hữu Hạnh K25

(Tiếp theo kỳ trước)

Ðȇm trôi qua tại trại tù cảo tạo Bù Loi thật bình dị cùng với những chập chờn mệt mõi, đói, và nhớ về quȇ nhà khôn xiết. Cái chõng tre đôi cho hai người nằm ngủ kȇu cọt kẹt mỗi khi trở mình, phía trȇn đầu giường là dãy bợ bằng nứa chứa những “hành lý” rách rưới mà tôi mang theo trȇn đường từ Ðoàn 500 Sông Bé đến đây. Dưới đất, tôi chỉ có đôi “dép râu” còn đầy bụi đỏ mà ai đó đã cho tôi trước khi lȇn đường từ Ðoàn 500.

Sáng hôm sau, chúng tôi được chia ra nhiều “tổ” để đi “lao động.” Một tổ đi cắt tranh để lợp thȇm cho nóc láng, một tổ đi chặt nứa để làm phȇn, một tổ bắt đầu đi thu hoạch củ khoai mì. Về phía Tây của trại tù cảo tạo Bù Loi (Bù Loi) là những đồi thấp ngút ngàn lúa xanh, xa hơn nữa là những “rừng” cây khoai mì bát ngát, xa hơn nữa là rừng hoang với cỏ tranh vàng xanh lẫn lộn. Tôi thuộc tổ đi thu hoạch củ khoai mì và phải đạt “chỉ tiȇu” là 50 kgs mỗi người tù. Những bao củ khoai mì phải được vác về trại nộp cho “cán bộ VC” có một “trại viȇn cải tạo” được phân công xem xét và cân đo, và ghi tȇn người tù nào làm xong chỉ tiȇu lao động. Những trại viȇn cải tạo có thể đi vòng trong rừng giáp ranh với đường lộ chính, nay 2023 là Ðường Tỉnh Lộ 760 (ÐT760) hay có thể lấy đường chính là ÐT760 vác bao củ mì về trại. Thời gian này tôi đã tình cờ gặp NT Trần Minh Chánh K24 đang đi trȇn đường đất đỏ cùng với một người phụ nữ trẻ với một người nữa như là người em đi thăm ông, và tôi chỉ hỏi thăm ông rồi thôi. Nhiều năm sau tại Mỹ, khi viếng Lễ Tang Phu Nhân Cố Ðề Ðốc Trần Văn Chơn tại San Jose, Ca. tôi có gặp lại NT Trần Minh Chánh K24 và được biết người phụ nữ ấy là bà xã của ông sau này và tôi cùng có chào hỏi phu nhân của NT Chánh ngày hôm ấy.

Thời gian này tôi rất chú ý tìm kiếm NT Nguyễn Văn Dục K17, nhưng không sao tìm gặp được và nếu có hỏi thì chẳng biết ai để hỏi và chẳng biết ai biết vì tôi không biết trại Bù Loi này lớn và đông trại viȇn ra sao; hơn nữa, trại viȇn chỉ biết đi lao động rồi xong trở về láng trại mình, việc tiếp xúc nhau coi như nghiȇm cấm ngoại trừ trong cùng “tổ.”

Bù Loi được chia thành hai khu láng trại. Khi đi vào từ đường lộ đất đỏ nay là ÐT760 sẽ qua một giòng suối cạn chảy qua những viȇn đá nhỏ và rồi đến một ngã ba. Tại đây nếu rẽ trái sẽ gặp một túp lều làm lò rèn rồi đi xa nữa sẽ gặp một láng trại, láng trại này chạy song song với một con suối trước đây khi vào trại, nhưng giờ đây con suối sâu hơn với cây cối mọc um tùm. Người ta có thể nghe tiếng chim quốc kȇu vào chiều chiều. “Chiều chiều chim vịt kȇu chiều, buâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau.” Lò rèn này có trước khi tôi đến và xem có vẻ hoạt động từ lâu để làm liềm, búa, dao, rựa, … Như thế trại Bù Loi đã có từ lâu, có thể cùng thời gian khi tôi đến Ðoàn 500. Nếu từ ngã ba này đi thẳng vào trong thì sẽ gặp láng trại của tôi bȇn trái con đường mòn, và nếu đi sâu hơn khoảng 100m thì sẽ gặp một con suối sâu đến gần 2m, tại đây chúng tôi thay phiȇn nhau đến suối xuống múc nước gánh về láng trại chia nhau nấu nướng hay tắm rửa. Nếu đi về phía hạ lưu của suối thì chúng tôi có thể tắm giặt, nhường thượng nguồn cho nước ăn uống. Ngày nay chúng ta biết rằng con suối này chảy đổ vào Sông Daklap, con sông này chia cắt Bù Loi với Chợ Minh Hưng Bù Ðăng.

Chính những ngày đi múc nước suối này tôi đã gặp một người trại viȇn tù cải tạo dáng trung niȇn mà tôi ngờ ngợ là NT Nguyễn Văn Dục K17. Tôi đã hỏi “Thưa ông, trước đây ông có bao giờ ở Ðà Lạt?” Ông trả lời “Có.” Tôi hỏi “Có phải ông tȇn Dục không ạ?” Ông nói “Phải, tôi là Dục. Có phải em học ở Trường Võ Bị không?” Tôi nói “Dạ phải, em tìm kiếm và muốn gặp anh. Hôm nay thật là may mắn em gặp gặp anh.” Tôi thật sự không dám gọi NT vì sợ ăng ten nghe thấy. Ông cho tôi biết ông ở láng trại gần với đường lộ và tôi hẹn sẽ sang thăm ông.

Thắm thoát, vài tháng trôi qua, trời se sắt lạnh. Tưởng cũng nȇn biết, chiến tranh giữa VC với Campuchea đã và đang diễn ra khốc liệt vào năm 1977, 1978 và cuối năm 1978 đã diễn ra những căng thẳng vùng biȇn giới Bắc Việt với Trung cộng cho đến đầu năm 1979 thì chiến sự giữa VC và TC bùng nổ dọc theo biȇn giới.

Những ngày cuối năm âm lịch lòng tôi thấy nao nao thương nhớ về quȇ nhà. Ðȇm 30 Tết, trong láng trại, vài anh em quay quần bȇn nhau kể chuyện chút cho vui thì có người nói chúng tôi xem thử thời vận bằng cách bói thơ Kim Vân Kiều nghe nói là “linh” lắm. Người ấy có mang theo cuốn Kim Vân Kiều, tôi đồng ý vào nôn nóng “xem quẻ bói linh” trước. Bȇn ngọn đèn mờ tỏ, tôi nhắm mắt thinh lặng tập trung rồi lần theo cuốn truyện thơ mà giở vào trang tôi muốn chọn. Khi giở ra, mọi người cùng xem đọc với tôi  những giòng thơ sau làm lòng tôi tȇ tái, đó là những câu thơ mà Nguyễn Du viết về một cuộc chia ly giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh.

Người lȇn ngựa, kẻ chia bào,

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.

Dậm hồng bụi cuốn chinh an,

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dậm một mình xa khơi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa khơi dậm sầu.

Than ôi, thế là cuộc chia ly vẫn còn, và quȇ nhà vẫn còn xa ngoài tầm với!

Ðȇm 30 Giao Thừa trôi qua, lòng tôi buồn hơn khi nào hết, nghĩ đến nhà, đến thân phận nô lệ, nghĩ đến nước non. Ngày Mồng Một Tết các trại viȇn được nghỉ lao động và cũng dễ chịu vì bớt bị nghe ngóng theo dõi, và có thể đi lại tự do, tôi quyết định đi thăm NT Nguyễn Văn Dục. Ngược ra phía đường lộ, rẽ phải về lò rèn rồi đi thȇm chừng 100m nữa thì đến láng trại của ông, tôi hỏi những người gần gủi để tìm ông thì gặp ông. Bȇn hiȇn ngoài, ông mời tôi chén nước, hai anh em chúng tôi kể sơ qua chuyện đi tù, thăm hỏi sức khoẻ và những gì nữa mà nay tôi không còn nhớ, nhưng ông vẫn luôn lạc quan, tự tin, vui và vẫn dáng dấp gầy gầy, vẫn với bộ râu, khuôn mặt xương và tôi không nhớ ông đã ốm ra sao, nhưng không có vẻ gì đau yếu. Rất mừng cho ông. Từ ngày tôi ra Trường cuối năm 1972, đến khi ấy đầu năm 1979, thời gian chỉ có hơn 6 năm vì vậy những tình cảm huynh đệ vẫn còn như xưa không thay đổi.

Tôi gặp lại NT Nguyễn Văn Dục K17 tại trại tù Bù Loi trong hoàn cảnh khắc nghiệt của vận mệnh đất nước tưởng như trong giấc mơ. Người ta có thể gặp nhau trong men say, rượu ngọt và tiếng nhạc quay cuồng, nhưng những giọt đắng luôn còn tồn tại với cuộc đời như những vết hằn không phai cùng năm tháng.

Sunnyvale, Ca. 10/06/2023

(Viết về kỷ niệm với NT Nguyễn Văn Dục, Cùi 17. Bài viết này chưa hoàn chỉnh các chi tiết bản đồ, sơ đồ khi tôi đến trại Bù Loi vào năm 1979, và hình ảnh 11 năm sau tôi gặp lại NT Nguyễn Văn Dục tại Sài Gòn.) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét