Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Trung úy Lê Đức Lam, nhân viên cơ giới trên không

Tối 24/6, Thường vụ Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng đã ra thông báo xác nhận 9 quân nhân trên máy bay Casa 212 rơi tại khu vực vịnh Bắc Bộ ngày 16/6 trong khi thực hiện nhiệm vụ đã hy sinh.
Như thế mọi khắc khoải vào – ra, chờ đợi người xa trở về đã không còn nữa. 9 người lính hy sinh 9 hoàn cảnh cuộc đời không giống nhau nhưng nỗi đau chia lìa thì 9 người như 1.
 Trong số 9 quân nhân của Đội bay Casa 212 hy sinh, chuyện của Trung úy Lê Đức Lam, nhân viên cơ giới trên không thuộc Lữ đoàn Không quân vận tải 918 khiến tôi (và chắc có nhiều người nữa) cảm thấy đau xót, ngậm ngùi. Nhà nghèo, để trở thành sĩ quan của lực lượng Không quân, cậu học trò phố Núi Lê Đức Lam phải phấn đấu cật lực suốt mười mấy năm trời để vượt qua muôn ngàn khó khăn, ăn học và trở thành sĩ quan của lực lượng không quân.


Trung uý Lê Đức Lam- Ảnh: QPVN
Năm 2015, Trung úy Lam lập gia đình với cô gái tên Nga xinh đẹp. Đồng lương của anh Trung úy vốn ít ỏi, vợ lại chưa có việc làm ổn định nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Từ khi biết vợ mang thai, Trung úy Lam ky cóp “nuôi heo” để dành tiền cho ngày vợ sinh. Những tưởng cuộc sống đơn sơ của gia đình người sĩ quan trẻ Lê Đức Lam sẽ hạnh phúc hơn khi đón con chào đời trong một vài tháng nữa.
Ngày nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ, Trung úy Lam có ngờ đâu đây là chuyến bay cuối đời mình, anh không chuẩn bị gì hơn cho vợ con ngoài “con heo nhỏ” bụng còn lỏng toẹt kia. Trước ngày bay chuyến bay định mệnh này, Lam khoe với Đại tá Ngô Quang Trung, phụ trách dẫn đường trên không của Phi đội 1, (người mà Lam yêu quý như cha) - 6 tháng qua, Lam “đã nuôi heo được 1,5 triệu đồng” để dành cho “sự kiện” đón đứa con nhỏ bé sẽ chào đời…
Bây giờ, “bố Lam” không về nữa; tới đây Nga sẽ phải vượt cạn một mình với hình bóng chồng trong tâm tưởng – điều mất mát đắng cay này chẳng thể nào thay đổi được. Nhưng giúp em Nga vượt cạn ấm áp hơn, bé con ra đời đủ sữa uống, tôi nghĩ chúng ta có thể làm được.
Đạo lý của người Việt là sẵn sàng đùm bọc nhau những lúc khó khăn, sẻ chia nhau những nỗi buồn đau và chúng ta sẽ làm tiếp điều mà Trung úy Lê Đức Lam làm còn dang dở - sẽ “nuôi heo” thay Lam để vợ con anh vượt cạn đủ đầy; để “bố Lam” không phải khắc khoải đau xót cho vợ dại con thơ còn ở lại, khi anh hy sinh vì nhiệm vụ. Và, một triệu rưỡi tiền “bố Lam” đã ky cóp góp nhặt, đó là ân tình gửi lại, món quà cho con của người lính đã hy sinh giữa thời bình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét