Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Ông Lê Thành Ân, Tổng lãnh sự Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Việt Nam
Lời giới thiệu:
Chuyến đi thăm viếng Nghῖa Trang Quȃn Ɖội Việt Nam Cộng Hoà tại Sàigòn của Ông Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam Lê Thành Ȃn vào ngày 6 tháng 3, 2013 vỏn vẹn còn 5 tháng nữa là hết nhiệm kỳ 3 năm của Ông đã đánh dấu một nét mới lịch sử Việt Nam trong quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và CHXHCN VN. Chuyến thăm viếng của Ông rõ ràng đã được cs VN chuẫn bị chu đáo trước hơn một tháng khi chúng cho làm lại bậc tam cấp đi lên Nghῖa Dũng Ɖài và làm tạm một đỉnh màu vàng để thắp nhang. Cùng đi với Ông là 2 nhân viên ngoại giao, trong đó có một nhȃn viên VN. Rõ ràng, Ông đã nói tiếng Việt rất thông suốt và trôi chảy vì không cần thông dịch viên, và chuyến đi này được thông báo trước và trong chủ ý của Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sàigòn.
Ɖể hiểu rõ những chi tiết về các hoạt động ngoại giao và quan điểm chính trị của Ông, chúng tôi xin trích nguyên văn cuộc phỏng vấn của Trà Mi thuộc đài VOA đối với Ông ngày 27/10/2010.
Hoàng Hoa,
Trưởng ban biên tập mạng Xã hội Sàigòn www.saigonfilms.com
VOA Washington
Trà Mi: Xin cảm ơn ông Tổng Lãnh sự dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này. Câu đầu tiên xin được hỏi ông, là vị Tổng Lãnh sự Mỹ gốc Việt đầu tiên tại VN, cảm xúc của ông ra sao?

Ông Lê Thành Ân: Tôi nghĩ rằng tôi là người may mắn, và chính phủ, Bộ Hải quân, Sở Ngoại vụ Bộ Ngoại giao, cũng như đất nước Hoa Kỳ đã mang đến cho tôi những cơ hội này. Tôi là một trong những người may mắn nhất trên thế giới vì được ơn trên phù hộ nhiều mặt. Tôi lớn lên trong một gia đình tuyệt vời, có một sự nghiệp tốt, và giờ đây, chúng tôi gọi nước Mỹ là nhà. Mỗi ngày tôi đều thầm cảm ơn trời Phật vì những phước lành này. Sau 45 năm kể từ ngày tôi rời Việt Nam hồi còn nhỏ và 35 năm làm công chức Mỹ, phải nói là tôi không tưởng tượng là cuộc đời của mình sẽ đi theo hướng này. Ngay từ nhỏ, tôi chỉ mong ước trở thành một kỹ sư hay một kiến trúc sư và có một gia đình, thế thôi. Thật tình tôi không nhận thức rõ về giá trị và ý nghĩa của nhiệm vụ này đối với bản thân mình và những người khác cho tới khi nhận được hàng loạt thư, thiệp, và email ồ ạt gửi tới tôi hồi mấy tháng trước. Tôi nhận được chia sẻ của những người Mỹ gốc Việt từ nhiều vùng trên đất nước Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Tôi nghe nhiều người nói nhiệm vụ này là sự khẳng định rằng ở Mỹ, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nhờ sự chăm chỉ và tận tụy. Đây cũng là một tín hiệu quan trọng cho thấy mối quan hệ Việt-Mỹ giờ đây vững chắc như thế nào.

Trà Mi: Ngoài là vị Tổng lãnh sự Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Việt Nam, ông cũng là người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ vị trí cao nhất trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ, ông có thể cho biết những yếu tố nào, động cơ nào đưa ông tới vị trí hôm nay?

Ông Lê Thành Ân: Tôi không chắc tôi là viên chức cao cấp nhất người Mỹ gốc Việt trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng tôi tin rằng tôi là viên chức ngoại giao người Mỹ gốc Việt đầu tiên được cấp hàm Tham tán Công sứ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ tôi là người sau cùng.

Trà Mi: Ông có kinh nghiệm đa dạng về nghề nghiệp và học vấn. Cơ duyên nào khiến ông chuyển hướng nghề nghiệp sang ngành ngoại giao? Là một người gốc Việt tham gia ngành ngoại giao Mỹ có những khó khăn, thử thách gì chăng, thưa ông?

Ông Lê Thành Ân: Học vấn của tôi tại Hoa Kỳ mang đến cho tôi nhiều thuận lợi và cơ hội. Tôi có bằng Cử nhân khoa học chuyên ngành Kỹ thuật điện năm 1976 và Thạc sĩ khoa học chuyên ngành Quản trị Kỹ thuật năm 1978 từ đại học George Washington ở thủ đô nước Mỹ. Tôi gia nhập Sở Ngoại vụ năm 1991 sau 15 năm làm công chức trong Bộ Hải quân Mỹ. Cùng với thời gian, tôi nhận ra mình muốn làm một điều gì đó hơn là một kỹ sư. Cái hay của một nền học vấn ở Mỹ là nó mở rộng các cơ hội cho mình, và tôi đã tận dụng được điều này. Hai thập niên trước, tôi đã bước vào Sở Ngoại vụ để đại diện cho đất nước Hoa Kỳ, giúp xây dựng và duy trì các mối quan hệ ngoại giao vững mạnh với các quốc gia trên thế giới.

Trà Mi: Một người con sau 45 năm trở lại quê cha đất tổ, cảm tưởng và ấn tượng khó quên nhất trong ông là gì?
Ông Lê Thành Ân: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là nhà của gia đình chúng tôi trong 3 năm tới. Cuộc sống ở Việt Nam mang đến cho tôi nhiều thuận lợi về văn hóa và ngôn ngữ. Kể từ khi tới đây hồi đầu hè tới giờ, chúng tôi thích thú nhận ra rằng đây là một thành phố năng động và đầy sức sống. Dù các công trình xây dựng đang mọc lên trên khắp thành phố mới ngày nay, nhưng thành phố Sài Gòn ngày xưa vẫn còn hiện hữu trong tôi và tôi vẫn nhận ra một vài chỗ mà tôi đã biết từ hồi nhỏ.

Trà Mi: Giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có quá trình lịch sử đặc biệt, và hiện vẫn còn những khác biệt tồn tại, vai trò cầu nối của ông Tổng lãnh sự người Mỹ gốc Việt chắc chắn có sẽ những nét đặc biệt hơn so với những vị Tổng lãnh sự Mỹ trước đây tại Việt Nam, vốn là người nước ngoài. Theo ông, những khác biệt chính là gì và ông mường tượng những thuận lợi và thử thách trước mắt như thế nào?

Ông Lê Thành Ân: Tôi muốn nhấn mạnh rằng dù nhân thân và tiểu sử gia đình tôi mang đến một nét mới trong mối quan hệ Việt-Mỹ, nhưng vai trò của tôi trong việc nối kết hai quốc gia không khác biệt so với những người tiền nhiệm. Mỗi vị Tổng Lãnh sự có thể có những mối quan tâm, các lĩnh vực đặt trọng tâm, và các ưu tiên riêng, nhưng vai trò phục vụ cơ bản của một Tổng Lãnh sự không thay đổi. Cũng như các vị tiền nhiệm, tôi có mặt ở đây để thực hiện những ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với Việt Nam. Tôi tới đây để phát huy quan hệ Việt-Mỹ và sự hiểu biết song phương. Tôi hiểu rõ các áp lực từ những kỳ vọng đối với tôi, một nhà ngoại giao Mỹ gốc Việt, được cử sang làm việc tại Việt Nam. Tôi hiểu rằng nhiều người trên khắp nước Mỹ trong đó có cộng đồng người Mỹ gốc Việt đặt nhiều kỳ vọng vào tôi. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa hai nước.

Trà Mi: Mối quan hệ Việt-Mỹ tốt đẹp là mong đợi của cả đôi bên, ông Tổng Lãnh sự sẽ góp phần cụ thể ra sao giúp hiện thực hóa niềm mong mỏi này? Lĩnh vực nào ông đặc biệt quan tâm và sẽ đặt trọng tâm?

Ông Lê Thành Ân: Năm nay, hai nước kỷ niệm 15 năm bang giao chính thức và chúng ta có nhiều điều phải tự hào. Quan hệ Việt-Mỹ tiếp tục phát triển về nhiều mặt dựa trên tinh thần hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, và trong các lợi ích lâu dài của đôi bên. Một dấu hiệu của mối quan hệ ngày càng sâu đậm là hai nước tiếp tục có những sự trao đổi ngoại giao cấp cao. Một khía cạnh đặc biệt của mối quan hệ đang nảy nở là trao đổi mậu dịch song phương trị giá hiện nay lên tới trên 15 tỷ đô la mỗi năm và đang tiếp tục phát triển. Hoa Kỳ là một thị trường tốt cho Việt Nam. Chiếm phần lớn trong khoản 15,4 tỷ đô la đó là hàng hóa và các dịch vụ mà Mỹ mua của Việt Nam. Nhưng Hoa Kỳ cũng bán các sản phẩm và dịch vụ mà các doanh nghiệp cũng như giới tiêu thụ Việt Nam cần, và những lĩnh vực này cũng đang phát triển. Sáng kiến Xuất khẩu Toàn quốc mới đưa ra của Tổng thống Obama đề ra mục tiêu nhân đôi lượng xuất khẩu của Hoa Kỳ trong 5 năm, và chúng tôi tin Việt Nam có tiềm năng giúp chúng tôi đạt được mục tiêu.

Thật ra, theo tôi, không phương thức nào cải thiện quan hệ song phương Việt-Mỹ tốt hơn là thông qua việc tăng cường trao đổi kinh tế giữa đôi bên. Đem hàng hóa Mỹ tới Việt Nam mở rộng sự lựa chọn cho giới tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm chất lượng cao làm phong phú đời sống người dân Việt Nam. Các doanh nghiệp hỗ trợ giao thương, phân phối và bán lẻ các sản phẩm này tạo công ăn việc làm cho người người dân cả hai nước. Trong sứ mạng tại Việt Nam, chúng tôi sẽ nỗ lực để chứng minh giá trị giao thương với Hoa Kỳ. Một khía cạnh khác mà tôi muốn tập trung vào là tăng cường môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Kinh tế Việt Nam đã biểu hiện những tỷ lệ tăng trưởng rất ấn tượng. Nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc cải cách kinh tế thị trường đã khiến các nhà đầu tư tương lai ngày càng quan tâm hơn đến thị trường này. Nhiều người Mỹ muốn đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc vượt qua các luật lệ phức tạp chi phối các giao dịch tài sản, các vấn đề về thuê mướn lao động, thuế vv.. Việtkiều có thể còn có nhiều quan ngại hơn nữa. Một số người tự hỏi xem trở lại Việt Nam làm ăn có an toàn hay không.

Tôi tin cộng đồng đầu tư ở Mỹ, trong đó có những nhà đầu tư Việt kiều, là nguồn lực lớn lao Việt Nam cần có để chuyển đổi thành một nước công nghiệp như mục tiêu mà Việt Nam hy vọng đạt được vào năm 2020. Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam nên nỗ lực thu hút nhiều thêm nữa những Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới, những người có thể đóng góp chuyên môn và sáng kiến cho quê cha đất tổ của mình. Và dĩ nhiên, giúp tạo ra những cơ hội này là một trong những lĩnh vực trọng tâm của tôi.

Trà Mi: Là người có nhiều kinh nghiệm về an ninh-chính trị-kinh tế tại Châu Á, ông nhận xét ra sao về diễn tiến tình hình tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc mà chính phủ Hoa Kỳ đang quan tâm?

Ông Lê Thành Ân: Hoa Kỳ luôn quan tâm đến việc phát triển hòa bình và an ninh trong khu vực, kể cả trong vùng Biển Nam Trung Hoa. Mỹ, Việt Nam, cùng các nước khác cả trong lẫn ngoài khu vực đều nhận thấy nhu cầu phải bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải và thương mại. Hoa Kỳ cho rằng các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ là điều mà các bên tuyên bố phải tự giải quyết, nhưng chúng tôi ủng hộ các nguyên tắc căn bản nhất định, trong đó có cam kết về “tiến trình cộng tác ngoại giao” để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển.

Trà Mi: Là nhà ngoại giao Mỹ đến Việt Nam làm việc, ông Tổng lãnh sự nghĩ sao về quan tâm của cộng đồng người Việt hải ngoại kêu gọi dân chủ cho Việt Nam?

Ông Lê Thành Ân: Hoa Kỳ cam kết phát huy tôn trọng nhân quyền và dân chủ trên khắp thế giới. Các giá trị cơ bản mà chúng tôi cổ xúy bao gồm quyền tự do bày tỏ quan điểm, tự do báo chí, tự do lập hội, các quyền không bị tra tấn, quyền lao động, quyền trẻ em, quyền phụ nữ, bảo vệ các thành phần thiểu số, cũng như buộc các chính phủ phải chịu trách nhiệm với những cam kết của họ dưới những công ước quốc tế về nhân quyền. Chúng tôi có nhiều cách để đưa ra các vấn đề này ra với chính phủ Việt Nam, trong đó có việc thường xuyên nêu các quan ngại của chúng tôi tại các cuộc gặp cấp cao ở Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ. Ví dụ như hồi tháng 9, trong cuộc họp của giới lãnh đạo Hoa Kỳ và ASEAN tại New York, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền. Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Hà Nội. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng thường xuyên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc với các giới chức cao cấp trong chính phủ Việt Nam. Tháng 9 vừa qua, các quan chức Mỹ đã thảo luận nhân quyền với chính phủ Việt Nam trong cuộc đối thoại thường niên về vấn đề lao động diễn ra ở Hà Nội và sẽ tiếp tục thảo luận vào tháng 12 tới đây trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên cũng tại Hà Nội.

Trà Mi: Gần đây một số nhà lập pháp Hoa Kỳ lên tiếng bày tỏ quan ngại về điều mà họ gọi là vi phạm quyền tự do tôn giáo tại Cồn Dầu, một cáo buộc bị chính quyền Việt Nam phủ nhận. Có tin cho hay ông Tổng Lãnh sự có đến thăm giáo xứ Cồn Dầu, xin ông cho biết quan điểm của ông như thế nào?

Ông Lê Thành Ân: Vâng gần đây tôi có đi Đà Nẵng nhưng không đến thăm Cồn Dầu. Tuy nhiên, các giới chức trong đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội có tới đây. Họ đã tiếp xúc với các giới chức công giáo, các thành viên của giáo đoàn, và chính quyền địa phương ở Cồn Dầu và Đà Nẵng. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và các quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ ở Washington cũng đã thảo luận với quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam về tình hình ở Cồn Dầu. Trong các cuộc thảo luận này, giới chức Hoa Kỳ đã kêu gọi các bên nên kiềm chế và giải quyết bất đồng một cách ôn hòa và theo đúng luật pháp Việt Nam. Nhìn chung, Việt Nam có thành tích tốt về cải thiện quyền tự do tôn giáo, nhưng các vụ việc sử dụng bạo lực làm mờ đi tiến bộ đó.

Trà Mi: Trước khi chia tay, ông Tổng Lãnh sự có đôi lời tâm tình bằng Việt ngữ với thính giả của đài VOA chăng?
Ông Lê Thành Ân: Tôi rất vui được chia sẻ với thính giả của đài VOA vào thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm làm Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM về những trải nghiệm cá nhân cũng như vai trò của tôi trong việc tăng cường hiểu biết và trao đổi văn hóa giữa hai quốc gia. Tôi rất vui được phục vụ với tư cách là đại diện cho Tổng thống Obama. Tôi sẽ củng cố sự tin cậy này bằng việc đại diện cho các giá trị, mục tiêu, và chính sách của Hoa Kỳ.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông Tổng Lãnh sự đã dành cho VOA Việt Ngữ cuộc phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét