Philippines điều tàu chiến ra Biển Đông
Báo Philippines cho hay nước này sẽ điều chiếc tàu chiến lớn nhất ra tuần tra quanh Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông trong một động thái có thể sẽ làm tăng căng thẳng trong khu vực.
Tin này được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc loan báo về việc phái tàu tuần tra lớn nhất - Hải Tuần 31 - tới Singapore qua các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.Tờ Philippine Star dẫn nguồn hải quân cho hay hôm thứ Sáu 17/06 rằng tàu chiến BRP Rajah Humabon sẽ được phái tới làm công việc tuần tra quanh Bãi Scarborough, một đảo mà Philippines chiếm giữ, ở vùng biển mà nay nước này gọi là Tây Philippine.
Việc đổi tên từ Biển Nam Trung Hoa (South China Sea) sang Biển Tây Philippine (West Philippine Sea) vừa mới được Tổng thống Benigno Aquino III quyết định hôm thứ Hai vừa rồi như một biện pháp khẳng định chủ quyền.
Với việc khu trục hạm chống tàu ngầm BRP Rajah Humabon trọng lượng 1.400 tấn, tàu chiến hàng đầu của hải quân Philippines, được điều tới Biển Đông sau tàu Hải Tuần 31, tình hình tranh chấp hàng hải trong khu vực có nguy cơ tiếp tục leo thang.
Người đứng đầu Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Alexander Pama, khẳng định hải quân nước này "sẽ không có hành động khiêu khích nào ở Biển Tây Philippine".
Ông nói lực lượng hải quân sẽ chỉ thực hiện công việc tự vệ trong vùng biển chủ quyền của Philippines.
Chiến hạm Humabon, với 68 thủy thủ và 8 sỹ quan, hôm thứ Năm còn neo đậu tại cảng Poro Point trước khi lên đường tới Bãi Scarborough.
Hoạt động thường kỳ
Chỉ huy trưởng tàu chiến Humabon Celestino Abalayan nói:" Chúng tôi sẽ theo dõi để phát hiện các đe dọa an ninh trong khu vực, cũng như các kẻ đánh bắt trộm vi phạm chủ quyền của Philippines".Ông Abalayan nói hoạt động của chiếc tàu không liên quan gì tới tranh chấp quanh quần đảo Trường Sa và rằng đây chỉ là hoạt động thường kỳ.
Bãi cạn Scarborough (Scarborough Shoal) không thuộc Trường Sa và hiện do Philippines chiếm giữ, nhưng Trung Quốc và Đài Loan đều cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo này.
Địa điểm của đảo là nằm cách Vịnh Subic 198km về phía Tây. Bãi Scarborough rộng chừng 150 cây số vuông.
Phó Đô đốc Pama trong khi đó nói hải quân Philippines cùng các quân chủng khác sẽ tiếp tục giữ hiện diện tại các đảo Trường Sa mà Philippines gọi là Kalayaan.
Chúng tôi không bắn trước, nhưng sẽ có hành động tự vệ. Chúng tôi không thể thoái lui hay đứng nhìn nước ngoài bắn vào mình.
Phó Đô đốc Alexander Pama
"Chúng tôi không bắn trước, nhưng sẽ có hành động tự vệ. Chúng tôi không thể thoái lui hay đứng nhìn nước ngoài bắn vào mình."
Người đứng đầu Hải quân Philippines bác đề xuất rằng nước này nên có hành động mạnh mẽ hơn, thí dụ diễn tập bắn đạn thật như Việt Nam vừa làm hồi đầu tuần.
Ông nói với các nhà báo: "Chúng tôi có hoạt động riêng, kế hoạch quân sự riêng".
Vào cuối tháng này, Hoa Kỳ và Philippines dự kiến cùng tham gia Bấm cuộc tập trận CARAT ở Biển Đông.
Tuần tra hay nói chuyện?
Tàu tuần tra biển Hải Tuần 31 thuộc Cục An toàn Hàng hải Quảng Đông, Trung Quốc, đã rời đất liền hôm 15/06.Để tới Singapore tàu này sẽ đi qua Hoàng Sa và Trường Sa.
Bắc Kinh Nhật Báo nói tàu Hải Tuần 31 dự kiến sẽ tới Singapore vào thứ Năm tuần tới sau chặng đường dài 2.600km.
Báo này cũng nói Hải Tuần 31 sẽ ở lại Singapore sáu ngày trước khi quay trở lại Trung Quốc.
Hải Tuần là một trong hai tàu dân sự cùng cỡ và được coi là lớn nhất Trung Quốc với bãi đỗ cho trực thăng và có thể ở ngoài khơi trong vòng 40 ngày.
Tàu này dài 112 mét nhưng không có vũ khí hạng nặng như các tàu hải quân.
Một biên tập viên BBC Tiếng Trung tại London cho hay dù chính thức là tàu dân sự, Hải Tuần 31 hoàn toàn "có năng lực quân sự" khi cần.
Cùng ngày 17/6, nhật báo Bấm Jakarta Post của Indonesia có bài xã luận mạnh mẽ kêu gọi lãnh đạo nước này hãy làm tất cả để đưa các bên tranh chấp tại vùng biển Đông Nam Á nói chuyện lại với nhau.
Jakarta Post nói ở cương vị nước chủ tịch luân phiên năm nay của ASEAN, và có uy tín ngoại giao quốc tế, Indonesia cần giúp giải tỏa bất đồng quanh vùng biển mà "căng thẳng đang thành điểm nóng có nguy cơ dẫn tới chiến tranh".
Ngoài tranh chấp lãnh thổ và nguồn lợi thiên nhiên, bài báo cho rằng "Sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc cũng là một yếu tố nữa" khiến các quốc gia không sớm thì muộn "cũng đối mặt nhau".
Bài báo cũng nhắc lại vai trò của Indonesia trong việc làm tương tự hồi thập niên 1990, đưa đến chỗ ký Quy tắc Ứng xử Biển Đông 2002.
Tuy nhiên, Quy tắc này không có tính ràng buộc và cũng không có hệ luỵ pháp lý gì cho bất cứ bên nào gây hấn, theo báo Indonesia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét