Về các lãnh tụ cao niên bị phản đối
Hiện còn chưa rõ đợt biểu tình đông người tại các đô thị Tunesia, Ai Cập và Yemen có tiếp tục lan ra vùng Bắc Phi và trở thành phong trào có hiệu ứng domino như Đông Âu năm 1989 hay là không.
Tuy thế, điều dễ nhận thấy là giới trẻ ở Trung Đông và Bắc Phi nay không còn chấp nhận sự lãnh đạo của các vị tổng thống già nua vốn cầm quyền lưu niên và thiếu hướng đi mới cho các vấn đề kinh tế, xã hội.Điểm chung là tên tuổi các nhân vật lãnh đạo cao tuổi này, bất kể thành tích trong quá khứ bỗng trở thành đối tượng cho sự phản đối của các nhóm biểu tình, đa phần là thanh thiếu niên trẻ hơn tới vài thế hệ.
Cao niên, thiếu giải pháp
Tại quốc gia 'đàn anh' trong Thế giới Ả Rập, Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập năm nay đã 82 tuổi, và cầm quyền từ hơn ba mươi năm qua bằng một hệ thống kiểm soát chặt báo chí và tự do chính trị.
Các vấn đề kinh tế có nạn thất nghiệp tới gần 10 phần trăm trong quốc gia thu nhập bình quân chỉ hơn 2000 USD đầu người một năm.
Nhưng dù thiếu các giải pháp cho kinh tế, ông Mubarak vẫn tiếp tục muốn ra 'tranh cử' lần nữa vào mùa Thu năm nay.
Ông cũng chuẩn bị để người con trai, ông Gamal, lên kế vị trong tương lai.
Nhưng trước làn sóng biểu tình dù bị tạm ngăn lại sau vụ cảnh sát Ai Cập bắt hàng trăm người, tin tức hôm 27/1 cho hay ông Gamal, năm nay 48 tuổi đã cùng vợ con lên phi cơ riêng bay sang London.
Tại Yemen, quốc gia nghèo hơn Ai Cập, với thu nhập bình quân chỉ bằng một nửa, và dân số chừng 34 triệu người, Tổng thống Ali Abdullah Saleh cũng đang bị phản đối, đòi từ chức sau gần 32 năm tại vị.
Cuộc đấu tranh ở Yemen bùng ra tuần này từ Đại học ở Sanna và cả ở thủ đô cũ Aden.
Chính quyền đã tìm cách xoa dịu tình hình bằng cách thả tự do cho 36 tù chính trị nhưng đồng thời cũng tăng cường lực lượng quân đội và công an nhằm đối phó với phe biểu tình.
Ở Libya, Tổng thống Gaddafi cũng cầm quyền đã trên nhiều thập niên qua bằng bàn tay sắt như cựu lãnh đạo Tunesia, ông Zine al-Abidine Ben Ali, người bị lật đổ sau 30 năm nắm quyền liên tục kiểu gia đình trị.
Được cho là nhân vật thuộc hàng cứng rắn bậc nhất Bắc Phi và cũng giữ kỷ lục cầm quyền (41 năm), Đại tá Muammar Gadaffi đã chuyển hướng để hòa giải với Anh và Mỹ mấy năm qua.
Hiện có vẻ như thu nhập trung bình cao (12 nghìn USD), cho một xã hội khá nhỏ (6,5 triệu dân), Libya có thể chưa phải chịu sức ép từ biểu tình theo kiểu Cách mạng Hoa Nhài ở Tunesia.
Đông Đức ngày trước có thu nhập cao hơn nhiều so với các nước cộng sản vùng Đông Nam châu Âu hay Trung Á nhưng không vì thế mà chế độ của Tổng bí thư Erich Honecker lâu bền hơn.
Tất cả tùy thuộc vào khả năng ứng phó của những nhà lãnh đạo.
Tại Algeria, chính quyền của tổng thống Abdelaziz Bouteflika tuần này đã cho cải tổ nội các gấp rút nhằm đối phó trước tình trạng giá lương thực tăng cao và nạn lạm phát phi mã khiến Quỹ Tiền Tế Quốc tế phải lên tiếng cảnh báo.
Trong năm tháng qua, Algeria cũng có các cuộc phản đối chống tăng giá nhưng chưa lan thành một phong trào rộng khắp.
Dù vậy, các nhà kinh tế cũng nêu ra cảnh báo rằng Liên hiệp châu Âu phải để mắt cả vào tình hình Algeria, nước có nhiều dầu hỏa nhưng thất nghiệp cũng cao.
Họ cho rằng dù chỉnh sửa nội bộ, chính quyền của ông Abdelaziz Bouteflika, người năm nay cũng đã 74 tuổi, đang chịu nhiều thách thức từ chính xã hội.
Vùng Trung Đông và Bắc Phi còn hai vương quốc cũng đang gặp cảnh đấu tranh chống tăng giá, chống thất nghiệp.
Tại Jordan nước vẫn theo chế độ quân chủ, thứ Bảy tuần qua cũng có hàng nghìn người biểu tình đòi Thủ tướng Samir Rifai từ chức.
Dù vua Abdullah II, cầm quyền từ 1999, được nhiều tầng lớp xã hội tôn kính, sức ép xã hội nhằm vào bộ máy chính quyền cũng không vì thế mà giảm đi.
Ở Morocco, nước có 32 triệu dân, thu nhập bình quân gần 3000 USD, tầng lớp cầm quyền, gồm cả những người thân cận với hoàng gia bị người biểu tình tố cáo là tham nhũng dù dư luận chung cho rằng vị vua Mohammed VI đứng lên trên các vấn đề như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét