Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Lũ Nam Trung bộ lên nhanh, vỡ một hồ chứa nước

Chiều và tối 1/11 mưa tiếp tục trút nước xuống các tỉnh Nam Trung Bộ, nhấn chìm nhiều nhà cửa, phố xá. 7 người chết trong lũ, chủ yếu là trẻ em và người già. Một hồ chứa nước ở Ninh Thuận đã vỡ, nhiều hồ xả lũ đồng loạt. http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/11/3BA2260A/
> Mưa lũ hoành hành Nam Trung bộ / Cận cảnh chạy lũ ở Khánh Hòa

Tối qua, Khánh Hòa có thêm em Phạm Thành Trung, 2 tuổi ở thôn Nghĩa Bình, phường Cam Nghĩa, thị xã Cam Ranh, chết vì mưa lũ. Như vậy tại tỉnh này đã có 4 người thiệt mạng vì mưa lũ, chủ yếu là trẻ nhỏ và người già. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Quê (sinh năm 1953), trú ở xã Vĩnh Ngọc (thành phố Nha Trang), mất tích vì lật xuồng khi chèo qua sông Cái thăm con.
Chiều 1/11, trên địa bàn tỉnh tiếp tục mưa to, lượng mưa đo được ở Nha Trang lên đến 640mm, thị xã Cam Ranh là 528mm, huyện Khánh Sơn 481 mm. Ở Nha Trang, mưa lớn làm một mảng đồi La San thuộc khu vực trường Đại học Nha Trang bị lở xuống vòng xoay Tôn Thất Tùng. Đến buổi chiều, các lực lượng chức năng đã dọn dẹp xong để giải tỏa ách tắc giao thông.
Nhiều xã còn ngập nặng như Vĩnh Thái, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, Ngọc Hiệp, Phước Đồng... khiến giao thông đi lại khó khăn. Các dịch vụ sửa xe chết máy mọc lên với giá 5.000-10.000 đồng. Nhiều người dùng xuồng để chở khách ngay trên phố với giá 10.000-20.000 đồng một lần.
Lũ lên cao, ngập vào khu dân cư thành phố Nha Trang. Nhiều người 
phải đi xuồng trên phố. Ảnh: Tường Vi
Lũ lên cao, ngập vào khu dân cư thành phố Nha Trang. Nhiều người phải đi xuồng trên phố.
Ảnh: Tường Vi
Ở nhiều trường học như tiểu học Vĩnh Hiệp, Trung học phổ thông Hà Huy Tập... học sinh không thể đến trường. Thầy Nguyễn Thanh Bình, hiệu trưởng trường Hà Huy Tập cho biết: "Mặc dù các thầy cô có mặt nhưng vì ngập lụt, các em không đến trường được, buộc nhà trường phải nghỉ học".
Tuyến đường tỉnh lộ 9 đi lên huyện Khánh Sơn, đã khắc phục tạm thời sạt lở, nhưng ôtô vẫn chưa đi được, các cầu tràn vẫn đang ngập nước. Nhiều xã đã bị mất điện hoàn toàn. Việc đi lại giữa thị trấn và 4 xã phía Tây cũng bị tê liệt vì nước ngập. Hàng nghìn hộ dân bị bao vây trong nước. Học sinh các cấp ở huyện này đã nghỉ học hai ngày nay.
Khánh Hòa là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất của đợt mưa lũ tại Nam Trung Bộ này.
Sát với Khánh Hòa là tỉnh Ninh Thuận, cũng chịu nhiều thiệt hại vì mưa lũ ba ngày qua. Ngày 1/11 toàn tỉnh Ninh Thuận có mưa lớn tiếp tục kéo dài nhiều giờ. Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa đo được trong ngày từ 300 đến 450mm. Đến khoảng 7h sáng thì hồ chứa nước Phước Trung ở huyện Bác Ái đang thi công đã bị vỡ bờ. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh phải huy động nhiều lực lượng cùng tham gia khẩn cấp di dời dân trong vùng hạ lưu hồ Phước Trung thuộc xã Mỹ Sơn, nên không có thiệt hại về người.
Nhiều con đường tại thành phố Phan Rang Tháp Chàm và nhà dân thuộc phường Phước Mỹ, Đạo Long, Mỹ Hương, Kinh Dinh…bị nước ngập hoàn toàn. Có nơi nước vào nhà trên một mét, cả thành phố ngập chìm trong nước, các tuyến giao thông nội thị bị tê liệt. Hàng trăm hộ dân sống ven đê sông Dinh bị sập nhà và nước ngập phải di chuyển tài sản ra mặt đê để sinh hoạt.
Ở thượng nguồn, dòng sông Cái nước lũ cuồn cuộn đổ về hạ lưu rất lớn, nhiều nhiều dân hiếu kỳ đội mưa ra đứng trên cầu Sông Cái và cầu Tân Mỹ xem nước lũ. Bên cạnh đó, các hồ chứa nước như Sông Sắt, Sông Trâu, Tân Giang, CK7, Suối Lớn, Bầu Ngứ, Ma Trai, Ba Chi, Nước Ngọt, Ông Kinh, Thành Sơn gần như đạt và vượt dung tích chứa cho phép đã đồng loạt xả lũ.
Tỉnh Ninh Thuận đã triển khai việc hộ đê bằng 37.000 bao cát và 3.000 khối cát để ngăn nước tràn vào thành phố. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư cứu hộ, cứu nạn với 1.000 chiến sĩ của các lực lượng vũ trang và Đoàn thanh niên, cùng hàng chục chiếc xuồng máy. Tất cả tập trung cho việc hộ đê sông Dinh, vì nước từ thượng nguồn đổ về ngày càng nhiều, mực nước có nguy cơ tràn qua đê.
Các lực lượng đang tổ chức hộ đê sông Dinh, phòng vỡ đê. Ảnh: Sơn 
Ninh
Các lực lượng đang tổ chức hộ đê sông Dinh, phòng vỡ đê. Ảnh: Sơn Ninh
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, toàn tỉnh có 2 người bị mất tích; 58 căn nhà sập đổ, tốc mái; 1.137 căn nhà bị ngập nước; 8.036 ha cây trồng các loại bị ngập, nhiều gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi; 453m kênh mương bị sạt lở. Nhiều công trình công cộng khác bị hư hỏng nặng nề.
Chiều cùng ngày, mưa tạm ngưng nhưng tình hình lũ vẫn còn diễn biến khá phức tạp Lực lượng cứu hộ, cứ nạn của tỉnh đã di dời 3.164 hộ cùng 12.656 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Phú Yên ở cách Khánh Hòa bởi đèo Cả, cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết đã tìm được thi thể ông Phạm Đình Cư, sinh năm 1955, trú thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên), bị lũ làm lật thuyền, cuốn trôi vào trưa ngày 30/10.
Nhóm phóng viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét