Ông Trịnh Xuân Tùng, người bị viên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gãy cổ và chết trong bệnh viện, đã được chôn cất xong ngày 23/3/2011. Chúng tôi đã đến viếng và tiễn đưa ông về nơi an nghỉ.
Và, tôi sẽ phải viết lại điều này, một tội ác mà không mổ xẻ nguồn gốc tận căn, còn được nuông chiều thì sẽ còn có nhiều nguy cơ tồn tại và phát triển.
Chúng tôi đến Nhà tang lễ bệnh viên Thanh Nhàn cùng với đoàn giáo dân Hà Nội đến viếng xác kẻ chết. Khi đến nơi, đập vào mắt chúng tôi dọc đường đi và ngoài cổng cũng như trong sân nhà tang lễ là lực lượng công an, cảnh sát chìm, nổi hết sức đông đúc.
Những người bạn cùng đi với chúng tôi chỉ rõ cho tôi biết ai là công an, ai không phải là công an rất rành rẽ trong khi tôi cũng chẳng chú ý lắm đến điều này. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao anh biết ai là công an, ai không phải, họ đều mặc quần áo bình thường cả cơ mà?”. Anh bạn tôi trả lời: “Chỉ nhìn qua nét mặt, tôi chỉ chính xác cho ông đến 99%”. Thì ra là vậy, anh đoán rằng số công an có mặt vì đám tang này, chắc hẳn không phải là con số hàng chục.
Sau đoàn chúng tôi vào viếng là đoàn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Hà Nội do một Phó Giám đốc Công an dẫn đầu.
Tôi bảo anh bạn: “Họ đến nhiều cũng tốt thôi, ít nhất họ đến để chia sẻ với gia đình, với nạn nhân, vì dù sao gây nên cái chết này cũng chính là đồng đội của họ và khi họ chứng kiến nỗi đau của gia đình nạn nhân, chắc họ sẽ phải suy nghĩ để những hành động tương tự không lặp lại”.
Anh bạn tôi không nói gì, chỉ nhìn tôi cười rất mai mỉa sau câu nói của tôi.
Chúng tôi xếp hàng, vào thắp hương kính viếng hương hồn ông trước khi vĩnh biệt cõi đời, đọc mấy lời kinh cầu cho linh hồn ông dù ông không cùng tôn giáo thì ông cũng được mát mẻ hơn với sự chia sẻ của mọi người.
Di ảnh ông nhìn thẳng, trước linh cữu ông, tôi cứ nghĩ mãi về cuộc đời một con người đã vất vả với những năm tháng cống hiến cho đất nước trong quân ngũ, những năm tháng vất vả gây dựng gia đình sinh con và nuôi con ăn học, phải từ giã cõi đời khi mới tuổi 54 để lại chiếc lá vàng là mẹ già hơn 90 tuổi thiếu người nuôi dưỡng.
Những người đến dự đám tang, ngoài lực lượng công an đông đúc, số giáo dân đến từ các giáo xứ, giáo họ khá đông, khi chúng tôi viếng xong, một đoàn giáo dân khác lại tiếp tục đến viếng. Chúng tôi thấy ấm lòng hơn về tinh thần yêu thương đúng với giáo lý thương người của Chúa răn dạy.
Cách đây mấy hôm, một cán bộ an ninh sau nhiều lần điện thoại để gặp gỡ nhưng tôi bận bịu vì đi vắng, hai cán bộ đã đến nhà và khuyên tôi không đi đám tang và không viết về ông Tùng. Tôi có nói rằng: “Việc đi viếng xác kẻ chết thuộc về yêu cầu tôn giáo chúng tôi, không thể không đến khi có điều kiện. Còn viết, tôi chỉ viết sự thật mà thôi”. Và đến đây, tôi lại gặp những gương mặt này.
Cũng như những đám tang khác tại nhà tang lễ mà tôi đã nhiều lần đến tham dự tại đây, chỉ có điều trong điếu văn truy điệu do một người của nhà tang lễ đọc, thì cái chết được nêu lên là do tai nạn. Đúng là với ông Tùng, đó là một tai nạn, một điều ông không lường trước, nhưng có lẽ nguồn gốc cái tai nạn này, người ta muốn bỏ qua.
Cô Kim Tiến, con gái ông Tùng sau đám tang cho tôi biết qua điện thoại rằng: “Khi tổ chức, nhà tang lễ đề nghị để họ làm ban tổ chức và đọc điếu văn cho luôn, lẽ ra gia đình cháu phải duyệt điếu văn, nhưng tang gia bối rối nên không quản lý hết được. Đến khi đọc là tai nạn, cháu đã định phản ứng, nhưng trước giờ phút tiễn biệt bố cháu, cháu muốn để bố cháu được yên”.
Rồi đám tang bắt đầu đi, qua các phố Hà Nội, lượng công an dày đặc hiếm có, họ phân đường, hướng dẫn giao thông giải thoát cho đám tang hết sức tích cực và nhanh chóng làm những người đi đường ngơ ngác. Chắc hẳn chưa có đám tang nào được sự ưu tiên như đám này.
Đưa linh cữu về qua nhà ông ở 525 Trần Khát Chân, lượng người đông đúc đứng tham dự, đứng xem tràn ra vỉa hè, trên cầu vượt. Chiếc xe chầm chậm lăn và đến một đoạn ngắn thì một người (sau này tôi mới biết là công an), bảo người lái xe dừng lại.
Hầu như, việc dẫn đường, di chuyển đám tang, chỉ đạo những người mặc thường phục đến đây, đều do người này điều động.
Chuyện trên đường đưa đám
Đám tang di chuyển theo đường Đại Cồ Việt – Giải phóng và nhằm thẳng hướng Thường Tín. Dọc đường, bất cứ ngã ba, ngã tư nào đều có dày đặc cảnh sát giao thông, công an các loại và dân phòng nhiều vô kể. Họ chặn đường, giữ cho đám tang đi nhanh chóng. Nhiều người dân thấy lạ đứng nhìn theo và hỏi nhau mới biết là đám tang nạn nhân của viên công an.
Chiếc xe tang dẫn đầu, xe chở gia đình đi theo và sau đó là một đoàn xe con gồm 5 chiếc mà mọi người bảo là xe của công an, trong đó có chiếc xe nhìn mới tinh biển số 29A-000.67mà mọi người nói với tôi là đang chở Phó Giám đốc Công an đi cùng đến tận đường Giáp Bát. Bên cạnh là hàng loạt xe máy, thậm chí có nhiều xe chở nhau chẳng cần mũ bảo hiểm vẫn chạy song song. Xe chúng tôi đi sau cùng, chỉ trước một chiếc xe của cảnh sát giao thông.
Chúng tôi định tiễn chân ông một đoạn và đi về, nhưng những sự việc xảy ra sau đó đã không như tôi nghĩ buộc chúng tôi đi đến tận nơi.
Chúng tôi đang đi theo đoàn xe tang, bỗng nhiên những chiếc xe biển xanh số 33A-4789 , 31A-7592, 31C-6688 và chiếc xe biển trắng 29X-6969 chuyển vị trí.
Từ chỗ đi trước các xe đó chuyển sang đi sau và đi bên cạnh, riêng chiếc xe biển xanh mang biển số 33A-4789 đi phía trước liên tục chèn xe chúng tôi. Người bạn lái xe của chúng tôi đã hết sức bình tĩnh, nhưng dù đi nhanh, đi chậm, sang trái hay sang phải, chiếc xe biển xanh vẫn cứ lượn hình chữ chi để chặn đường, bất kể đó là đường vạch liền hay vạch đứt.
Lúc đầu chúng tôi hơi ngạc nhiên, nhưng qua mấy đoạn đường liên tục như vậy, chúng tôi hiểu rằng họ cố tình chèn chúng tôi bất chấp tai nạn và dòng người đi đường đông đúc.
Điều rất lạ, là những người ngồi trong những chiếc xe này là cán bộ công an hẳn hoi sao lại có những hành động như vậy trong khi đưa đám tang? Đến đây, chúng tôi hiểu rằng họ đến không phải để đưa tiễn người đã chết oan uổng vì chính đồng đội của họ.
Thậm chí, trên đường, họ là những người hoàn toàn gương mẫu trong việc vi phạm luật giao thông đường bộ. Chắc họ cho rằng mình là công an, nên bất chấp luật lệ đi đường, dù đường hẹp, vạch liền, họ vẫn cứ đè vạch không thương tiếc.
Một người bạn tôi nói đùa: “May hôm nay, Trung tá Nguyễn Văn Ninh đã bị bắt, nếu không thì tay lái xe này không khéo lại bị đánh gẫy cổ lần nữa”. Nhưng không phải thế, qua những đoạn đường có cảnh sát giao thông đứng dẫn đường, tất cả đều giơ tay chào rất trịnh trọng khi những chiếc xe này đi qua.
Khi không thể chèn được chúng tôi hơn nữa, đến ngã tư Văn Điển thì chiếc xe biển xanh ép hẳn xe chúng tôi vào lề đường và một cảnh sát xuất hiện ngay trước mũi xe chúng tôi, bên cạnh đó chiếc xe biển xanh 31C-6688 đã dừng lại đó từ trước, đằng sau, chiếc xe cảnh sát giao thông với còi hụ đã kịp tiến lên gần.
Chúng tôi dừng xe, viên cảnh sát giao thông nói: “Đề nghị đưa giấy tờ xe”. Chúng tôi hỏi: “Xe chúng tôi đang đi đám tang, không vi phạm luật lệ, lý do gì phải dừng lại?”. Anh ta không trả lời được, chỉ yêu cầu đưa giấy tờ xe mà không đưa ra bất cứ lý do gì.
Một cảnh sát khác đi đến bên cạnh bảo: “Nếu các bác đi đám tang thì các bác cứ đi”, lập tức viên cảnh sát giao thông này dùng cùi tay hất hất vào mạng sường người này làm anh chàng này ngơ ngác. Chúng tôi bảo: “Anh không cần phải huých anh kia làm gì. Anh vô cớ dừng xe chúng tôi mà không có lý do gì, trong khi chiếc xe biển xanh kia lượn vòng chữ chi cả chục cây số, chạy hoàn toàn vi phạm luật, anh không giữ, nghĩa là tại sao?”.
Anh ta không thể giải thích được, lúc đó, chiếc xe cảnh sát giao thông đến gần, chúng tôi yêu cầu nêu rõ lý do dừng xe chúng tôi đang đi đám tang khi chúng tôi không vi phạm bất cứ lý do nào. Chừng như đã đủ thời gian cho đoàn xe tang chạy được khá xa, anh cảnh sát này bảo chúng tôi cứ đi.
Chuyện nơi nghĩa trang
Chúng tôi đến nơi, thì xe tang đã dừng lại, gia đình đã chuẩn bị đưa người xấu số vào nghĩa trang bên đường. Những chiếc xe biển xanh, biển trắng nói trên đã đỗ lại bên đường.
Chúng tôi xuống xe để vào dự đám, một người trong chúng tôi gặp thanh niên lái chiếc xe biển xanh 33A-4789 đã chặn đầu chúng tôi và lượn chữ chi giữa đường bảo: “Này cháu, xe đi đám tang, tại sao lại lượn chặn xe chúng tôi như thế? Như vậy là vi phạm luật vừa nguy hiểm. Nhỡ xảy ra va quệt thì sao”. Người thanh niên này lúng túng và nói càn: “Cứ đi thế đấy, làm gì nhau, đâm được thì cứ đâm”.
Tôi thấy tên thanh niên này thật mất dạy, có phải nó ỷ vào nó là lái xe cho công an nên dám ngang nhiên thách thức và cậy thế như vậy không? Tôi hỏi: “Ai dạy cậu lái xe vi phạm luật lệ trắng trợn như thế? Cậu học lái xe ở đâu?” và đưa máy ảnh lên định ghi lại bằng chứng cụ thể.
Bất thình lình, một khuôn mặt rỗ đeo kính thò tay giật máy ảnh của tôi và nói: “Ai cho anh chụp ảnh cá nhân nó mà không xin phép?”. Tôi thoáng nghĩ vậy khi ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt tại khách sạn, báo chí đưa tin và chưng ảnh ông ấy lên mặt báo, lại còn ghi: Ảnh do cơ quan công an cung cấp, chắc cơ quan công an này khi chụp ảnh đã xin phép ông Cù Huy Hà Vũ chăng? Thì ra luật của ta là thế?
Khi anh ta giật máy ảnh, một nữ giáo dân đứng bên cạnh tôi ngay lập tức đã giằng tay anh ta lại, anh ta nhảy sang bên đường tàu nhìn lại.
Tôi hỏi: “Anh là ai”? Người này trả lời: “Tôi là anh của bọn nó”. Tôi nói: “Đây là người lái xe đã vi phạm pháp luật, chạy trên đường cố tình đánh võng chữ chi chặn xe chúng tôi rất dài suýt gây tai nạn, tôi ghi lại để làm bằng chứng. Anh là công an, anh ngồi trên xe đó mà để anh ta vi phạm như thế có được không?”
Thật bất ngờ, anh ta nhơn nhơn bảo rằng: “Được, được đấy anh làm được gì?”.
Tất cả mọi người đứng đó từ giáo dân đến những người bà con đưa tang cũng như người qua đường đều chưng hửng trước câu trả lời mà không ai có thể ngờ từ miệng một người công an như thế. Đến nước này thì Chí Phèo cũng phải gọi bằng cụ.
Anh ta bỏ đi, còn quay lại dằn thêm một câu: “Tôi nói với anh Vinh nhé, tôi chẳng lạ gì anh đâu”. Tôi cũng trả lời: “Thì tôi cũng có lạ gì anh đâu, dù anh mặc như thế tôi vẫn biết là công an, nhưng công an càng phải chấp hành luật pháp nghiêm túc”. Rồi chúng tôi đi vào đám tang.
Ra khỏi đám tang, chúng tôi được nghe một người kể lại rằng tay lái xe và một số công an đứng đó kể với nhau câu chuyện vừa qua và gọi anh kia là Hải và toan tính những trò gây tai nạn khác.
Nếu những hành vi vi phạm pháp luật như thế này, thói lộng hành, cậy quyền cậy chức để chà đạp lên pháp luật và coi rẻ sinh mạng con người còn tiếp tục được nuôi dưỡng, thì chắc sẽ còn nhiều trường hợp như ông Trịnh Xuân Tùng đã gặp phải.
Chúng tôi ra về, cứ nghĩ mãi về đám tang này.
Người chết đã chết, đã yên dưới ba tấc đất. Nhưng cái chết này hình như không để lại cho những người thừa hành công vụ mà chúng tôi đã gặp ở đây một chút suy nghĩ, một sự lay động lương tâm nào từ cái chết oan nghiệt đó.
Họ có còn lương tâm để dằn vặt nữa hay không?
Hà Nội, ngày 24/3/2011.
J.B Nguyễn Hữu Vinh