Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

BATTLE OF THE PARACEL ISLANDS (ARVN Navy Colonel Ngac Ha) Report of The Battle of The Paracel Islands

BATTLE OF THE PARACEL ISLANDS


The Documents of the Battle of The Paracel Islands

Source:
---

Tường Thuật Trận Hải Chiến Lịch Sử Hoàng Sa
Hà Văn Ngạc , C/N 2012/10

Lời Mở Đầu

http://ttv216.free.fr/images/BienDong/HaVanNgacDaiTaHQ.jpg

Ðại Tá Hà Văn Ngạc , Hải Ðội Trưởng Hải Ðội III Tuần Dương HQVNCH , người chỉ huy trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 , đã đột ngột từ trần tại Dallas , Texas vào ngày 12/02/1999 , hưởng thọ 64 tuổi . Trong suốt 10 năm trước đó , chúng tôi ( Chủ Biên Nguyệt San Đoàn Kết ) liên lạc rất thường xuyên với Ðại Tá Ngạc để yêu cầu ông viết về trận hải chiến Hoàng Sa , nhưng vì nhiều lý do , ông vẫn do dự . Mãi tới cuối năm 1998 , vào dịp Lễ Giáng Sinh , ông mới gửi tới Toà Soạn Nguyệt San Ðoàn Kết bài « Tường Thuật Về Trận Hải Chiến Hoàng Sa » do chính ông viết nhân dịp kỷ niệm 25 năm trận đánh lịch sử này . Ngoài ra , ông cũng đã cho phép chúng tôi phỏng vấn và cung cấp nhiều hình ảnh hiếm có cùng những chi tiết qúi báu về vị trí của các chiến hạm tham chiến để Toà Soạn có thể sửa lại các phóng đồ về trận hải chiến cho thêm chính xác . 
Ðúng 25 năm trước , vào mùa Xuân Giáp Dần năm 1974 , Hải Ðội Trưởng Hà Văn Ngạc đã anh dũng chỉ huy các chiến hạm Hải Quân VNCH chận đánh quân xâm lăng Trung Cộng tại Hoàng Sa . Giờ đây , hương linh chiến hữu Hà Văn Ngạc vừa trở lại với Hoàng Sa để tiếp tục bảo vệ chủ quyền chính đáng của Tổ Quốc Việt Nam tại Biển Ðông . 
Trần Ðỗ Cẩm  , Chủ Nhiệm Nguyệt San Ðoàn Kết , Austin Texas
* * *
Ðôi lời trước khi viết
Ðã 25 năm kể từ ngày tôi tham dự trận hải chiến Hoàng Sa , tôi chưa từng trình bầy hay viết mô tả lại về trận đánh này , ngay cả có nhiều lần tôi đã thất hứa với các bậc tiên sinh yêu cầu tôi thuật lại chi tiết của cuộc đụng độ . Dù thắng hay bại , chỉ có một điều duy nhứt không thể chối cãi được là các chiến hữu các cấp của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà trong trận hải chiến đã anh dũng chiến đấu bằng phương tiện và kinh nghiệm có trong tay để chống lại một kẻ xâm lăng truyền kiếp của dân tộc hầu bảo vệ lãnh thổ của Tổ Quốc . Trước một thù địch có sức mạnh gấp bội , dù cuộc chiến có hạn chế hay kéo dài hoặc mở rộng , phần cuối là chúng ta vẫn phải tạm lùi bước trước các cuộc cường tập của đối phương để tìm kiếm một cơ hội thuận tiện khác hầu khôi phục lại phần đất đã bị cưỡng chiếm .
Hôm nay nhân ngày Tết Kỷ Mão , tôi viết những giòng này để tưởng niệm anh linh các liệt sĩ đã hy sinh khi cùng tôi chiến đấu chống kẻ xâm lăng trên các mảnh đất xa vời của Quốc Tổ , một số đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển Hoàng Sa như để thêm một chứng tích lịch sử của chủ quyền quốc gia , một số khác đã bỏ mình trên biển cả khi tìm đường thoát khỏi sự tàn bạo của người phương Bắc .
Có nhiều chiến hữu Hải Quân đã từng hăng say viết lại một trang sử oai hùng của Hải Quân và toàn Quân Lực Việt Nam của nền Ðệ Nhị Cộng Hoà , nhưng đã thiếu sót nhiều chi tiết chính xác mà vào những năm trước 1975 chưa được phép phổ biến , và cũng vì phải lưu lạc khắp thế giới tự do nên các chiến hữu đó đã không thể liên lạc để tham khảo cùng tôi .
Nhiều chi tiết về giờ giấc và về vị trí bạn và địch , cũng như tên họ của các cấp có liên hệ tới biến cố , vì không có tài liệu truy lục , nên chỉ có thể viết vào khoảng gần đúng nhất . Tôi chỉ tường thuật trung thực những chi tiết theo khía cạnh của một người chỉ huy chiến thuật được biết và cũng mong mỏi các chiến hữu nào còn có thể nhớ chắc chắn các chi tiết quan trọng khác , tôi sẽ sẵn sàng tiếp nhận qua toà soạn này , để sửa lại tài liệu này cho đúng .
Đại Tá Hà Văn Ngạc
* * *
http://ttv216.free.fr/images/BienDong/NguyVanThaThTa.jpg
« Tân Xuân Giáp Dần Hoàng Sa chiến
Nam Ngư Hải Ngoại huyết lưu hồng »
Hai câu thơ với lối hành văn vận theo sấm Trạng Trình đã được truyền khẩu rất nhanh khi Hải đội Ðặc nhiệm Hoàng Sa trở về tới Ðà Nẵng vào sáng sớm ngày 20/04/1974 . Và câu thơ này do chính Hải Quân Ðại Tá Nguyễn Viết Tân ( thủ khoa Khoá 5 của tôi ) lúc đó đang giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải , đọc cho tôi nghe . Từ ngày đó tới nay đã đúng 25 năm , và do sự khuyến khích của các bậc thượng trưởng của Hải Quân Việt Nam , những chi tiết về diễn tiến chưa tùng tiết lộ của trận hải chiến cần được ghi lại để làm chứng liệu lịch sử .
Sau trận hải chiến , những ưu và khuyết điểm về chiến thuật và chiến lược của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà đến nay nếu nêu ra thì sẽ không còn một giá trị thực tiễn nào để có thể làm những bài học cho những biến cố kế tiếp . Vì vậy một vài điều nếu có nêu ra tại đây thì chỉ để ghi lại tình trạng và khả năng khi Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà khi đã phải đương đầu với Trung Cộng , là một quốc gia vào thời điểm đó , đã sẵn có một lực lượng hùng hậu về hải lục không quân gấp bội của Việt Nam Cộng Hoà . 
Một điểm hãnh diện cho Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà lúc bấy giờ là đã không những phải sát cánh với lực lượng bạn chống lại kẻ nội thù là Cộng Sản miền bắc trong nội địa , lại vừa phải bảo vệ những hải đảo xa xôi , mà lại còn phải chiến đấu chống kẻ xâm lăng , đã từng biết bao lần dầy xéo đất nước trong suốt lịch sử lập quốc và dành quyền độc lập của xứ sở . 
So sánh với các cuộc hành quân ngoại biên vào các năm 1970-1971 của Quân Lực VNCH sang đất Kampuchia va Hạ Lào , thì quân lực ta chỉ chiến đẵu ngang ngửa vơi Cộng Sản Việt Nam ẩn náu trên đất nước láng giềng mà thôi . Phải thành khẩn mà nhận rằng Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà ngoài nội thù còn phải chống ngoại xâm mà đã rất khó tiên liệu để chuẩn bị một cuộc chiến chống lại một lực lượng Hải Quân Trung Cộng tương đối dồi đào hơn cả chúng ta về phẩm cũng như lượng . Hải Quân Việt Nam ta đã có những gánh nặng về hành quân để yểm trợ lực lượng bạn và hành quân ngăn chận các vụ chuyển quân lén lút của Việt Cộng qua biên giới Miên Việt trong vùng sông ngòi cũng như các vụ tiếp tế quân dụng của chúng vào vùng duyên hải . 
Trước khi đi vào chi tiết của trận hải chiến lịch sử này , chúng ta thử nhắc sơ lược lại cấu trúc nhân su của thượng tầng chỉ huy và của các đơn vị tham chiến của Hải Quân vào lúc biến cố :

- Tư Lệnh Hải Quân : Ðề Ðốc Trần Văn Chơn
- Tư Lệnh Phó Hải Quân : Phó Ðề Ðốc Lâm Ngươn Tánh
- Tham mưu Trưởng Hải Quân : Phó Ðề Ðốc Diệp Quang Thuỷ
- Tư Lệnh Hạm Đội : HQ Ðại Tá Nguyễn Xuân Sơn
- Tư Lệnh HQ Vùng 1 Duyên Hải : Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại
- Chỉ Huy Trưởng Hải đội tuần dương : HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc , ( Hải đội 3 ) và là sĩ quan chỉ huy chiến thuật trận hải chiến .
- Hạm Trưởng Khu Trục Hạm HQ4 : HQ Trung Tá Vũ Hữu San
- Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm HQ5 : HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh
- Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm HQ16 : HQ Trung Tá Lê Văn Thự
- Trưởng Toán Hải Kích đổ bộ : HQ Ðại Uý Nguyễn Minh Cảnh .
- Hạm Trưởng Hộ tống hạm HQ10 : HQ Thiếu Tá Nguỵ Văn Thà tử chiến trong trận 01/1974 ( truy thăng HQ Trung Tá )
Lý do tôi đã có mặt tại Hoàng Sa
Rất nhiều chiến hữu trong Hải Quân đã không rõ nguyên cớ nào mà tôi đã có mặt để đích thân chỉ huy tại chỗ trận hải chiến Hoàng Sa . Sự có mặt của tôi bắt nguồn từ khi tôi được Hội đồng Ðô Đốc chỉ định tôi tăng phái cho Vùng I Duyên Hải khoảng từ cuối năm 1972 đầu 1973 . Lý do tăng phái của tôi đến Vùng I Duyên Hải tôi không được biết trước cho đến khi tôi tới Quân Khu 1 , tôi mới được biết nhiệm vụ chính của tôi là chuẩn bị một trận thư hùng giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Bắc Việt mà lúc đó , tin tình báo xác nhận là Cộng Sản đã được viện trợ các Cao Tốc Đĩnh loại Komar của Nga sô trang bị hoả tiễn hải hải ( surface to surface ) . Vào thời gian đó Hải Quân VNCH chỉ có khả năng chống đỡ thụ động loại vũ khí này . Cuộc hải chiến tiên liệu có thể xẩy ra khi lực lượng Hải Quân Cộng Sản tràn xuống để hỗ trợ cho quân bộ của chúng khi chúng muốn tái diễn cuộc cường tập xuất phát từ phía Bắc sông Bến Hải như vào ngày cuối tháng 03/1972 để khởi phát các cuộc tấn công suốt mùa Hè Đỏ Lửa 1972 . 
Tôi lưu lại Vùng I Duyên Hải chừng hai tuần lễ hầu nghiên cứu để thiết kế . Kế hoạch chính của cuộc hải chiến này là xử dụng nhiều chiến hạm và chiến đỉnh ( WPB và PCF ) để giảm bớt sự thiệt hại bằng cách trải nhiều mục tiêu trên mặt biển cùng một lúc . Song song với việc này là các chiến hạm và chiến đĩnh phải xử dụng đạn chiếu sáng và hoả pháo cầm tay như là một cách chống hoả tiễn thụ động . Ngoài ra Hải Quân cũng cần đặt ra sự yểm trợ của pháo binh của Quân Đoàn I để tác xạ ngăn chặn và tiêu diệt lực lượng Hải Quân Cộng Sản tại phía Bắc Cửa Việt trước khi họ tràn xuống phía Nam để đủ tầm phóng hoả tiễn . 
Sau khi đã thuyết trình tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải cùng các Chỉ Huy Trưởng các đơn vị duyên phòng và duyên đoàn , Tư Lệnh HQ Vùng I Duyên Hải chấp thuận kế hoạch và đưa kế hoạch lên thuyết trình tai Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I . Buổi thuyết trình tại BTL / Quân Đoàn I do đích thân Trung Tướng Ngô quang Trưởng chủ toạ , ngoài Tư Lệnh HQ Vùng I Duyên Hải còn có Ðại Tá Hà Mai ViệtTrưởng Phòng 3 Quân Đoàn , Ðại Tá Khiêu hữu Diêu , Ðại Tá Nguyễn Văn Chung Chỉ Huy Trưởng pháo binh Quân Đoàn và một số rất ít các sĩ quan phụ tá . Nhu cầu yểm trợ pháo binh cho cuộc hải chiến được chấp thuận ngay và Chỉ Huy Trưởng pháo binh Quân Đoàn hứa sẽ phối trí pháo binh , đặc biệt là pháo binh 175 ly để thoả mãn kế hoạch của Hải Quân , khi được yêu cầu . 
Kể từ khi được chỉ định tăng phái , tôi thường có mặt tai Vùng I Duyên Hải mỗi tháng chừng hai tuần tuỳ theo công việc của tôi tại Hải đội , nhưng chưa lần nào Bộ Tư Lệnh HQ , Bộ Tư Lệnh Hạm Đội hoặc Vùng I Duyên Hải chỉ thị tôi phải có mặt trong vùng . Khi có mặt tại vùng tôi thường tìm hiểu tình hình tổng quát tại Quân Khu I cũng như đi hoặc tháp tùng Tư Lệnh HQ Vùng I Duyên Hải thăm viếng các đơn vị lục quân bạn cấp sư đoàn , lữ đoàn hay trung đoàn . 
Trở lại trận hải chiến Hoàng Sa , vào khoảng ngày 11/01/1974 , chỉ khoảng vài ngày sau khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Kissinger rời Trung Cộng , thì đột nhiên Ngoại Trưởng Trung Cộng lại một lần nữa tuyên bố về chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng và Trường Sa . Tôi rất lưu ý tin này vì tôi đã chỉ huy công cuộc đặt quân trú phòng đầu tiên trên đảo Nam Yết vùng Trường Sa vào cuối mùa hè 1973 . Vài ngày sau , vì Ngoại Trưởng VNCH Vương Văn Bắc còn bận công cán ngoại quốc , thì phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao VNCH bác bỏ luận cứ của Trung Cộng và tái xác nhận một lần nữa chủ quyền của VNCH trên các quần đảo đó . 
Ngày 16/01/1974 , tôi từ Sài Gòn đi Vũng Tầu để chủ toạ lễ trao quyền chỉ huy Tuần Dương Hạm HQ5 Trần bình Trọng đang neo tại chỗ , cho tân Hạm Trưởng là Hải Quân Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh ( tôi không còn nhớ tên cựu Hạm Trưởng ) . Khi trở về Sài Gòn , lúc theo dõi bản tin tức hàng ngày của đài truyền hình thì thấy Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc hùng hồn và nghiêm trọng khi tuyên bố chủ quyền của VNCH trên 2 quần đảo Hoàng và Trường Sa . Tôi thấy có chuyện bất ổn có thể xẩy ra tại Vùng I Duyên Hải nhất là Việt Cộng có lẽ được Trung Cộng hỗ trợ tạo ra tình thế rắc rối ngoài hải đảo để thu hút lực lượng của Hải Quân Việt Nam , và đương nhiên Cộng Sản sẽ lợi dụng để tràn xuống dưới vĩ tuyến 17 như đã dự liệu . 
Nên sáng sớm ngày 17 , không kịp thông báo đến Tư Lệnh Hạm Đội ; tôi lên phi trưởng Tân Sơn Nhứt và đến thẳng ngay Trạm hàng không quân sự . Tôi gặp ngay một vị Thượng Sĩ Không Quân trưởng trạm và nói là tôi cần đi gấp ra Ðà Nẵng . Vị Thượng Sĩ trình với tôi là danh sách hành khách đã đầy đủ cho chuyến bay và giới thiệu tôi gặp vị Trung Uý Phi Công Trưởng phi cơ C130 . Sau khi trình bầy lý do khẩn cấp đi Ðà Nẵng của tôi , vị Phi Công Trưởng trang trọng mời tôi lên phi cơ ngồi vào ghế phụ trong phòng phi công . 
Ðến Ðà Nẵng khoảng 09 G sáng , tôi mới kêu điện thoại cho HQ Ðại Tá Nguyễn Hữu Xuân , Tư Lệnh Phó Vùng cho xe đón tôi tại phi trường . Ðến BTL/HQ Vùng I Duyên Hải tôi mới được biết chi tiết những gì đang xẩy ra tại Hoàng Sa , và được biết thêm là chiếc Tuần Dương Hạm HQ5 , mà tôi vừa chủ toạ trao quyền chỉ huy ngày hôm qua tại Vũng Tàu sẽ có mặt tại quân cảng vào buổi chiều tối cùng với biệt đội hải kích . 
Tư Lệnh HQ Vùng I Duyên Hải cũng cho tôi hay và giơ một tờ giấy nhỏ nói là ông có thủ bút của Tổng Thống vừa tới thăm bản doanh trước đây , nhưng tôi không hỏi về chi tiết cũng như xin xem thủ bút vì tôi nghĩ đó là chỉ thị riêng tư giữa Tổng Thống và một vị Tướng Lãnh . Vị Tư Lệnh này còn cho tôi hai chọn lựa : một là chỉ huy các chiến hạm ngay tại Bộ Tư Lệnh Vùng , hai là đích thân trên chiến hạm . Tôi đáp trình ngay là : Tôi sẽ đi theo các đơn vị của tôi . Từ ngày được thuyên chuyển về Hạm Đội , không như các vị tiền nhiệm , tôi thường xa Bộ chỉ huy để đi theo các chiến hạm trong công tác tuần dương . Mỗi chuyến công tác , sự hiện diện của tôi đã mang lại cho nhân viên chiến hạm niềm phấn khởi sau nhiều ngày phải xa căn cứ . Tôi thường lưu ý các vị Hạm Trưởng đến việc huấn huyện nội bộ hoặc thao dượt chiến thuật với chiến hạm khác khi được phép . 
Ðến khoảng buổi chiều thì Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải còn hỏi tôi có cần thêm gì , tôi trình xin thêm một chiến hạm nữa vì cần hai chiếc khi di chuyển trong trường hợp bị tấn công trên hải trình , chứ không phải vì số lượng chiến hạm Trung Cộng đang có mặt tại Hoàng Sa . Chiếc Hộ tống hạm ( PCE ) HQ10 Nhựt Tảo đựơc chỉ định xung vào Hải đoản đặc nhiệm , với lý do chính là chiếc Hộ tống hạm này đang tuần dương ngay khu vực cửa khẩu Ðà Nẵng nên giảm bớt thời gian di chuyển , chiến hạm chỉ có một máy chánh khiển dụng mà thôi . Ngoài ra vị Tư Lệnh HQ vùng còn tăng phái cho tôi HQ Thiếu Tá Toàn ( Ghi chú của Trần Ðỗ Cẩm : HQ Thiếu Tá Nguyễn Chí Toàn , Khoá 11 SQHQ / Nha Trang ) , mà tôi chưa biết khả năng nên trong suốt thời gian tăng phái tôi chỉ trao nhiệm vụ giữ liên lạc với các Bộ Tư Lệnh cho vị sĩ quan này . Tôi dùng cơm chiều gia đình cùng Tư Lệnh HQ Vùng tại tư thất trong khi chờ đợi Tuần Dương Hạm HQ5 tới . Sau bữa ăn , Tư Lệnh HQ Vùng đích thân đi bộ tiễn chân tôi ra cầu quân cảng . Sau trận chiến , vị Ðô Đốc này có thổ lộ cùng tôi là ông đã tưởng đó là bữa cơm cuối cùng của ông với tôi . Như vậy là trận hải chiến đã dự liệu là sẽ có thể xẩy ra , và chắc vị Ðô Đốc đã mật trình về Tư Lệnh Hải Quân thường có mặt tại Bộ Tư Lệnh . 
Tuần Dương Hạm HQ5 rời bến khoảng 09 : 00 tối và tôi trao nhiệm vụ đi tới Hoàng Sa cho Hạm Trưởng HQ5 là vị Hạm Trưởng thâm niên hơn ( Ghi chú của Trần Ðỗ Cẩm : HQ5 và HQ10 cùng đi Hoàng Sa , Hạm Trưởng HQ5 là Trung Tá Quỳnh thuộc khoá 11 SQHQ Nha Trang , thâm niên hơn Hạm Trưởng HQ10 là Thiếu Tá Thà thuộc khoá 12 SQHQ Nha Trang ) . Sự hiện diện của tôi trên chiến hạm này đã làm tân Hạm Trưởng , vừa nhậm chức 2 ngày trước , được vững tâm hơn vì chắc tân Hạm Trưởng chưa nắm vững được tình trạng chiến hạm cũng như nhân viên thuộc hạ . Các chiến hạm đều giữ im lặng vô tuyến ngoại trừ các báo cáo định kỳ về vị trí . 
Những diễn tiến ngày hôm trước trận hải chiến
Khoảng 08 hay 09 giờ sáng ngày 18 , hai chiến hạm HQ5 và HQ10 đã đến gần Hoàng Sa , và trong tầm âm thoại bằng máy VRC46 ( hậu thân của máy PRC25 nhưng với công xuất mạnh hơn ) để liên lạc bằng bạch văn , vì tầm hữu hiệu của máy chỉ ở trong vùng Hoàng Sa mà thôi , tôi nói chuyện với Hạm Trưởng HQ4 HQ Trung Tá Vũ hữu San , lúc đó đang là sĩ quan thâm niên hiện diện , để được am tường thêm tình hình cũng như thông báo về sự hiện diện của tôi , vừa là Chỉ Huy Trưởng Hải đội vừa là để thay thế quyền chỉ huy mọi hoạt dộng , theo đúng thủ tục ghi trong Hải quy . Sau khi được trình bầy chi tiết các diễn tiến , tôi có lời khen ngợi Hạm Trưởng này và chia sẻ những khó khăn mà vị này đã trải qua trong những ngày trước khi tôi có mặt tại vùng . 
Vào khoảng xế trưa , thì cả 4 chiến hạm ( Ghi chú của Trần Ðỗ Cẩm : HQ4 , HQ5 , HQ10 và HQ16 ) đều tập trung trong vùng lòng chảo của quần đảo Hoàng Sa và Hải Đoàn Đặc Nhiệm được thành hình . Nhóm chiến binh thuộc Tuần Dương Hạm HQ16 và Khu Trục Hạm HQ4 đã đổ bộ và trương quốc kỳ VNCH trên các đảo Cam Tuyền ( Robert ) , Vĩnh Lạc ( Money ) và Duy Mộng ( Drummond ) từ mấy ngày qua vẫn được giữ nguyên vi trí phòng thủ để giữ đảo . Sau khi quan sát các chiến hạm Trung Cộng lởn vởn phía Bắc đảo Quang Hoà ( Duncan ) , tôi quyết định ngay là Hải Đoàn sẽ phô trương lực lượng bằng một cuộc thao diễn chiến thuật tập đội để tiến về phía đảo Quang Hoà với hy vọng là có thể đổ bộ hải kích như các chiến hạm ta đã làm trước đây . Lúc này trời quang đãng , gió nhẹ và biển êm . Tất cả chiến hạm đều phải vào nhiệm sở tác chiến , nhưng các dàn hải pháo và vủ khí đại liên phải ở trong thế thao diễn . Khởi hành từ nam đảo Hoàng Sa để tiến về đảo Quang Hoà , 4 chiến hạm vào đội hình hàng dọc , dẫn đầu là Khu Trục Hạm HQ4 , theo sau là Tuần Dương Hạm HQ5 làm chuẩn hạm đã có trương hiệu kỳ hải đội , thứ ba là Tuần Dương Hạm HQ16 và sau cùng là Hộ tống hạm HQ10 , tốc độ chừng 6 gút , khoảng cách giữa các chiến hạm là hai lần khoảng cách tiêu chuẩn ( tức 1000 yard ) , phương tiện truyền tin là kỳ hiệu và quang hiệu , và âm thoại bằng VRC46 hoặc PRC25 chỉ xử dụng để tránh hiểu lầm ám hiệu vận chuyển chiến thuật mà thôi . 
Chừng nửa giờ sau khi Hải Đoàn vận chuyển vào đội hình hướng về phía đảo Quang Hoà thì hai chiến hạm Trung Cộng loại Kronstad mang số hiệu 271 và 274 bắt đầu phản ứng bằng cách vận chuyển chặn trước hướng đi của Hải Đoàn , nhưng Hải Đoàn vẫn giữ nguyên tốc độ , trong khi đó thì hai chiếc chiến hạm khác nhỏ hơn mang số 389 và 396 ( Ghi chú của Trần Ðỗ Cẩm : đây là hai trục lôi hạm tức là tầu vớt mìn loại T43 ) cùng 2 chiếc ngư thuyền nguỵ trang 402 và 407 ( Ghi chú của Trần Ðỗ Cẩm : ngư thuyền số 402 mang tên Nam Ngư ) của họ vẫn nằm nguyên vị trí sát bờ bắc đảo Quang Hoà . Tôi đã không chú tâm đến 2 chiếc chiến hạm nhỏ của địch vì cho rằng , hai chiếc này chỉ là loại phụ mà thôi ( sau này , khi sưu tầm tài liệu về trận hải chiến Hoàng Sa , HQ Thiếu Tá Trần Ðỗ Cẩm truy ra theo số hiệu là loại trục lôi hạm và chắc trang bị vũ khí nhẹ hơn ) còn hai chiếc tầu tiếp tế nguỵ trang như ngư thuyền thì không đáng kể . Hành động chận đường tiến của chiến hạm ta đã từng được họ xử dụng trong mấy ngày trước đây khi các chiến hạm ta đổ quân lên các đảo Cam tuyền , Vĩnh lạc và Duy mộng để xua quân của Trung Cộng rời đảo . Chiếc Kronstad 271 bắt đầu xin liên lạc bằng quang hiệu để xin liên lạc , Tuần Dương Hạm HQ5 trả lời thuận và nhận công điện bằng Anh ngữ :
- « These islands belong to the People Republic of China ( phần này tôi nhớ không chắc chắn ) since Ming dynasty STOP Nobody can deny » ( Phần này tôi nhớ rất kỹ vì tôi có phụ nhận quang hiệu ) .
Tôi cho gởi ngay một công điện khái quát như sau :
- « Please leave our territorial water immediately »  . 
Công điện của chiến hạm Trung Cộng được lập đi lập lại ít nhất 3 lần sau khi họ nhận được công điện của Hải Đoàn Đặc Nhiệm VNCH , và chiến hạm ta cũng tiếp tục chuyển lại công điện yêu cầu họ rời khỏi lãnh hải của VNCH . 
Vì 2 chiến hạm Kronstad Trung Cộng cố tình chặn đường tiến của Hải Đoàn Đặc Nhiệm với tốc độ khá cao , nếu Hải Đoàn tiếp tục tiến thêm thì rất có thể gây ra vụ đụng tầu , tôi đưa Hải Đoàn trở về phía Nam đảo Hoàng Sa và vẫn giữ tình trạng ứng trực cũng như theo dõi các chiến hạm Trung Cộng , họ cũng lại tiếp tục giữ vị trí như cũ tại phía Bắc và Tây Bắc đảo Quang Hoà . Sự xuất hiện thêm 2 chiến hạm của Hải Quân Việt Nam vào trong vùng chắc chắn đã được chiếc Kronstad 271 của Trung Cộng , được coi như chiến hạm chỉ huy , báo cáo về Tổng hành dinh của họ , và việc tăng viện có thể được coi như đã được chuẩn bị . 
Với hành động quyết liệt ngăn chặn ta không tiến được đến đảo Quang Hoà , tôi cho rằng họ muốn cố thủ đảo này . Việc đổ bộ quân để xua đuổi họ ra khỏi đảo , lúc đó tôi hy vọng , chỉ có thể phải thực hiện bất thần để tránh hành động ngăn chặn của họ và có lực lượng hải kích với trang phục người nhái , may ra họ có thể phải nhượng bộ , như Tuần Dương Hạm HQ16 và Khu Trục Hạm HQ4 đã thành công trong mấy ngày trước đó . Nếu họ tấn công thay vì nhượng bộ , Hải Đoàn Đặc Nhiệm buộc phải sẵn sàng chống trả . 
Vào khoảng 20 giờ tối , tôi yêu cầu Tuần Dương Hạm HQ16 chuyển phái đoàn công binh của Quân Đoàn I sang Tuần Dương Hạm HQ 5 bằng xuồng . Phái đoàn công binh Quân Đoàn I do Thiếu Tá Hồng hướng dẫn đã vào gặp tôi tại phòng ăn Sĩ quan có theo sau Ông Kosh thuộc cơ quan DAO Hoa Kỳ tại Ðà Nẵng . Tôi cho cả hai hay là tình hình sẽ khó tránh khỏi một cuộc đụng độ nên tôi không muốn các nhân viên không Hải Quân có mặt trên chiến hạm và tôi sẽ đưa họ lên đảo . Tôi cũng yêu cầu Tuần Dương Hạm HQ5 cấp cho tất cả một ít lưong khô . Riêng ông Kosh thì tôi yêu cầu Hạm Trưởng HQ5 đưa cho ông 1 bịch thuốc lá 10 bao Capstan . Tôi tiễn chân tất cả phái đoàn xuống xuồng và vẫy tay chào họ khi xuồng bắt đầu hướng về đảo Hoàng Sa . Kể từ giờ phút đó tới nay tôi không có dịp nào gặp lại ông Kosh để thăm hỏi ông và yêu cầu ông cho trả lại Tuần Dương Hạm HQ5 bịch thuốc lá Capstan vì thuốc lá này thuộc quân tiếp vụ của chiến hạm xuất ra ứng trước . Riêng Thiếu Tá Hồng thì tôi đã có dịp thăm hỏi ông tại Los Angeles vào năm 1996 , cũng theo lời ông thì ông đã viết xong vào trước năm 1975 , một cuốn ký sự về thời gian bị bắt làm tù binh trong lục dịa Trung Hoa nhưng không được Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị cho xuất bản vì chưa phải lúc thuận tiện . 
Vào khoảng 22 giờ tối , tôi trực tiếp nói chuyện bằng vô tuyến với tất cả Hạm Trưởng để cho hay là tình hình sẽ khó tránh được một cuộc đụng độ , và yêu cầu các vị này chuẩn bị các chiến hạm và huy động tinh thần nhân viên để sẵn sàng chiến đấu . Tôi biết rõ cuộc chiến nếu xẩy ra thì tất cả nhân viên đều không đủ kinh nghiệm cho các cuộc hải chiến , vì từ lâu các chiến hạm chỉ chú tâm và đã thuần thuộc trong công tác tuần dương ngăn chặn hoặc yểm trợ hải pháo mà thôi , nếu có những nhân viên đã phục vụ trong các giang đoàn tại các vùng sông ngòi thì họ chỉ có những kinh nghiệm về chiến đấu chống các mục tiêu trên bờ và với vũ khí tương đối nhẹ hơn và dễ dàng trấn áp đối phương bằng hoả lực hùng hậu . 
Vào khoảng 23 giờ tối ngày 18 , một lệnh hành quân , tôi không còn nhớ được xuất xứ , có thể là của Vùng I Duyên Hải , được chuyển mã hoá trên băng tần SSB ( single side band ) ( Ghi chú của Trần Ðỗ Cẩm : đây là công điện Mật/Khẩn chiến dịch mang số 50 356 , nhóm ngày giờ 180020H/01/74 do BTL/HQ/V1ZH gửi với tiêu đề : Lệnh Hành Quân Hoàng Sa 1 ) . Lệnh hành quân vừa được nhận vừa mã dịch ngay nên không bị chậm trễ , và lệnh này ghi rõ quan niệm hành quân như sau : tái chiếm một cách hoà bình đảo Quang Hoà . Lệnh hành quân cũng không ghi tình hình địch và lực lượng trừ bị nhưng những kinh nghiệm từ trước tới nay nhất là trong hai năm tôi đảm nhận trách vụ Tham mưu phó hành quân tại BTL/HQ , tôi dự đoán Trung Cộng , vì đã thiết lập một căn cứ tiền phưong tại đảo Phú lâm thuộc nhóm Tuyên đức nằm về phía đông bắc đảo Hoàng Sa sát vĩ tuyến 17 , nên họ đã có thể đã phối trí tại đây lực lượng trừ bị , và hơn nữa trên đảo Hải Nam còn có một căn cứ Hải Quân rất lớn và một không lực hùng hậu với các phi cơ MIG 19 và 21 với khoảng cách gần hơn là từ Ðà Nẵng ra . Việc Trung Cộng lấn chiếm những đảo không có quân trú phòng của ta trong vùng Hoàng Sa , đã phải được họ chuẩn bị và thiết kế chu đáo từ lâu trước khi tái tuyên bố chủ quyền . Trong khi đó việc Hải Quân VNCH phát hiện sự hiện diện của họ chỉ có từ khi Tuần Dương Hạm HQ16 được lệnh đến thăm viếng định kỳ và chở theo phái đoàn công binh Quân Đoàn I ra thám sát đảo để dự kiến việc thiết lập một phi đạo ngắn . 
Ngay sau khi hoàn tất nhận lệnh hành quân , tôi chia Hải Đoàn thành hai phân đoàn đặc nhiệm : Phân đoàn I là nỗ lực chính gồm Khu Trục Hạm HQ4 và Tuần Dương Hạm HQ5 do Hạm Trưởng Khu Trục Hạm HQ4 chỉ huy ; Phân đoàn II là nỗ lực phụ gồm Tuần Dương Hạm HQ16 và Hộ tống hạm HQ10 do Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm HQ16 chỉ huy . Nhiệm vụ là phân đoàn II giữ nguyên vị trí trong lòng chảo Hoàng Sa để tiến về đảo Quang Hoà vào buổi sáng . Phân đoàn I khởi hành vào 12 : 00 đêm đi bọc về phía tây rồi xuống phía Nam sẽ có mặt tại nam đảo Quang Hoà vào 06 : 00 sáng ngày hôm sau tức là ngày 19 để đổ bộ biệt đội hải kích . Phân đoàn I phải đi bọc ra phía tây quần đảo thay vì đi thẩng từ đảo Hoàng Sa xuống đảo Quang Hoà là để tránh việc các chiến hạm Trung Cộng có thể lại vận chuyển ngăn chặn đường tiến của chiến hạm như họ đã làm vào buổi chiều , vả lại việc hải hành tập đội về đêm trong vùng có bãi cạn và đá ngầm có thể gây trở ngại cho các chiến hạm , nhất là Khu Trục Hạm còn có bồn SONAR ( máy dò tiềm thuỷ đĩnh ) , hy vọng hải trình như vậy sẽ tạo được yếu tố bất ngờ . Hơn nữa về mùa gió đông bắc , việc đổ bộ vào phía tây nam sẽ tránh được sóng biển cho xuồng bè . Nên ghi nhận tại điểm này là kể từ năm 1973 , toán cố vấn HQ Hoa Kỳ tại Hạm Đội mà trưởng toán là HQ Ðại Tá Hamn ( tên họ ) đã nhiều lần yêu cầu tháo gỡ máy Sonar trên các Khu Trục Hạm . Phó Ðề Ðốc Nguyễn thành Châu ( lúc đó còn mang cấp HQ Ðại Tá ) Tư Lệnh Hạm Đội đã trao nhiệm vụ cho tôi thuyết phục họ giữ máy lại để dùng vào việc huấn luyện . Mãi đến khi HQ Ðại Tá Nguyễn xuân Sơn nhận chức Tư Lệnh Hạm Đội một thời gian , tôi vẫn tiếp tục liên lạc với toán cố vấn , và sau cùng họ mới bằng lòng giữ máy lại với tính cách để huấn luyện . Thực ra một Khu Trục Hạm mà thiếu máy thám xuất tiềm thuỷ đĩnh thì khả năng tuần thám và tấn công sẽ giảm đi nhiều . 
Diễn tiến trận hải chiến ngày 19/01/1974
http://ttv216.free.fr/images/BienDong/HaiChienHoangSa.jpg
Sơ đồ điều quân của trận hải chiến Hoàng Sa quanh hai đảo Duy Mộng và Quang Hoà Đông ( chữ Hán là ghi chú của phía Trung Cộng , vị trí chiến hạm TC khá phù hợp với thực tế ) .Sơ đồ này dựa theo các vị trí trong Phúc trình Hành Quân Hoàng Sa của Soái hạm HQ 5 có chữ ký và đóng dấu của HQ Trung Tá Pham Trọng Quỳnh . 

Ðúng 06 sáng ngày 19 , trời vừa mờ sáng , Phân đoàn I đã có mặt tại Tây Nam đảo Quang Hoà , thuỷ triều lớn , tầm quan sát trong vòng 1,50 đến non 2,00 hải lý , trời có ít mây thấp nhưng không mưa , gió Đông Bắc thổi nhẹ , biển tương đối êm tuy có sóng ngầm . Phân đoàn I tiến sát đảo khoảng hơn 1 hải lý , Tuần Dương Hạm HQ5 nằm gần bờ hơn một chút để thuận tiện đổ bộ hải kích . Hai chiếc Kronstad 271 và 274 bị bất ngờ rõ rệt nên thấy họ đã vận chuyển lúng túng và không thực hiện được hành động ngăn cản như họ đã từng làm vào chiền hôm trước . Tôi cũng bị bất ngờ là hai chiếc chủ lực địch lại có mặt cùng một nơi để sẵn sàng đối đầu mà tôi không phải tìm kiếm họ , như tôi đã coi họ như là muc tiêu chính . Họ đã phải luồn ra khỏi khu lòng chảo vào ban đêm , nhưng không hiểu là họ có theo dõi được đuờng tiến quân của Phân đoàn I hay không . Vào giờ này thì họ đã phải biết rõ là Tuần Dương Hạm HQ5 là chiến hạm chỉ huy của ta và cũng đã phải biết được hoả lực của chiếc Khu Trục Hạm . 
Biệt đội hải kích do HQ Ðại Uý Nguyễn Minh Cảnh chỉ huy đã được tôi chỉ thị là không được nổ súng và lên bờ yên cầu toán quân của họ rời đảo . Trong biệt đội này có một chiến sĩ hải kích Ðỗ Văn Long và luôn cả HQ Ðại Uý Nguyễn Minh Cảnh là những chiến sĩ đã tham dự cuộc hành quân đầu tiên Trần hưng Ðạo 22 ( nếu tôi không lầm ) cũng do tôi chỉ huy để xây cất doanh trại và đặt quân trú phòng đầu tiên trên đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa vào cuối mùa Hè năm 1973 . 
Một lần nữa , khi biệt đội hải kích xuồng xuồng cao su , tôi đích thân ra cầu thang căn dặn và nhấn mạnh về việc đổ bộ mà không được nổ súng , và khi bắt liên lạc được với họ thì yêu cầu họ rời khỏi đảo . 
Tôi không chắc là cuộc đổ bộ sẽ thành công vì quân Trung Cộng trên đảo đã phải tổ chức bố phòng cẩn mật tiếp theo sự thất bại của họ trên các đảo khác đã nói ở trên , trong khi đó biệt đội hải kích lại không có được hoả lực chuẩn bị bãi đổ bộ . Một lần nữa tôi lại chỉ thị cho các Hạm Trưởng chuẩn bị để chiến đấu . Nếu cuộc đổ bộ thất bại thì với hoả lực của 2 khẩu 76 ly tự động trên Khu Trục Hạm HQ4 , một chiến hạm chủ lực của Hải Đoàn đăc nhiệm , sẽ có đủ khả năng loại ít nhất là hai chiến hạm chủ lực Trung Cộng ra khỏi vòng chiến không mấy khó khăn , còn quân bộ của Trung Cộng trên đảo thì tôi tin chỉ là một mục tiêu thanh toán sau cùng . Tôi còn có ý định là sẽ điều động chiếc Khu Trục Hạm vượt vùng hơi cạn trực chỉ hướng bắc vào thẳng vùng lòng chảo để tăng cường cho Phân Đoàn II nếu cần sau khi đã loại xong 2 chiếc Kronstad mà tôi luôn luôn cho là mục tiên chính . Tôi rất vững lòng vào hoả lực của chiến hạm chủ lực vì tôi đã được tường trình đầy đủ về khả năng của hải pháo 76 ly tự động khi Khu Trục Hạm này yểm trợ hải pháo tại vùng Sa huỳnh trong nhiệm kỳ Hạm Trưởng của HQ Trung Tá Nguyễn Quang Tộ . 
Biệt đội hải kích tiến vào đảo bằng 2 xuồng cao su , từ chiến hạm ta , việc quan sát sự bố phòng của Trung Cộng trên đảo không được rõ ràng . Các chiến hạm Trung Cộng cũng không có phản ứng gì đối với xuồng của hải kích . Theo báo cáo của Biệt đội trưởng hải kích thì chiến sĩ hải kích Ðỗ Văn Long là người đầu tiên tiến vào đảo và vừa nổ súng vừa tiến vào trong nên đã bị hoả lực trong bờ bắn tử thương ngay tại bãi biển . HQ Trung Uý Lê văn Ðơn ( xuất thân từ bộ binh ) tiến vào để thâu hồi tử thi của liệt sĩ Long cũng lại bị tử thương ngay gần xuồng nên tử thi vị sĩ quan này được thâu hồi ngay . Việc thất bại đổ bộ được báo cáo ngay về Bộ Tư Lệnh HQ Vùng I Duyên Hải và chừng ít phút sau đó ( vào khoảng 0930 sáng ) thì đích thân Tư Lệnh HQ VNCH hay Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải ra lệnh vắn tắt có hai chữ : « khai hoả » bằng bạch văn cho Hải Đoàn Đặc Nhiệm và không có chi tiết gì khác hơn . Tôi nhận biết được khẩu lệnh trên băng siêu tần số SSB ( single side band ) không phải là của nhân viên vô tuyến mà phải là của cấp Ðô Đốc , nhưng từ đó đến nay tôi vẫn tin rằng là của Tư Lệnh Hải Quân mà tôi đã quen thuộc giọng nói , nên tôi đã không kiểm chứng thêm về sau . Tôi trở nên yên tâm hơn vì khẩu lệnh khai hoả đã giải toả trách nhiệm của tôi ghi trong phần quan niệm của lệnh hành quân là tái chiếm một cách hoà bình . Tôi đích thân vào máy siêu tần số trình ngay là chưa có thể khai hoả được vì phải chờ triệt thối Biệt đội hải kích về chiến hạm , họ còn trên mặt biển và ở vào vị thế rất nguy hiểm . Riêng tử thi của liệt sĩ hải kích Ðỗ Văn Long tôi lệnh không cho vào lấy vì có thể gây thêm thương vong . Tôi tin rằng tử thi của Liệt Sĩ Long sẽ không khó khăn để thâu hồi khi toán quân bộ Trung Cộng được tiêu diệt sau đợt các chiến hạm của họ bị loại hoàn toàn khỏi vòng chiến . 
Vào khoảng gần 10 giờ sáng , biệt đội hải kích được hoàn tất thu hồi về Tuần Dương Hạm HQ5 với HQ Trung Uý Lê Văn Ðơn tử thương . Trong khi đó thì tôi chỉ thị cho các chiến hạm chuẩn bị tấn công , mỗi chiến hạm tấn công một chiến hạm địch , và bám sát địch trong tầm hải pháo 40 ly ( khoảng 3 cây số ) , vì loại hải pháo này có nhịp tác xạ cao , dễ điều chỉnh và xoay hướng nhanh hơn . Tôi không tin tưởng nhiều vào hải pháo 127 ly và khả năng điều khiển chính xác của nhân viên vì hải pháo chỉ có thể tác xạ từng phát một , nạp đạn nặng nề và chậm xoay hướng nên tốt hơn là trực xạ . 
Tất cả các chiến hạm phải cùng khai hoả một lúc theo lệnh khai hoả của tôi để tạo sự bất ngờ và sẽ gây thiệt hại trước cho các chiến hạm Trung Cộng . Vì tầm quan sát còn rất hạn chế , nên từ Tuần Dương Hạm HQ5 không quan sát được Tuần Dương Hạm HQ16 và Hộ tống hạm HQ10 cũng như hai chiến hạm khác và hai ngư thuyền nguỵ trang của Trung Cộng nên tôi không rõ các chiến hạm này bám sát các chiến hạm Trung Cộng được bao nhiêu , nhưng tôi đã tin rằng Phân Đoàn II không có bận tâm về việc đổ bộ nên có nhiều thì giờ hơn để thi hành kế hoạch tấn công và sẽ dễ dàng chế ngự được hai chiến hạm phụ của địch cùng hai ngư thuyền . Riêng Tuần Dương Hạm HQ5 và Khu Trục Hạm HQ4 đã nghiêm chỉnh thi hành lệnh . Trước khi ban hành lệnh khai hoả tôi lần nữa hỏi các chiến hạm đã sẵn sàng chưa và nhấn mạnh một lần nữa là phải khai hoả đồng loạt để đạt yếu tố bất ngờ . Các Hạm Trưởng đích thân trên máy VRC46 lần lượt báo cáo sẵn sàng . Tôi rất phấn khởi vì giờ tấn công hoàn toàn do tôi tự do quyết định , không phải lệ thuộc vào lệnh của thượng cấp và vào ý đồ chiến thuật của địch . Ðịch lúc này đã tỏ ra không có một ý định gì cản trở hay tấn công chiến hạm ta . 
Hải Quân Ðại Tá Ðỗ Kiểm , Tham Mưu Phó Hành Quân tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân còn đặc biệt cho tôi hay là có chiến hạm bạn ở gần , nhưng với sự hiểu biết của tôi , tôi không có một chút tin tưởng gì vào đồng mình này vì kể từ tháng 02/1972 khi Hoa Kỳ và Trung Cộng đã chấm dứt sự thù nghịch nên Hải Quân của họ sẽ không một lý do gì lại tham dự vào việc hỗ trợ Hải Quân Việt Nam trong vụ tranh chấp về lãnh thổ . Hoạ chăng họ có thể cứu vớt những người sống sót nếu các chiến hạm HQVN lâm nạn . Nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc tìm kiếm những nhân viên từ Hộ Tống Hạm HQ10 và các toán đã đổ bộ lên trấn giữ các đảo đã đào thoát để trở về đất liền , chúng ta không nhận thấy một hành động nhân đạo nào từ phía đồng minh kể cả của phi cơ không tuần . 
Khoảng 1024 sáng thì lệnh khai hoả tấn công được ban hành và tôi vào trung tâm chiến báo trực tiếp báo cáo bằng máy siêu tần số SSB , tôi đã cố ý giữ ống nói sau khi tôi chấm dứt báo cáo để tiếng nổ của hải pháo cũng được truyền đi trên hệ thống này . Cuộc khai hoả tấn công đã đạt được yếu tố bất ngờ cho các chiến hạm địch vì tôi cho rằng họ vẫn tin là các hành động của chiến hạm cũng tương tự như trong những vài ngày trước , khi Hải Quân Việt Nam đổ quân trên các đảo Cam tuyền , Vĩnh Lạc và Duy Mộng và nhất là cuộc phô diễn lực lượng của Hải Đoàn Đặc Nhiệm ngày hôm trước Hải Quân Việt Nam đã không có một hành dộng khiêu khích nào , mà còn chấp thuận giữ liên lạc bằng quang hiệu . 
Chiếc Kronstad 271 nằm về hướng tây gần đảo Quang Hoà , hướng mũi về phía tây là mục tiêu của Tuần Dương Hạm HQ5 đang hướng mũi vào bờ tức là phía đông , đặt mục tiêu về phía tả hạm ( tức là phía Bắc ) . Chiếc này bị trúng đạn ngay từ phút đầu , vận chuyển rất chậm chạp nên đã là mục tiêu rất tốt cho Tuần Dương Hạm HQ5 . Hoả lực của chiếc Kronstad 271 này không gây nhiều thiệt hại cho Tuần Dương Hạm HQ5 , nhưng có thể đã gây thiệt hại nặng cho Hộ tống hạm HQ10 nằm về phía Bắc . Khu Trục Hạm HQ4 nằm về phía tây nam của Tuần Dương Hạm HQ5 đặt mục tiêu là chiếc Kronstad 274 nằm về phía Bắc tức là tả hạm của chiến hạm . Nhưng chẳng may , HQ4 báo cáo bị trở ngại tác xạ ngay từ phút đầu tiên và phải chờ sửa chữa . Việc này đã làm đảo lộn các dự tính của tôi và làm tôi bối rối . Sau vài phút thì chiến hạm này xin bắn thử và kết quả là vẫn bị trở ngại và cần tiếp tục sửa chữa thêm , nhưng tôi vẫn còn chút hy vọng . Khu Trục Hạm HQ4 vài phút sau lại xin tác xạ thử lần thứ ba nhưng vẫn không có kết quả , tuy nhiên chiến hạm này vẫn phải tiếp tục bám sát mục tiêu của mình trong tầm các loại đại liên nên đã bị thiệt hại nhiều bởi hoả lực của chiếc Kronstad 274 , và đại liên đã không áp đảo được hoả lực của địch . 
Trên Tuần Dương Hạm HQ5 , tôi xử dụng chiếc máy PRC 25 trước ghế Hạm Trưởng bên hữu hạm của đài chỉ huy để liên lạc với các chiến hạm , tôi vừa rời ghế để ra ngoài quan sát hai phía thì một trái đạn loại nổ mạnh gây một lỗ lủng khoảng nửa thước đường kính và làm nát máy PRC25 , nên từ phút này trở đi tôi phải vào tận Trung tâm chiến báo để dùng máy VRC46 . Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm HQ5 đứng cạnh đài chỉ huy bên tả hạm với sĩ quan hải pháo để dễ quan sát mục tiêu được chỉ định , nên tôi thường nói trực tiếp với Hạm Trưởng tại nơi này . Trung tâm chiến báo của chiến hạm này chỉ quen thuộc dùng radar vào việc hải hành , vả lại trời mù , mây thấp , radar có nhiều nhiễu xạ nên tôi không được rõ về vị trí của Phân Đoàn II và các chiến hạm của địch còn nằm trong khu lòng chảo Hoàng Sa .
Sau chừng 15 phút thì Tuần Dương Hạm HQ16 báo cáo là bị trúng đạn hầm máy , tầu bị nghiêng nên khả năng vận chuyển giảm sút , buộc phải lui ra ngoài vòng chiến để sửa chữa và cũng không còn liên lạc được với Hộ Tống Hạm HQ10 , không biết rõ tình trạng và chỉ thấy nhân viên đang đào thoát . Tôi nhận thấy một Tuần Dương Hạm đã vận chuyển nặng nề mà chỉ còn một máy và bị nghiêng , nếu tiếp tục chiến đấu thì sẽ là một mục tiêu tốt cho địch , nên tôi đã không ra phản lệnh . Khu Trục Hạm HQ4 đã bị thiệt hại nhiều sau khi phải bám sát chiến hạm địch trong tầm đại liên , nên tôi ra lệnh cho Khu Trục Hạm HQ4 phải rút ra khỏi vòng chiến ngay và chỉ thị cho Tuần Dương Hạm HQ5 yểm trợ cho chiếc này khi tiến ra xa , vì tất nhiên Hải đội đặc nhiệm không thể để bị thiệt hại một Khu Trục Hạm mà Hải Quân VNCH chỉ có tổng cộng 2 chiếc mà thôi . 
Khi Khu Trục Hạm HQ4 ra khỏi vùng chiến , lại không bị chiếc Kronstad 274 truy kích hoặc tác xạ đuổi theo , ngược lại chiếc này của địch có phần rảnh tay hơn để tấn công Tuần Dương Hạm HQ5 vào phía hữu hạm hầu giảm bớt hoả lực của chiến hạm ta như để cứu vãn chiếc 271 đang bị tê liệt . Vào giờ này thì tin tức từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân tại Sài Gòn do chính Tham mưu phó hành quân cho hay là một phi đội khu trục cơ F5 đã cất cánh để yểm trợ cho Hải Đoàn Đặc Nhiệm . Do sự liên lạc từ trước với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn I Không Quân tại Ðà Nẵng , tôi hiểu là phi cơ F5 chỉ có thể yểm trợ trong vòng 5 tới 15 phút mà thôi vì khoảng cách từ Ðà Nẵng tới Hoàng Sa quá xa so với nhiên liệu dự trữ . Tôi vẫn tin rằng loan tin việc phi cơ cất cánh , Bô Tư Lệnh Hải Quân đã cho rằng tin này có thể làm cho tôi vững tâm chiến đấu . Một điều nữa là từ trước tới giờ phút đó tôi chưa được thấy có cuộc thao dượt hỗn hợp nào giữa Không Quân và Hải Quân nên tôi rất lo âu về sự nhận dạng của phi công để phân biệt giữa chiến hạm của Hải Quân Việt Nam và chiến hạm Trung Cộng , nhất là lúc có mây mù thấp , nên phi cơ có thể gây tác xạ nhầm mục tiêu . Máy VRC 46 trong Trung tâm chiến báo phải chuyển sang tần số không hải và đích thân tôi dùng danh hiệu để bắt liên lạc với phi cơ . Một viên đạn xuyên nổ trúng ngay Trung tâm chiến báo từ hữu hạm , sát gần ngay nơi tôi đứng , làm trung tâm bị phát hoả . Các nhân viên trong trung tâm còn mải núp sau bàn hải đồ thì tôi nhanh tay với một bình cứu hoả gần chỗ tôi đứng dập tắt ngay ngọn lửa . Tôi bị té ngã vì vấp chân vào bàn hải đồ , bàn chân trái bị đau mất vài ngày . Tôi vẫn vẫn tiếp tục liên lạc với phi cơ nhưng sau chừng 5 tới 10 phút vẫn không thấy đáp ứng nên tôi phải ngưng và chuyển tần số về liên lạc với các chiến hạm khác vì cuộc giao tranh đã đến độ khốc liệt hơn . Sau phút này thì Tuần Dương Hạm HQ5 bị trúng nhiều đạn làm sĩ quan trưởng khẩu 127 ly tử thương và hải pháo bị bất khiển dụng vì phần điện điều khiển pháo tháp tê liệt , và máy siêu tần sớ SSB không còn liên lạc được vì giây trời bị sập rớt xuống sàn tầu , hiệu kỳ hải dội bị rách nát phần đuôi . Tôi ra ngoài quan sát phía tả hạm và được nghe báo cáo là hầm đạm phát hoả . Tôi nói ngay với Hạm Trưởng là cằn phải làm ngập hầm đạn . Khẩu hải pháo 40 ly đơn tả hạm bị bất khiển dụng vì bị trúng đạn vào khối nạp đạn và khẩu 40 ly hữu hạm bị hư hại nhẹ . Tôi yêu cầu Hạm Trưởng là chỉ nên cho tác xạ từng viên mà thôi , vì nhu cầu phòng không rất có thể xẩy ra trong một thời gian ngắn . 
Bất thần về phía Đông vào khoảng 1125 giờ sáng cách xa chừng 8 đến 10 hải lý , xuất hiện một chiến hạm của Trung Cộng loại có trang bị mỗi bên một dàn phóng kép hoả tiễn loại hải hải ( Ghi chú của Trần Ðỗ Cẩm : đây là loại khinh tốc đĩnh Komar ) đang tiến vào vùng giao tranh với một tốc độ cao , quan sát được bằng mắt viễn kính và không một chiến hạm nào báo cáo khám phá được bằng radar từ xa . Tôi dự đoán loại chiến hạm này ít khi được điều động từng chiếc một , và tin là có thể thêm ít nhất một chiếc theo sau . Với tình trạng của Hải Đội Đăc Nhiệm : 1 Hộ Tống Hạm bị loại khỏi vòng chiến ; 1 Tuần Dương Hạm bị thương nơi hầm máy ; 1 Khu Trục Hạm và 1 Tuần Dương Hạm chỉ còn hoả lực rất hạn chế ; cộng với nguy cơ bị tấn công bằng cả hoả tiễn hải hải cũng như bằng phi cơ rất có thể xẩy ra , nên tôi triệt thoái phần còn lại của lực lượng là Khu Trục Hạm HQ4 và Tuần Dương Hạm HQ5 ra khỏi vùng Hoàng Sa tiến hướng Đông Nam về phía Subic Bay ( Hải Quân công xưởng của Hoa Kỳ tại Phi luật tân ) . Tôi cũng cầu nguyện Ðức Thánh Trần , Thánh Tổ của Hải Quân VNCH ban cho tôi một trận mưa để giảm tầm quan sát và khả năng tấn công của phi cơ địch . Sau khi hai chiến hạm còn lại rút ra khỏi vùng giao tranh chừng 10 phút thì một trận mưa nhẹ đã đổ xuống toàn vùng quần đảo Hoàng Sa . Các chiến hạm ta đã không bị truy kích và phi cơ địch cũng chưa xuất hiện . Mục đích tôi hướng về phía Đông Nam là để tránh bị phục kích của tiềm thuỷ đĩnh Trung Cộng tại hải trình Hoàng Sa Ðà Nẵng , và khi ra ngoài xa lãnh hải thì nếu còn bị tấn công bằng phi cơ hoặc tiềm thuỷ đĩnh thì may ra đồng minh Hải Quân Hoa Kỳ có thể cấp cứu chúng tôi dễ dàng hơn theo tinh thần cấp cứu hàng hải quốc tế . Nếu chúng tôi không còn bị tấn công thì việc đến Subic Bay Phi Luật tân để xin sửa chữa trước khi hồi hương là một điều khả dĩ được thượng cấp chấp thuận . 
Tuần Dương Hạm HQ5 phải mất gần một giờ mới kéo lên được giây trời khẩn cấp để tái lập sự liên lạc bằng máy siêu tần số SSB . Hầm đạn phía mũi của chiến hạm đã bị làm ngập , mũi bị chúc xuống nên tốc độ có bị thuyên giảm . Chính trong thời gian mất liên lạc , Bộ Tư Lệnh tại Sài Gòn cũng như tại Ðà Nẵng rất bối rối cho sự an toàn của 2 chiến hạm và bản thân tôi . Chính Tư Lệnh Hạm Đội tại Sài Gòn cũng đã đưa tin mất liên lạc đến với gia đình tôi . 
Vào khoảng 13 G trưa , 2 chiến hạm HQ4 và HQ5 đã cách Hoàng Sa chừng 10 hải lý , trời nắng và quang đãng . Tư Lệnh Hải Quân đích thân ra lệnh cho cả 2 chiến hạm phải trở lại Hoàng Sa và đánh chìm nếu cần , tôi nhận được giọng nói của Ðô Đốc . Lệnh đã được thi hành nghiêm chỉnh ngay tức khắc . Sau khi liên lạc vô tuyến siêu tần số được điều hoà trở lại thì mọi báo cáo chi tiết về tổn thất và tình trạng lúc bấy giờ của các hai chiến hạm được chuyển đầy đủ . Trên Tuần Dương Hạm HQ5 tôi cũng được thông báo về Tuần Dương Hạm HQ16 sẽ được Tuần Dương Hạm HQ6 tới hộ tống về Căn cứ Hải Quân Ðà Nẵng . 
Ðến khoảng 1430 G chiều , khi cả hai chiến hạm đang trở về Hoàng Sa , quá ngang Hòn Tri Tôn , nghĩa là còn cách đảo Hoàng Sa chừng 1 giờ rưỡi hải hành nữa , thì hai chiến hạm được phản lệnh trở về Ðà Nẵng . Lúc này trời đã nắng , mây cao nên rất dễ dàng cho việc hải hành . Trong một cuộc đến thăm Tư Lệnh Hải Quân VNCH tại tư dinh vào khoảng tháng 02/1974 , thì vị Ðô Ðốc này đã tiết lộ rằng nếu biết được sớm tình trạng của Hải Đoàn Đặc Nhiệm thì Tư Lệnh đã cho lệnh trở về căn cứ trước sớm hơn . Trên đường về , tôi vẫn ra lệnh cho các chiến hạm giữ nguyên nhiệm sở tác chiến và nhất nhất các nhân viên không ở trong nhiệm sở phòng máy phải túc trực trên boong để tránh tổn thất về nhân mạng trong trường hợp bị tiềm thuỷ đĩnh Trung Cộng phục kích bằng ngư lôi . Nhưng may mắn là điều tôi dự liệu đã không xẩy ra . Các chiến hạm đã khởi sự ngay thu dọn các tổn thất về vật liệu và thu hồi các dư liệu tác xạ . 
Tôi tò mò mở đài phát thanh BBC vào sáng sớm ngày 20 , thì họ chỉ vỏn vẹn loan tin một trận hải chiến đã xẩy ra trong vùng quần đảo Hoàng Sa giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà và Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa , mỗi bên thiệt hại 1 chiến hạm và không thêm một chi tiết nào khác . Tôi tỏ ra khâm phục đài nay về sự loan tin nhanh chóng và xác đáng . 
Tôi đã không hút thuốc từ nhiều tháng qua , nhưng tôi muốn hút một vài điếu thuốc cho tinh thần bớt căng thẳng sau gần 48 tiếng đồng hồ liên tục không được nghỉ ngơi , tôi yêu cầu Hạm Trưởng dùng hệ thống liên hợp để loan báo xem có nhân viên nào còn thuốc lá cho tôi xin một ít để hút . Tôi không ngờ là các nhân viên tuần tự mang đến cho tôi hơn 2 chục bao cả loại trong khẩu phần C của đồng minh và các loại thuốc trong thương trường lúc bấy giờ , tôi lấy làm cảm động về sự ưu ái của các nhân viên trên chiến hạm này . Vào khoảng 2 giờ đêm tôi soạn thoản một sơ đồ hành quân và các chi tiết về tổn thất để chuẩn bị thuyết trình khi về tới căn cứ . 
Khoảng 07 G sáng ngày 20/01 thì hai chiến hạm của Phân Đoàn I về tới căn cứ an toàn . Tuần Dương Hạm HQ16 cũng đã về bến trước đó ít lâu . Một điều mà các nhân viên của các chiến hạm và riêng tôi rất cảm động là trên cầu Thương cảng Ðà Nẵng là nơi đã được chỉ định cho các chiến hạm cặp bến , đã có sự hiện diện của các vị Ðô Ðốc Tư Lệnh và Tư Lệnh Phó HQ VNCH , Ðô Ðốc Tư Lệnh HQ Vùng I Duyên Hải , một số đông sĩ quan cùng nhân viên của các đơn vị HQ vùng Ðà Nẵng cùng các trại gia binh đã túc trực đón đoàn chiến hạm trở về với rừng biểu ngữ : 
« Hải Quân Việt Nam quyết tâm bảo vệ lãnh thổ đến giọt máu cuối cùng » .
« Một ý chí : chống cộng . Một lời thề : bảo vệ quê hương » .
« Hoan hô tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Hải Quân tham dự Hải chiến Hoàng Sa » .
« Hoan hô tinh thần bất khuất của các chiến sĩ Hải chiến Hoàng Sa » . 
Sau khi di tản các chiến sĩ thương vong và tử vong lên căn cứ thí chỉ có 3 vị Ðô Ðốc cùng HQ Ðại Tá Nguyễn viết Tân Chỉ Huy Trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải lên Tuần Dương Hạm HQ5 và vào phòng khách của Hạm Trưởng để dự cuộc thuyết trình về trận đánh . Ba vị Hạm Trưởng đều có mặt để trình bầy chi tiết về chiến hạm của mình . Các vị Ðô Đốc cũng không hỏi thêm tôi về những yếu tố đã đưa đến những quyết định chiến thuật của tôi , nhất là quyết định triệt thoái phần còn lại của Hải Đoàn Đặc Nhiệm ra khỏi vùng Hoàng Sa . Sau phần thuyết trình các vị Ðô Ðốc đã đi quan sát sự thiệt hại của các chiến hạm và uý lạo nhân viên các cấp . Tôi cũng được nghe Ðô Đốc Tư Lệnh Phó đề nghị với Tư Lệnh HQ là sẽ không có thuyết trình cho Tư Lệnh Quân Đoàn I . 
Sau chừng một giờ thì Trung Tướng Tư Lệnh Quăn đoàn I / Quân Khu I cũng tới thăm viếng và được hướng dẫn quan sát một vòng các chiến hạm để nhận định sự thiệt hại ...
Kết quả của trận hải chiến
http://ttv216.free.fr/images/BienDong/HoangSaViQuocVongThan.jpg
Hoàng Sa Vị Quốc Vong Thân
Một cách tổng quát thì sự thiệt hại của hai đối thủ được kể như tương đương trong trận hải chiến . Mỗi bên bị tổn thất một chiến hạm , như đài BBC loan tin vào sáng sớm ngày 20/01 , phía VNCH là Hộ tống hạm HQ10 , phía Trung Cộng là chiếc Kronstad 271 ( được coi là chiến hạm chỉ huy ) còn một số khác thì chịu một sự hư hại trung bình hoặc trên trung bình . Hai chiếc nhỏ hơn 389 và 396 cùng hai ngư thuyền nguỵ trang theo tôi ước lượng chỉ hư hỏng hơi nặng mà thôi vì tầm hoả lực của ta trội hơn . Riêng chiếc Kronstad 271 có thể bị tổn thất nhiều nhân viên hơn vì trúng nhiều hải pháo của Tuần Dương Hạm HQ5 vào thương tầng kiến trúc , trong khi đó chiếc 274 thì tổn thất được coi là nhẹ hơn cả vì chỉ bị tấn công nhiều bằng đại liên và ít hải pháo về sau này . Tuy nhiên trong các trận hải chiến thì người ta thường kể về số chiến hạm bị loại khỏi vòng chiến hơn là số thương vong về nhân mạng . Riêng trên Hộ tống ham HQ10 , theo các nhân viên đã đào thoát về được đất liền , thì vị Hạm Trưởng và Hạm Phó đều bị thương nặng , nhưng Hạm Trưởng đã từ chối di tản và quyết ở lại tuẫn tiết cùng chiến hạm của mình theo truyền thống của một sĩ quan Hải Quân và một nhà hàng hải . Hạm Phó được nhân viên dìu đào thoát được nhưng đã phải bỏ mình trên mặt biển vì vết thương quá nặng . Vụ này làm tôi nhớ lại , theo lời kể của các bậc tiên sinh , thì khi Hải Quân Pháp hành quân trên sông ( nếu không lầm thì là Sông Ðáy ) một chiến hạm loại trợ chiến hạm ( LSSL ) hay Giang pháo hạm ( LSIL ) đã bị trúng đạn đài chỉ huy , làm tử thương cả hai Hạm Trưởng và Hạm Phó cùng một lúc , sĩ quan cơ khí đã phải lên thay thế tiếp tục chỉ huy . Sau kinh nghiệm này , Hải Quân Pháp không cho Hạm Trưởng và Hạm Phó có mặt cùng một nơi khi lâm trận . Cá nhân tôi lúc đó đã không có chút thì giờ để nhớ tới kinh nghiệm mà các bậc tiên sinh đã truyền lại tôi mà áp dụng . 
Một điều lạ là Trung Cộng có đủ khả năng tuy khiêm nhượng , vào lúc cuối trận chiến , vì có thêm tăng viện đến kịp thời , nhưng đã bỏ rơi cơ hội truy kích khi lực lượng ta triệt thoái , hay xử dụng hoả tiễn hải hải vì lực lượng ta vẫn còn nằm trong tầm hữu hiệu của loại vũ khí này . Tôi cho rằng có thể họ đã bận tâm vào việc cứu vãn chiếc Kronstad 271 và quân bộ trên đảo Quang Hoà , hoặc họ đã không nhận được lệnh tấn công , và chỉ đương nhiên chống trả tự vệ mà thôi . Tôi nhận rằng ước tính của tôi về phản ứng của địch đã cao hơn như thực tế đã xẩy ra . Việc Hải Quân Viêt Nam khai hoả tấn công sau khi thất bại đổ bộ đã tạo cho Trung Cộng có nguyên cớ vì bị tấn công mà phải hành động , nên đã dùng cường lực cưỡng chiếm các đảo vào ngày sau . 
Theo các quân nhân trú phòng trên đảo Hoàng Sa thì sáng sớm ngày hôm sau tức là ngày 20/01 , Trung Cộng đã huy động một lưc lượng hùng hậu kết hợp hải lục Không Quân đổ bộ tấn chiếm đảo Hoàng Sa và các đảo kế cận mà các chiến binh Hải Quân đang chiếm giữ . Theo ký giả Lê Vinh , một cựu sĩ quan Hải Quân , đã từng đảm trách chức vụ thư ký cũa Uỷ Ban Nghiên Cứu trận hải chiến cho biết , thì vào thời gian trận hải chiến , Hải Quân Hoa Kỳ đã chuyển cho Hải Quân Việt Nam một tin tức về 42 chiến hạm Trung Cộng với 2 tiềm thuỷ đĩnh đang tiến xuống Hoàng Sa . Dù nhiều hay ít thì lực lượng của họ sễ trội hẳn lực lượng Hải Quân Việt Nam có thể điều động tới . Nếu hai chiến hạm còn lại của Hải Đoàn Đặc Nhiệm phải lưu lại Hoàng Sa như lệnh ban ra lúc đầu , với khả năng chiến đấu đã bị giảm sút nhiều thì sự bảo tồn của hai chiến hạm này rất mong manh . Thế cho nên phản lệnh cho hai chiến hạm phải trở về căn cứ được kể như là đúng lúc và sát với thực tế hơn . 
Trung Cộng đã bắt giữ tất cả quân nhân và dân chính Việt Nam trên đảo Hoàng Sa và toán Hải Quân đổ bộ thuộc Khu Trục Hạm HQ4 trên đảo Vĩnh Lạc ( sát phía Nam đảo Hoàng Sa ) mà trưởng toán là HQ Trung Uý Lê văn Dũng ( sau được vinh thăng HQ Ðại Uý tại mặt trận ) , làm tù binh đưa về giam giữ đầu tiên tại đảo Hải nam . Riêng ông Kosh là nhân viên của cơ quan DAO Hoa Kỳ tại Ðà Nẵng thì được trao trả cho Hoa Kỳ sớm nhất tại Hồng Kông . Còn các nhân viên Việt đã bị họ nhồi sọ về chủ nghĩa của họ trong suốt thời gian tại Quảng Ðông , và trao trả về Việt Nam tại ranh giới HồngKông và Trung Cộng . Ðô Đốc Tư Lệnh Phó HQ đã được đề cử đích thân đến HồngKông tiếp nhận . Các chiến sĩ từ Trung Cộng hồi hương đều được đưa vào Tổng Y viện Cộng Hoà điều trị về các bệnh trạng gây ra do các hành động ngược đãi trong khi bị giam cầm trên lục địa Trung Hoa . 
Thế là cuối cùng thì Việt Nam Cộng Hoà đã mất nốt nhóm đảo Nguyệt Thiềm phía Nam của cả quần đảo Hoàng Sa cho tới ngày hôm nay . 
Các chiến sĩ Hải Quân đào thoát từ Hoàng Sa , sau nhiều ngày trôi dạt trên mặt biển , một số đã được chính các tuần duyên đĩnh của Hải Quân cứu vớt , một số đã được các thương thuyền trên hải trình Singapore HồngKông bắt gặp . Tất cả các chiến sĩ thoát hiểm được đưa về diều trị tại các Tổng y viện Duy Tân ( Ðà Nẵng ) hay Cộng Hoà , và còn được Thủ Tướng chính phủ , các vị Tư Lệnh Quân Đoàn , và các vị Ðô Đốc Hải Quân đến thăm hỏi và uý lạo .
Công cuộc chuẩn bị tái chiếm Hoàng Sa
Khi phần thăm viếng của thượng cấp kết thúc , thì tất cả các chiến hạm bắt tay ngay vào việc sửa chữa và tái tiếp tế đan dược đề chuẩn bị tấn kích tái chiếm Hoàng Sa . Một toán thợ thượng thặng của Hải Quân công xưởng cũng đã được điều động từ Sài Gòn ra để phụ lực với chuyên viên của Thuỷ xưởng Ðà Nẵng . Riêng Tuần Dương Hạm HQ16 , tuy không bị hư hại nhiều trên thượng tầng kiến trúc , nhưng các chuyên viên đã tháo gỡ được đần viên đạn đã xuyên lủng hầm máy . Viên đạn này là một loại đạn xuyên phá và không nổ 127 ly của Tuần Dương Hạm HQ5 bị lạc . Kinh nghiệm cho thấy là loại đầu đạn không nổ nếu trúng nước thì đạn đạo sẽ thay đổi rất nhiều vì đầu đạn nhọn bị nước làm chuyển hướng đi rất xa . Tin này do đích thân Tư Lệnh Phó Hải Quân mang đến cho tôi . Ðó là một điều không may mắn cho Hải Đoàn Đặc Nhiệm Hoàng Sa , nhưng trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào , sự nhầm lẫn về mục tiêu , về bạn và địch , về vị trí tác xạ đều đã xẩy ra ít nhất là tại chiến trường Việt Nam . Hơn nữa trong cuộc hải chiến này , Tuần Dương Hạm HQ5 đã tác xạ cả trăm đại pháo 127 ly , mà chỉ có một viên bị lạc , nên vẫn còn là điều may mắn . Việc chiến hạm bị trúng 1 viên đạn của bạn cộng với việc hai khẩu hải pháo 76 ly tự động trên Khu Trục Hạm HQ4 đã bị trở ngại kỹ thuật ngay từ phút đầu của cuộc chiến , là hai nhược điểm chiến thuật mà Hải Quân VNCH chỉ muốn phổ biến hạn chế vào đầu năm 1974 là thời điểm , mà nhiều sự phân tích đáng tin cho rằng Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đã lợi dụng biến cố Hoàng Sa để tránh né sự chỉ trích của các phần tử đối lập lúc đó đang rất mạnh . 
Sau ít ngày sửa chữa , thì Tuần Dương Hạm HQ16 chỉ đủ khả năng tự hải hành về quân cảng Sài Gòn và được đón tiếp trọng thể . Khu Trục Hạm HQ4 không sửa chữa tại chỗ được hai khẩu 76 ly tư động . Tuần Dương Hạm HQ5 , sau khi tái tiếp tế đạn và hàn vá các hư hại đã cùng HQ6 ra khơi tìm kiếm các nhân viên đào thoát khỏi vùng Hoàng Sa . Các phi cơ C130 đã bay lượn trong một vùng duyên hải hạn chế để tránh sự hiểu nhầm về hành động khiêu khích của Việt Nam đối với Trung Cộng . Các phi cơ hướng dẫn các chiến hạm xem xét các vật trôi trên mặt biển nhưng vẫn chưa cấp cứu được nhân viên nào ngoại trừ vỏ một thùng xăng dự trữ . Tôi vẫn có mặt trên Tuần Dương Hạm HQ5 để tham dự cuộc tìm kiếm . Riêng hộ tống hạm HQ10 , vì mất liên lạc nên tôi đã không biết được tình trạng cuối cùng của chiến hạm , nhưng chúng tôi vẫn còn một hy vọng tuy mong manh là chiến hạm này chưa chìm hẳn và có thể trôi dạt về phía duyên hải miền Trung trong mùa gió Đông Bắc . 
Với Tuần Dương Hạm HQ6 đã có mặt trong vùng và vừa hoàn tất hộ tống Tuần Dương Hạm HQ16 từ nửa đường Hoàng Sa Ðà Nẵng về bến , cộng với HQ17 ( Hạm Trưởng HQ Trung Tá Trần Đình Trụ ) điều động từ Trường Sa tới tăng cường đã kết hợp với Tuần Dương Hạm HQ5 thành một Hải Đoàn Đặc Nhiệm mới với nhiệm vụ chuẩn bị tái chiếm Hoàng Sa . Mặc dầu nhiều sĩ quan thâm niên hơn tôi có mặt tại chỗ , nhưng tôi vẫn được chỉ định tiếp tục chỉ huy . Một cuộc thao dượt chiến thuật và thực tập tác xạ đã diễn ra trong vòng một ngày tại vùng một đảo nhỏ nằm về phía Bắc vùng Cù Lao Chàm phía Đông Nam Ðà Nẵng . Sau cuộc thao dượt , tôi trình bầy kết quả việc huấn luyện trong các buổi thuyết trình hành quân tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng , vẫn được Tư Lệnh Phó Hải Quân chủ toạ . 
Nhưng cuối cùng thì công cuộc tái chiếm Hoàng Sa được huỷ bỏ . Tuy vẫn được tín nhiệm để chỉ huy , nhưng tôi tin rằng cuộc phản kích tái chiếm sẽ thất bại ngoại trừ đó là một chiến thuật thí quân nằm trong một chiến lược cao hơn . Với các Tuần Dương Hạm cũ kỹ ( WHEC ) xử dụng trong lực lượng Phòng Vệ Duyên Hải Hoa Kỳ ( US Coast guard ) từ lâu , được trang bị vào công tác tuần tiễu hơn là để chiến đấu , vừa chạm chạp và vận chuyển nặng nề , nên khó chống trả lại với các chiến hạm chiến đấu tối tân hơn . Loại này chỉ có một hải pháo 127 ly , còn 2 hải pháo 40 ly đã được Hải Quân Việt Nam đặt thêm vào lái tầu là nơi đã được dùng làm sàn đáp trực thăng . 
Trong thời gian tại căn cứ , Tư Lệnh Phó HQ ít nhất đã hai lần tập hợp nhân viên tất cả các chiến hạm có mặt tại chỗ để chỉ thị không được có hành động kiêu ngạo về chiến tích của Hải Quân VNCH . Ðể làm gương cho tất cả nhân viên thuộc quyền , tôi đã giữ một thái độ rất khiêm nhượng và im lặng . Tôi chưa bao giờ thảo luận hoặc trình bày chi tiết với bất cứ một ai hay một tổ chức nào , về những yếu tố đã đưa đến các quyết định chiến thuật của tôi trong trận đánh . 
Tôi lưu lại Vùng I Duyên Hải chừng hơn một tuần lễ , đã được cùng Phó Ðề Ðốc Tư Lệnh HQ Vùng I Duyên Hải xuất hiện trên đài chỉ huy cũng của Tuần Dương Hạm HQ5 để thực hiện một phóng sự cho đài truyền hình quân đội . Sau đó tôi trở về nhiệm sở chính tại Sài Gòn . Tôi còn được đến phòng thâu hình của quân đội cùng các vị Hạm Trưởng và một vài hạ sĩ quan trưởng pháo khẩu để trình bầy các chiến tích . Tuy nhiên tôi không đề cập nhiều chi tiết và nhường lời lại nhiều hơn cho các Hạm Trưởng vì tôi nghĩ rằng các vị này đáng được đề cao vì đã đích thân huy động tinh thần nhân viên và can dảm trực tiếp chiến đấu . Ít lâu sau tôi phải theo học Khoá Chỉ Huy Tham Mưu đặc biệt tại Long Bình , đặc biệt vì khoá gồm nhiều các sĩ quan đang đảm trách những vai trò then chốt của quân lực và các đại đơn vị . Khi Phó Ðề Ðốc Phụ Tá hành quân biển của Tư Lệnh Hải Quân đến thuyết trình tại trường về tổ chức của Hải Quân Việt Nam , thì một câu hỏi đầu tiên của khoá sinh là về hải chiến Hoàng Sa . Ðô Đốc đã chuyển câu hỏi này cho tôi đang ngồi trong hội trường , quả thật vị này đã trao cho tôi một trái banh khó đỡ . Tôi đáp lại câu hỏi vỏn vẹn ngay là : Các quý vị đã nghiên cứu về trận đánh Ấp Bắc , thì trận hải chiến Hoàng Sa cũng gần tương tự . Sau câu trả lời của tôi thì không một câu hỏi nào về trận Hoàng Sa được nêu ra thêm . Xin ghi thêm vào nơi này , trận Ấp Bắc đã làm cho quân lực bị bất ngờ về chiến thuật cửa địch , có sự sai lầm về ước tính tình báo và nhầm lẫn về chiến thuật điều quân . 
Vào những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam tôi được biệt phái giữ chức vụ Phụ Tá Hải Quân cho Trung Tướng Chỉ Huy Trưởng trường Chỉ Huy Tham Mưu Liên Quân đồn trú tại Long Bình
Phần sau trận hải chiến
Sau trận hải chiến , Hải Quân được nhiều vinh danh nhờ trận chiến đã nêu cao và nối tiếp được tinh thần chống bắc xâm của dân tộc . Trận hải chiến được liên tục ca ngợi hàng ngày trên các phương tiện truyền thông của quân đội cũng như ngoài dân sự để thêm vào với : Bình long anh dũng , Kontom kiêu hùng v . v ... .
Hoàng Trường Sa với Việt Nam là một
Cũng nhờ trận hải chiến mà phần đông nhân dân Việt Nam mới được biết đến phần lãnh thổ nằm xa vời trong Biển Ðông mà Hải Quân VNCH từ ngày thành lập đã âm thần bảo vệ và tuần tiễu . 
Nói về trận hải chiến , dù Hải Quân VNCH giả thử có thắng được trận ngày đầu , thì chúng ta khó lường được sự tổn thất nếu Hải Quân còn ở lại để cố thủ Hoàng Sa . Phó Ðề Ðốc Chủ Tịch Uỷ Ban Nghiên Cứu về trận hải chiến khi vị này đích thân thăm viếng Khu Trục Hạm HQ4 , khi đang nằm trong ụ lớn sửa chữa đã nói riêng với tôi : thế là vừa đủ , ý của vị này nói là không nên tiếp tục chiến đấu thêm ít nhất là vào thời điểm đó Hải Quân còn phải đảm nhận nhiều công tác tiễu trừ Cộng Sản trong đất liền . Ðó là chưa kể việc tấn chiếm phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa có thể đã nằm trong các đường lối đi đêm chiến lược của các cường quốc . Tôi nghĩ rằng nếu chiếc Khu Trục Hạm HQ4 không bị trở ngại kỹ thuật và trận chiến đã xẩy ra gần như tôi đã dự liệu và mong muốn , nghĩa là ta thắng trận đầu , thì cường lực hải lục không quân của chúng huy động ngày hôm sau không những đủ sức tràn ngập quân trú phòng và lại còn đủ sức truy kích Hải Quân VNCH trong một vùng rộng lớn hơn . Tôi đã tin tưởng rằng Quân Đoàn I / Quân Khu I đã phải đặt trong tình trạng báo động đề phòng sự tấn công của Trung Cộng ngay sau khi trận hải chiến diễn ra . Một phi tuần chiến đấu cơ F5 của Sư Đoàn I Không Quân tại Ðà Nẵng đã sẵn sàng trên phi đạo nhưng không được lệnh cất cánh từ cấp cao để yểm trợ cho Hải Quân vì có thể là e ngại sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến mới , hoặc chỉ hạn chế trận chiến tới mức có thể chấp nhận được trong một thế chính trị . 
Một lần nữa , giả dụ rằng ta cứ để Trung Cộng có mặt trên đảo Quang Hoà , trận hải chiến đã không xẩy ra thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục hiện diện trên đảo Hoàng Sa , tuy nhiên có thể phải trải thêm quân trên các đảo Cam Tuyền , Vĩnh Lạc và Duy Mộng , để tránh sự lấn chiếm , cộng thêm là Hải Quân Việt Nam phải thường xuyên tuần tiễu với một Hải Đoàn tương đối mạnh . Nhưng dần dà họ cũng sẽ lấn chiếm theo kế hoạch bành trướng thế lực của họ trong vùng Ðông Nam Á . Có thể Trung Cộng đã trả đũa hay dập theo khuôn mẫu Việt Nam Cộng Hoà khi ta đã đặt quân trú phòng trên đảo Nam Yết và Sơn Ca nằm phía Nam và Đông cùng trên một vòng đai san hô với đảo Thái Bình , đã bị Trung Hoa Dân Quốc ( Ðài Loan ) chiếm đóng từ khi Nhật Bản thua trận đệ nhị thế chiến . Người Trung Hoa dù là lục địa hay hải đảo , đã từng nhiều lần tuyên bố là lãnh thổ của họ , không những vùng này mà thôi mà cả toàn vùng Hoàng Sa Trường Sa . Phải thành khẩn mà nhận rằng , khi Việt Nam Cộng Hoà đặt quân trú phòng trên các đảo còn bỏ trống trong vùng Trường Sa như Nam Yết , Sơn Ca , Song Tử Đông , Song Tử Tây , Trường Sa ... chúng ta đã không gặp một hành động đối kháng về quân sự nào từ phía Trung Hoa Dân Quốc hoặc Phi Luạt Tân hay Mã Lai Á . 
Một suy luận nữa là có thể trận hải chiến là một cuộc điều chỉnh sự nhường quyền chiếm giữ từ một nhược tiểu đến một cường quốc theo một chiến lược hoàn cầu mà vài cường quốc đã ngầm thoả thuận trước . Chúng ta có thể nhớ lại cuộc tấn công hùng hậu của Anh Quốc trong cuộc tranh chấp đảo Falkland ( Nam Mỹ Châu ) vào thập niên 80 , mà Á căn đình ( Argentina ) vẫn luôn coi như lãnh thổ của họ . Họ đã chiến đấu mạnh mẽ trên mặt ngoại giao và buộc phải chiến đấu trên mặt quân sự sau khi ngoại giao thất bại . Về mặt quân sự , họ biết trước là khó chống lại Anh Quốc với lực lượng khá dồi dào , nhưng họ đã phải chiến đấu trong khả năng của họ , họ biết tự kiềm chế cường độ chiến tranh để giảm thiểu tổn thất . Kết quả là đảo Falkland đã về tay Anh Quốc . Tuy đảo Falkland rộng lớn hơn về diện tích và nguồn lợi cũng như dân số , quân lực hai đối thủ đưa vào cuộc đụng độ hùng hậu hơn , mức độ chiến tranh nặng hơn , nhưng hai trận Falkland và
Hoàng Sa đã gần tương tự nhau về tính chất của một cuộc chiến . 
Người Pháp , trong chiến tranh tại Ðông Dương sau 1945 , vì chiến cuộc gia tăng tại nội địa , đã phải bỏ ngỏ hoàn toàn nhóm đảo Tuyên đức phía Bắc , và bỏ ngỏ nhóm Nguyệt Thiềm phía Nam trong vài năm . Riêng nhóm Tuyên Đức phía Bắc đã do Trung Hoa Dân Quốc cưỡng chiếm trong ít lâu , nhưng sau đó họ đã phải rút về vì sự thất trận của họ trong lục địa . Về sau , hiệp định Ba Lê 1954 lại đề ra khu phi quân sự dọc theo vĩ tuyến 17 , đã làm cho Việt Nam Cộng Hoà đã không thể tích cực hiện diện tại nhóm Tuyên Ðức Bắc đảo Hoàng Sa thuộc nhóm Nguyệt Thiềm . 
Xét về sự phòng thủ , so sánh với đảo Thái Bình trong vùng Trường Sa thì thế bố trí trên đảo Hoàng Sa của VNCH đã thua kém rất xa , và không thể đủ sức để cố thủ chống lại một cuộc cường kích thuỷ bộ . Trên đảo không có công sự nặng , chỉ có khoảng một trung đội địa phương quân với vũ khí cá nhân và một vài quan sát viên khí tượng . Trong khi đó Ðảo Thái Bình , khi Nhật chiếm đóng trong đệ nhị thế chiến , họ đã xây cất nhiều công sự nặng . Sau này khi Trung Hoa Dân Quốc ( Ðài Loan ) chiếm đóng , chắc chắn họ đã tăng cường mọi cơ cấu phòng thủ , lại có trang bị các khẩu đại pháo chống chiến hạm , đưa quân số trú phòng có thể tới cấp hơn tiểu đoàn và do một vị Ðại Tá Thuỷ Quân Lục Chiến chỉ huy . 
Ngoài ra việc tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được nhận xét chỉ diễn ra sau cuộc thăm viếng Trung Cộng của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Kissinger . Ít nhất là Hoa Kỳ và Trung Cộng đã ngầm có nhiều thoả thuận về chiến lược hay ít nhất cũng đồng ý là Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào các hành động của Trung Cộng trong vùng . Ðối với Việt Nam Cộng Hoà , Hoa Kỳ đã không muốn can dự vào sự bảo vệ lãnh thổ . Trong ngày hải chiến thì các đối tác viên tại Bộ Tổng Tham mưu đã khẳng định đó là công chuyện riêng của Việt Nam . 
Quan niệm của Hoa Kỳ trong việc mở rộng lưc lượng Hải Quân chỉ là vừa đủ để hành quân yểm trợ hoả lực và ngăn chặn trong vùng sông ngòi và duyên hải mà thôi . Cộng cuộc xây cất một hệ thống thám báo liên tục từ Bến Hải đến Vịnh Thái Lan là một công tác cao , cả về kỹ thuật lẫn tài chánh với mục tiêu duy nhất là kiểm soát hữu hiệu sự xâm nhập lén lút bằng đường biển của Cộng Sản Bắc Việt vào vùng duyên hải . Việc viện trợ hai chiếc Khu Trục Hạm , vì là loại tấn công , nên sau 1973 họ đã nhiều lần đòi tháo gỡ máy dò tiềm thuỷ đĩnh như đã trình bầy , làm như vậy là sẽ giảm khả năng của loại này một nửa . Vũ khí tấn công trên mặt biển và trên không của Khu Trục Hạm là hai dàn hải pháo 76 ly tự động với nhịp tác xạ khoảng 60 viên một phút . Với hoả lực tấn công mạnh mẽ như vậy , Hải Quân Hoa Kỳ , vào những năm cuối của cuộc chiến , song song với kế hoạch rút lui , đã không bỏ sót cơ hội cắt đứt hay ít nhất cũng trì hoãn việc tiếp tế cơ phận thay thế cho loại hải pháo tối tân này . 
Sau trận hải chiến , để nêu gương hy sinh của các chiến sĩ bỏ mình trên đại dương , Bộ Tư Lệnh HQ đã có nghiên cứu một kiến trúc dự định xin phép Ðô Thành Sài Gòn Chợ Lớn xây cất trong khu vực cột cờ Thủ Ngữ bên sông Sài Gòn . Riêng Hội Đồng Ðô Thành đã đồng ý trên nguyên tắc là sẽ có một đường phố mang tên Nguỵ Văn Thà . Một buổi lễ kỷ niệm lần thứ nhất trận hải chiến Hoàng Sa đã được tổ chức vào ngày 19/01/1975 do Tư Lệnh Hải Quân , Ðề Ðốc Lâm Ngươn Tánh chủ toạ nhưng tôi không được thông báo để đến tham dự . 
Hàng năm cứ mỗi Tết Nguyên Đán đến , dù vào Tháng Giêng hay không , tôi luôn luôn có ít phút tưởng niệm dành cho các liệt sĩ đã hy sinh và cũng tưởng nhớ tới chiến sĩ đã anh dũng cùng tôi chiến đấu trong trận hải chiến Hoàng Sa , mà số đông đang lưu lạc trong vùng đất tự do . Họ là những anh hùng đã xả thân để bảo vệ lãnh thổ của tiền nhân xây dựng từ bao thế kỷ . Mong rằng tài liệu này sẽ mang lại niềm hãnh diện cho toàn thể các chiến sĩ Hải Quân đã tham dự trận đánh mà tôi đã có vinh dự chỉ huy .
Hà Văn Ngạc , Dallas , Texas , Xuân Kỷ Mão ( 2009 )



ASIA PACIFIC Timeline Links July 29, 2020. (AFP) Taiwan to swap office with breakaway state Somaliland. (Fox Business) China wields currency as weapon with Trump tensions rising. (The Telegraph) Why the UK has no teeth when it comes to China and Hong Kong. (National Review) The End of Hong Kong? (SCMP) Hong Kong warned WTO challenge to potential US trade sanctions could be 'counterproductive'. (AP) China says US action on Hong Kong ‘doomed to fail’. (Reuters) Taiwan pledges help for fleeing Hong Kongers, riles China. (Reuters Videos) Police fire teargas in Hong Kong's biggest lockdown-era protests.

ASIA PACIFIC
---
Timeline Links: July 29, 2020



----

World

Taiwan to swap office with breakaway state Somaliland

Taiwan has seen seven diplomatic allies poached by mainland China since President Tsai Ing-wen came into office (AFP Photo/Sam Yeh)
Taiwan has seen seven diplomatic allies poached by mainland China since President Tsai Ing-wen came into office (AFP Photo/Sam Yeh)


Taiwan announced Wednesday it was opening representative offices with the breakaway state of Somaliland, warming ties between two de facto sovereign territories that are denied widespread international recognition.

Foreign minister Joseph Wu said Taiwan and Somaliland had signed an agreement in February to swap representative offices and cooperate in areas such as agriculture, mining and health.

"We're thousands of miles apart, but share a deep-seated love of freedom and democracy," Wu tweeted.

Somaliland declared independence from Somalia in 1991 but remains unrecognised by the international community.

While anarchic southern Somalia has been riven by years of fighting between multiple militia forces and Islamist violence, Somaliland has enjoyed relative peace.

Democratic and self-ruled Taiwan is officially recognised by only 15 countries -- China poached seven of its diplomatic allies after President Tsai Ing-wen came to power in 2016.

Tsai describes Taiwan as "already independent" but China views the island as its own territory and has vowed to seize it one day, by force if necessary.

Beijing has cut official communication with Taiwan while also ramping up military and economic pressure since Tsai was first elected four years ago.

"Taiwan's situation in the international community is difficult but we will not cower. We will continue to strengthen pragmatic relations with like-minded countries," Wu told reporters.

"China's pressure on us in the international community is very big."

The office will bear the name Taiwan rather than Taipei which is used in the island's offices in countries without diplomatic relations.

Taiwan and Beijing have been engaged in a diplomatic tug-of-war for decades trying to woo away each other's allies with financial and other incentives.

In the last decade, only a handful -- largely impoverished countries in Latin America and the Pacific -- have remained loyal to Taiwan.

The only European state to still recognise Taiwan is the Vatican.

----
Business

China wields currency as weapon with Trump tensions rising

China has quietly allowed its currency, the yuan, to slide to its weakest level against the U.S. dollar in over a decade as the Trump administration ratcheted up attacks on Beijing over its crackdown on Hong Kong and handling of the COVID-19 outbreak.

The so-called renminbi, or RMB, which has slid 2.47 percent versus the U.S. dollar year-to-date, on Wednesday fell to less than 7.17 per dollar, its weakest since 2008. That pushed the currency below the levels that last summer caused the Trump administration to label Beijing a currency manipulator. The label was removed in January as the two sides ironed out an initial trade agreement.

“It's almost like a game of bridge, where using non-verbal communication, the parties express their will,” Marc Chandler, chief market strategist at the capital markets trading firm Bannockburn Global Forex, told FOX Business.

“It's not so much the magnitude, but rather level – the RMB now at its weakest level in many months,” he added. “I think this is all related to the political pressure.”

Tensions between Washington and Beijing have escalated as the Trump administration has sought ways to punish China for its initial handling of the COVID-19 outbreak, which originated in its city of Wuhan. The virus has infected more than 5.99 million people worldwide and inflicted trillions of dollars of economic damage due to stay-at-home measures taken to slow its spread.

The strain from the pandemic has been heightened by friction between the world's two largest economies on other matters. The U.S. has moved in recent weeks to sanction Chinese officials for mistreating Uighurs, a Muslim minority in Xinjiang, blocking pension funds from investing in companies in China and clamping down on rules for those firms listed on U.S. exchanges.

Beijing is simultaneously grappling with troop movements along its contested border with India, and on Thursday, China’s Congress passed a national security bill that bypassed Hong Kong’s legislature, effectively ending the “one country, two systems” governing principle that Beijing had guaranteed for the 50 years following Great Britain’s handover of the territory in 1997.

HONG KONG'S 'ONE PARTY, TWO SYSTEMS' RULE IS DEAD, ACTIVIST WARNS

As a result, President Trump said Friday that he would direct his administration to “begin the process of eliminating policy exemptions that give Hong Kong different and special treatment” including agreements with Hong Kong on extradition, export controls on dual-use technologies and more.

Trump also instructed his presidential working group on financial markets to “study the differing practices of Chinese companies listed on the U.S. financial markets with the goal of protecting American investors.” Firms from China, and elsewhere, listed on U.S. exchanges do not have to abide by the same accounting standards as American companies.

The U.S. will, at least for now, remain in the trade agreement with Beijing, which calls for purchases of an additional $200 billion of American products over the next two years.

So far, the moves of China's yuan against the dollar have been “orderly and controlled and within the realms of what we've seen in the past,” Alan Ruskin, global head of G10 currency strategy at Deutsche Bank, told FOX Business.

He believes the current rate of exchange is “psychologically important” and a breakout to fresh decade-plus dollar highs would suggest Beijing is “tolerant of this new zone and tolerant of additional weakness” in its currency.

A weaker yuan is a double-edged sword as it would make China’s exports cheaper, but also make it more expensive to fulfill Beijing’s obligations under the trade deal, a signature accomplishment for Trump, who had imposed tariffs on hundreds of billions of dollars in Chinese goods to pressure Xi's government into negotiating.

'TESLA OF CHINA' SALES PLUNGE DURING CORONAVIRUS OUTBREAK

While there has been speculation that Trump may tear up the deal now, Ruskin says that’s “not in the U.S.'s interest” as the target levels for Chinese imports are “extremely high in the context of a weak global economy.”

Market risk points to the yuan weakening, but in a “very controlled fashion,” according to Ruskin. Really letting the currency go would be “disruptive” for Chinese markets and economic confidence, he said, adding that Beijing doesn’t “want to make this another source of tension.”

For good reason. Conventional wisdom is that China is “eating our lunch,” but the reality is China is “very weak,” Chandler said.

He pointed to President Xi Jinping’s signature Belt and Road Initiative and Made in China 2025 programs as being “in despair.”

CLICK HERE TO READ MORE ON FOX BUSINESS

The Belt and Road Initiative, which aimed to build a so-called New Silk Road connecting China to Europe, is becoming a debt albatross, leaving all the countries that borrowed money from Beijing looking to restructure their debt.

Additionally, Beijing has seen a likely peak in the internationalization of China's yuan, Chandler said, noting that “people aren’t really using it.”

That, coupled with the mishandling of Hong Kong -- which also alienates Taiwan, leaves China in a “weakened position” and its actions on the economic front “seem to be defensive rather than aggressive,” Chandler said. “China is under a lot of pressure.”

----
The Telegraph

Why the UK has no teeth when it comes to China and Hong Kong

Sophia Yan
The Telegraph

https://news.yahoo.com/why-uk-no-teeth-comes-183320839.html

China’s move to impose national security law in Hong Kong has drawn international outcry, including from the UK, over worries that the territory’s treasured liberties are coming to an end. 

Activists have welcomed greater international attention on the issue. But the UK’s window to pressure Beijing to change course in a meaningful way has largely closed.

Hong Kong has experienced shrinking rights and freedoms for years. Elected lawmakers have been disqualified from their positions and outspoken professors have been removed from their posts.

Booksellers publishing on sensitive topics have disappeared, later appearing in mainland China on state television “confessing” to various crimes. A British journalist was even expelled from Hong Kong, seemingly for having chaired a talk by a pro-democracy figure.

Such instances are among many reasons why mass protests have erupted periodically since the former British colony was returned to Chinese rule in 1997. Each round of unrest has been more chaotic than the last, as people rushed to denounce Beijing’s encroaching influence. 

China has long made clear it’s position. Officials conveyed for the first time in 2014 that Beijing no longer considered valid the Sino-British Joint Declaration, an international treaty meant to guarantee rights and freedoms for those in Hong Kong. The Chinese government has continued to reiterate outright the document no longer carried any significance. 

“The time to say something was at latest about six years ago,” said Alvin Cheung, a legal scholar at New York University’s US-Asia Law Institute. 

“It’s a pretty grim indictment of the international community that all the warning signs have been around for this long and they have been consistently swept under the carpet until the very end.”

Aside from pressing economic sanctions, what’s left now in the UK’s response toolbox are largely symbolic gestures.

The UK could, for instance, raise discussion at the United Nations about China breaching the Joint Declaration. 

Read more https://news.yahoo.com/why-uk-no-teeth-comes-183320839.html
-----
National Review

The End of Hong Kong?

The Editors
National Review


The 1997 handover of Hong Kong from Britain to the People’s Republic of China marked the end of Western colonial rule in the region. Optimistic Western policy hands hoped that the final mending of the “unequal treaties,” as they were called by the Chinese Communist Party, would initiate Beijing’s integration into the rules-based world order.

Recent events in Hong Kong put paid to this hope.

The days of China’s “peaceful rise,” when the CCP steadfastly denied its hegemonic ambitions, are long gone. In light of China’s clampdown on Hong Kong, the transfer of the autonomous region now appears to have entailed swapping one imperial government for another. As if to remove any doubt, China’s National People’s Congress bypassed the Hong Kong Legislative Council this week and imposed a new national-security law. The law, which bans all “seditious activity,” effectively nullifies the Hong Kong Basic Law according to which the territory is guaranteed autonomy from the Mainland until 2047.

Secretary of State Mike Pompeo responded appropriately in announcing that, under the Hong Kong Human Rights and Democracy Act passed last year, Washington would no longer consider Hong Kong independent of China. The White House will reconsider the privileges and immunities granted to the autonomous region, including its preferential trade status, visa exemptions, and flexible foreign-exchange regime.

Critics argue that the measures will cause undue economic harm to the region. Hong Kong’s economy will suffer, but the millions of Hong Kongers who have taken to the streets in protest have demonstrated in no uncertain terms that they value freedom over GDP growth. Indeed, the rule of law is what allowed Hong Kong to build a thriving economy in the first place. The short-term harms from reduced trade and investment pale in comparison to the disaster of Mainland dominance of Hong Kong. Worse, allowing China to violate the 1984 Sino–British Joint Declaration, registered at the U.N., will send a signal that the U.S. is unwilling to stand by a basic element of the international order.

In any event, the White House ultimately has little choice. Congress has all but required the administration to decertify Hong Kong’s autonomous status in this circumstance. The legislation also calls for sanctions against Chinese officials responsible for Hong Kong’s suppression, a measure that the White House should undertake as Beijing moves to implement the law.

We obviously also need a strategy to combat Chinese belligerence elsewhere. Control of Hong Kong is only one step in China’s quest to “occupy a central position in the world,” as Chinese president Xi Jinping has put it. The Hong Kong security law coincides with increasingly aggressive naval exercises in the South and East China Seas and a sudden military buildup on the Sino–Indian border. The Chinese have also made clear their intention to annex Taiwan, and show no signs of rolling back their programs of industrial espionage and anti-competitive trade practices. The White House must resist China on all fronts.

The administration should mobilize our allies in the fight. As Pompeo made his announcement, German chancellor Angela Merkel said that the European Union has a “great strategic interest” in cooperating with China. Neither have the British, who designed the transfer of Hong Kong, shown much interest in pushing back on Chinese aggression. European leaders are enticed by the economic benefits of cooperating with Beijing, and it will require a deft diplomatic touch to persuade them to take a more strategically sound posture.

Hong Kong is the last redoubt of freedom and decency in China’s contiguous territory. The White House should do everything reasonably within its power to try to safeguard it.

More from National Review

----
South China Morning Post

Hong Kong warned WTO challenge to potential US trade sanctions could be 'counterproductive'

Finbarr Bermingham finbarr.bermingham@scmp.com
South China Morning Post

In a statement released late on Thursday, hours after China's National People's Congress approved the proposal for the controversial legislation, the Hong Kong government said that as a full member of the World Trade Organisation (WTO), "we expect to be fairly treated by our trading partners".

Should the US revoke Hong Kong's special trading status, the special administrative region could be subjected to the same trade war tariffs imposed on Chinese exports to the US, or even unilateral tariffs against Hong Kong specifically, as well as export controls and potentially greater scrutiny of its financial and payments landscapes, experts said.

In the case of tariffs, analysts said it is "factually possible and legally correct" that Hong Kong could bring a WTO case against the US, given that it retains its own WTO membership and should be treated on a "most-favoured nation" basis, which punitive tariffs would violate.

But analysts believe any such future action would be "counterproductive", since even if Hong Kong was to win a case, it could be permitted to introduce retaliatory tariffs on the US, which would harm Hong Kong's economy and image as a beacon of free trade.

Furthermore, it is unlikely that a WTO case, which would take years to process, would resonate in a White House which is openly scornful of the Geneva-based trade body.

"Hong Kong is really limited in what it can do. Taking a WTO case would be symbolic, and even if Hong Kong prevails, the damages would be very low. So if Hong Kong decides to put tariffs on the US " which would be a first " what does it target? Consumer products or food? What kind of message does that send about Hong Kong? Who is that really hurting?" said Bryan Mercurio, a professor covering the WTO at the Chinese University of Hong Kong.

Hong Kong is a free port, with zero tariffs on goods shipped in and out, however, it has very little direct trade of its own. As a entrepot for trade with China, the vast majority of goods passing through are re-exported to and from the mainland.

While Hong Kong was the world's sixth largest exporter in 2018, according to WTO statistics, just US$13 billion of its US$556 billion in shipments were domestic exports. For imports, just US$155 billion of US$628 billion were consumed domestically.

"Removing from US law the commitment to Hong Kong's non-discriminatory trade treatment would make it easier for the US Trade Representative to defend unilaterally slapping tariffs on the city's exports. This would most likely violate WTO rules, but this has not deterred the US from placing tariffs on imports from the mainland," read a Capital Economics research note.

"If this happened, shipments to the US would suffer. Gross exports from Hong Kong to the US are worth 13 per cent of [gross domestic product]. But the vast majority of products are being reshipped through the city. US-bound goods exports, generate under 3 per cent of [gross domestic product], mainly in logistics and postal services rather than manufacturing."

Hong Kong has been a member of the WTO since January 1995, but it has only brought a single case " a complaint against the Turkish garment trade in 1996 that was "largely a matter of principle" rather than economic wrongdoing, said Julien Chaisse, a trade professor at the City University of Hong Kong.

However, Chaisse said that Hong Kong could learn from another historical precedent of a smaller WTO member successfully bringing a case against a more powerful member, but eventually being left dissatisfied with the spoils of victory.

In 2003, tiny Antigua and Barbuda accused the US of discrimination after it was frozen out of the world's largest gambling market after the Caribbean nation had built up a giant online betting market designed to replace its struggling tourism sector.

WTO judges eventually ruled in its favour, awarding compensation of US$21 million per year, but the US refused to pay. Antigua and Barbuda therefore had the right to impose tariffs on the US, but declined to do so, thinking that it would be an act of economic self-harm.

"Why would a place like Hong Kong or Antigua impose tariffs on the US?" Chaisse added. "Who would hurt from such action, apart from the domestic middle class?"

Chaisse added that should the national security law lead to an erosion in the "one country, two systems" model under which city is supposed to be governed until 2047, Hong Kong could also find itself on the receiving end of investor disputes and trade lawsuits, especially if the goalposts are moved for investors in the city.

Hong Kong has 20 bilateral investment treaties, more than half of which were signed with developed nations in the run up to the handover from Britain to China in 1997, a means of assuaging fears of changing business conditions.

"I would not exclude the possibility of, in the future, investors from these places using investment protection courts to sue Hong Kong," Chaisse said.

This article originally appeared in the South China Morning Post (SCMP), the most authoritative voice reporting on China and Asia for more than a century. For more SCMP stories, please explore the SCMP app or visit the SCMP's Facebook and Twitter pages. Copyright © 2020 South China Morning Post Publishers Ltd. All rights reserved.

Copyright (c) 2020. South China Morning Post Publishers Ltd. All rights reserved.

----
World

China says US action on Hong Kong ‘doomed to fail’

Associated Press
MarketWatch
https://www.yahoo.com/finance/m/df49e833-3c28-325b-8c46-a7a8d28ca777/china-says-us-action-on-hong.html
China says US action on Hong Kong ‘doomed to fail’
China says US action on Hong Kong ‘doomed to fail’
The mouthpiece newspaper of China's ruling Communist Party said Saturday that the U.S. decision to end some trading privileges for Hong Kong “grossly interferes” in China's internal affairs and is “doomed to fail.” The Hong Kong government called President Donald Trump's announcement unjustified and said it is “not unduly worried by such threats,” despite concern that they could drive companies away from the Asian financial and trading center. Trump's move came after China's ceremonial parliament voted Thursday to bypass Hong Kong's legislature and develop and enact national security legislation on its own for the semi-autonomous territory.
---
World

Taiwan pledges help for fleeing Hong Kongers, riles China

FILE PHOTO: Protesters holding banners in support of Hong Kong pro-democracy demonstrators attend a rally against the Chinese government’s newly announced national security legislation for Hong Kong, at Taipei main train station
FILE PHOTO: Protesters holding banners in support of Hong Kong pro-democracy demonstrators attend a rally against the Chinese government’s newly announced national security legislation for Hong Kong, at Taipei main train station

By Yimou Lee

TAIPEI (Reuters) - Taiwan promised on Thursday to settle Hong Kongers who flee the Chinese-ruled city for political reasons, offering help from employment to counselling, and prompting angry condemnation from Beijing as it pushes security legislation for Hong Kong.

Taiwan President Tsai Ing-wen this week became the first world leader to pledge specific measures to help people from Hong Kong who may leave the former British colony because of the new legislation.

Chen Ming-tong, head of Taiwan's top China-policy maker, the Mainland Affairs Council, told parliament the government will establish an organisation to deliver "humanitarian relief" that includes settlement and employment in a joint effort with activists groups.

He said counselling services will also be available for Hong Kongers, some of whom may take part in increasingly violent pro-democracy protests in Hong Kong.

"Many Hong Kongers want to come to Taiwan. Our goal is to give them settlement and care," Chen said, urging the public not use the word refugee as it could be "emotionally harmful" for people from the city.

Chen did not give details, such as scale and timing of the relief when pressed by lawmakers, saying the government is still working on the programme.

China denounced Taiwan's move, saying its ruling Democratic Progressive Party was seeking to "loot a burning house" and sow discord.

"Bringing black, violent forces into Taiwan will bring disaster to Taiwan's people," China's Taiwan Affairs Office said, in language Beijing typically uses to refer to Hong Kong protesters.

Hong Kong's demonstrators have won widespread sympathy in democratic Taiwan, which China considers as its territory to be taken by force, if necessary. Taiwan has shown no interest in being ruled by autocratic China.

Help for Hong Kong has won rare bipartisan support in politically polarised Taiwan and three opposition parties have introduced bills to make it easier for Hong Kongers to live in Taiwan if they have to leave the city due to political reasons.

Taiwan has no law on refugees that could be applied to protesters seeking asylum, but its laws promise to help Hong Kongers whose safety and liberty are threatened for political reasons.

Some say Tsai's government is not moving fast enough.

"Please come up with details of the humanitarian relief at the soonest. Don't wait until people shed blood like water," Chen Yu-jen, a lawmaker from main opposition Kuomintang party, said.

Ivan Tang, a Hong Kong pro-democracy activist, welcomed Tsai's support and said there was a sense of urgency among protesters in the city, some of whom had been barred from entering Taiwan because of travel restrictions to contain the coronavirus pandemic.

Taiwan has become a popular destination for Hong Kongers leaving the city, with the number of Hong Kong citizens granted Taiwan residency jumping 150% to 2,383 in the first four months of 2020 compared with a year ago, official data shows.

University applications to Taiwan from Hong Kong also rose 62% in 2020 from a year ago. The island's education ministry said this week it was planning to raise the quota for Hong Kong students.


(Reporting by Yimou Lee; Additional reporting by Ben Blanchard, and Ryan Woo in Beijing; Editing by Lincoln Feast and Barbara Lewis)

----
World

U.S. business to Trump: Go slowly on Hong Kong response

David Lawder
Reuters

By David Lawder

https://www.yahoo.com/news/u-business-trump-slowly-hong-021028467.html

Anti-government demonstrators take part in a protest during a lunch time in Hong Kong

U.S. business to Trump: Go slowly on Hong Kong response

Anti-government demonstrators take part in a protest during a lunch time in Hong Kong


WASHINGTON (Reuters) - Business groups are urging U.S. President Donald Trump to go slowly in responding to Beijing's planned imposition of new national security laws on Hong Kong, warning revoking the city's special U.S. privileges will hurt the territory and its people.

U.S. Secretary of State Mike Pompeo declared https://www.reuters.com/article/us-hongkong-protests/pompeo-says-hong-kong-no-longer-warrants-pre-1997-treatment-idUSKBN233053 on Wednesday China's actions had voided Hong Kong's autonomy.

That cleared the way for White House steps ranging from imposing sanctions on some senior Chinese officials to fully ending the 22-year U.S. practice of treating Hong Kong separately from China on trade, visas, investments and export controls.

Hong Kong's special status has helped keep the former British colony of 7.5 million - which hosts operations of 1,300 U.S. companies and some 85,000 American residents - one of the world's premier financial hubs since reverting to Chinese rule in 1997.

Details of the new Chinese legislation, which could see mainland security agencies to set up operations in Hong Kong, are being deliberated this week by China's parliament.

"The text of the law in China has not yet been released. Words matter," said Craig Allen, the president of the U.S.-China Business Council. The group would like to see all sides "de-escalate and maintain the 'one-country two systems' model for Hong Kong, which has served everyone so well for so many years," he said.

The U.S. Chamber of Commerce on Tuesday stressed https://www.uschamber.com/press-release/us-chamber-of-commerce-urges-chinese-government-preserve-hong-kong-s-one-country-two jeopardizing Hong Kong's special status would be a "serious mistake."

Pompeo's declaration leaves room to move slowly, and acting quickly could inflict pain on Hong Kong and waste U.S. leverage over Beijing, said Scott Kennedy, a senior adviser and China expert at the Center for Strategic and International Studies in Washington.

The U.S. declaration has "opened the door to massive changes but they have not walked through it yet," Kennedy said. "It may rattle markets and have executive suites examining Plan Bs and Plan Cs but not necessarily immediately moving."

Pressure in the U.S.-China relationship is mounting over issues including trade, technology restrictions and the coronavirus pandemic. On Wednesday, the House of Representatives backed legislation calling on Trump to impose sanctions on Chinese officials responsible for oppression of China's Uighur Muslim minority.


DRIP BY DRIP

Some international financial firms have halted Hong Kong expansion plans and shifted staff to other Asian centers after protests in the city last year. A major change in Hong Kong's legal status could accelerate that trend, risk managers and consultants say.

"I do think that the drip-by-drip process of companies leaving had already begun. The promulgation of a national security law really throws fuel on that fire," said Todd Mariano, director of Eurasia Group's U.S. practice in Washington.

Dane Chamorro, a partner in Control Risk Group's Asia Pacific practice, said a larger exodus would depend on whether the security law preserves Hong Kong's business law framework and the free movement of capital.

"You will have people concerned about it for sure, but they're not going to leave as long as those two things are there," Chamorro said, adding many international companies operate in countries with onerous security regimes.

What's more important is preserving the sanctity of contracts, consistent labor rules and predictable regulation, Chamorro said.

Peter Humphrey, a former corporate fraud investigator who was imprisoned by China for nearly two years, said few companies are prepared for a "sudden event" where Chinese security forces seize control.

"Hong Kong is now under much greater threat of intervention than it has been before, that's how I see it," said Humphrey, now an external research associate with Harvard University's Fairbank Center for Chinese Studies.

Foreign companies in Hong Kong, especially those dealing with confidential information, need plans "to switch off their operations instantly", he said.


(Reporting by David Lawder; Editing by Heather Timmons and Lincoln Feast.)

----
Politics

China parliament approves Hong Kong security bill

Reuters Videos

China's parliament approved a decision to impose national security legislation on Hong Kong in a landslide vote on Thursday (May 28).

The bill tackles subversion, separatism, terrorism, foreign interference and could see Chinese intelligence agencies set up in Hong Kong.

The vote now moves to the standing committee to draft the legislation.

The legislation which was unveiled only last week - triggered the first big protests in Hong Kong for months.

Chinese Premier Li Keqiang said the legislation would benefit the territory's long-term stability and prosperity.

It comes after a tense day in Hong Kong, as scuffles broke out -- rotten plants were thrown -- and heckles erupted between councilors inside Hong Kong's Legislative Council as they also sat on Thursday (May 28) to debate another piece of legislation: a bill that would criminalize disrespect of China's national anthem.

Protesters see the bill as a move by Beijing that delivers a severe blow to the city's freedoms.

Pro-democracy lawmaker Eddie Chu, was taken out of the chamber holding a placard mocking the pro-establishment lawmaker Starry Lee.

Also on Thursday, Activist Joshua Wong called for sanctions after U.S Secretary of State Mike Pompeo said Hong Kong is quote "no longer autonomous from China".

"Sanction is not exist name in only, partial sanctions, embargoes or even freeze the separate economic entity in Hong Kong would also be the way for some of the weapons or equipment for the world to let Beijing to know that it's a must to completely withdraw and stop the implementation of national security law."

The national security law is expected to be enacted before September.

Around the world the U.S., Britain and the European Union have expressed concerns for the former British colony and one of the world's financial hubs.


----
Politics

Police fire teargas in Hong Kong's biggest lockdown-era protests

Reuters Videos
But if you're suffering from a sense of deja vu - here's what's new: these are the biggest protests since lockdown restrictions began.
The reason: Beijing's plan to impose national security laws on the city.
Thousands marched through Causeway Bay amid fears that the 'one country, two systems' formula - which guarantees broader freedoms for the global financial hub than exist on the mainland, is under threat from China's tightening grip.
Democratic Party politician Lam Cheuk-Ting said the situation is critical:
"We are worried that the Chinese Communist Party is using the evil law to further suppress Hong Kong people."
Sunday's rally was initially organised against a controversial national anthem bill, but the proposed national security laws sparked calls for more people to take to the streets.
Police fired teargas to disperse crowds in chaotic scenes reminiscent of last year's at times violent mass protests and some protesters tried to set up roadblocks.
China has dismissed an international outcry over the proposed legislation as "meddling" and says the laws are "necessary" and will not harm Hong Kong's autonomy or foreign investors.
But the backlash against Beijing's play intensified on Saturday (May 23) as 200 political figures from around the world said in a statement that the proposed laws are a quote: "comprehensive assault on the city's autonomy, rule of law and fundamental freedoms."