Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Thứ trưởng VN: Câu hỏi về cá chết làm ‘tổn hại đất nước’

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã cắt ngang câu hỏi của một nữ phóng viên trong cuộc phỏng vấn tối 27/4 và nói câu hỏi đó làm ‘tổn hại đất nước’.
Trong video clip quay trực tiếp của Báo Thanh Niên được đăng tải trên mạng xã hội Facebook về cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, sau cuộc họp báo thông báo về nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, một nữ nhà báo đặt câu hỏi:
“Thưa ông trong cái kiểm nghiệm gần đây nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, chỗ có một loạt các bè cá chết, thì họ có nói trong nước kiểm nghiệm ra có kim loại nặng. Vấn đề ở đây là trong thời gian tới, chúng tôi muốn là mình có thể trong một thời gian ngắn, vì mùa du lịch sắp tới rồi, mà cá thì…”
Nghe tới đây, ông Võ Tuấn Nhân liền khoát tay ra hiệu dừng lại và nói: “Tắt máy. Tắt máy nghe. Xin lỗi. Không, không, để anh nói riêng với em. Đừng hỏi câu đó. Hỏi câu đó tổn hại cho đất nước của mình. Nhá. Em hỏi câu đó làm tổn hại cho đất nước của mình”.
Cuộc họp báo chóng vánh, chỉ khoảng 10 phút với một thông báo ngắn của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, tối 27/4 đã khiến nhiều nhà báo bức xúc nói họ ‘hụt hẫng’, ‘phẫn nộ’, ‘thất vọng’…, nhất là sau khi phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ vì các bộ, ngành phải họp kín.
Vụ cá chết hàng loạt, mà dư luận nghi là do ống xả thải của công ty thép Đài Loan Formosa ở Hà Tĩnh gây ra, đã khiến cho người dân cả nước hoang mang theo dõi. Tất cả các video truyền hình trực tiếp trên mạng xã hội của các hãng thông tấn trong nước đều thu hút lượng người xem khổng lồ.
Sau khi đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra 2 lý do là do tác động của độc tố hóa học của con người trên đất liền và trên biển hoặc do hiện tượng‘tảo nở hoa’ hay ‘thủy triều đỏ’, nhiều người đã phản ứng giận dữ qua các phát biểu trên mạng.
Đa số ý kiến tỏ ý nghi ngờ có sự khuất tất khi cả 7 Bộ và 1 viện với hàng chục ngàn tiến sĩ lại không thể đưa ra kết luật rõ ràng về nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường hiện nay. Thậm chí một số người nói tuyên bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường là ‘vô lý’ và ‘xem thường’ người dân.
Ý kiến ‘phản biện’ về 2 lý do trên lập tức được đưa lên mạng rằng “1. Hóa chất do hoạt động con người thải ra không đủ lớn để chết nhiều trên một diện rộng như vậy. Để có số lượng nhiều như thế phải do máy móc thải ra mà thôi! 2. Thủy triều đỏ và hóa chất do con người thải ra chỉ có thể ảnh hưởng tầng nước trên mặt, chứ không thể ảnh hưởng tới tầng đáy đại dương được. Trong khi cá chết là của tầng đáy”.
Đề nghị “Hãy trả lại thuế môi trường cho chúng tôi’ của tác giả Nguyễn Đình Bổn trên mạng cũng đã nhận được nhiều sự ủng hộ khi tác giả này cho rằng khoản thuế môi trường được tính 3.000 đồng/lít xăng hay ở các sản phẩm khác là ‘chưa thấy tác dụng gì mà chỉ thấy tác hại’.
Hiện tượng cá chết hàng loạt đã xuất hiện từ ngày 6/4, nhưng đến nay các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chưa có lời giải đáp cho thảm họa đang tác động mạnh đến đời sống hàng ngày của người dân và nền kinh tế vốn phục thuộc nặng vào biển ở các tỉnh miền Trung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét