Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Nhà cầm quyền tiếp tục chơi bài “lờ” trước thảm họa cá chết

Song Chi.
Báo chí quốc doanh mấy bữa nay hết nói về chuyện cá chết. Thay vào đó là chuyện đón tiếp Tổng thống Barack Obama sẽ qua thăm VN, chuyện bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa 14 và làm thế nào để ngăn chặn “các thế lực thù địch” phá hoại bầu cử và hàng lô hàng lốc những vấn đề “thường ngày ở huyện” khác. Trên mạng mối quan tâm cá chết, đi biểu tình vẫn còn nhưng mọi người cũng đang chia trí vì chuyện mạng facebook bị chặn khi có khi không, chuyện rủ nhau không đi bầu, tẩy chay trò hề bầu cử của đảng, rồi nào chuẩn bị thư từ, kiến nghị gửi Obama, kêu gọi Obama quan tâm đến vấn đề nhân quyền, tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm…ở VN.
Trên đất nước này mỗi ngày có quá nhiều chuyện bất công, phi lý, và thảm kịch xảy ra, nên chuyện gì dù lớn đến đâu mà nếu người dân không tiếp tục theo dõi và lên tiếng thì rồi cũng “cứt trâu để lâu hóa bùn”. Và đó đúng là điều mà đảng và nhà nước cộng sản mong muốn.
Cho đến nay, đã gần hai tháng kể từ ngày phát hiện hiện tượng cá chết vào khoảng đầu tháng Tư, câu hỏi vì sao cá chết, vì sao biển bị nhiễm độc, ai gây ra và phải xử lý ra sao…vẫn không hề có câu trả lời.
Nếu là một chế độ tự do dân chủ pháp quyền, ở đó luật pháp là tối thượng và nhân dân thật sự có tiếng nói, có quyền bầu chọn cũng như tống cổ đảng/người cầm quyền thông qua lá phiếu, chính phủ sẽ phải nhanh chóng, tích cực tìm ra nguyên nhân và xử lý quyết liệt đến cùng. Cho dù phải đưa một số nhân vật tai to mặt lớn vào tù, hay kể cả Tổng thống, Thủ tướng có bị mất chức vì đã để xảy ra thảm họa cho đất nước, cho dân tộc, song sẽ cứu được sinh mạng của bao nhiêu con người, của hàng thế hệ.
Nhưng với chế độ độc tài đảng trị ở VN thì khác. Như từ trước tới giờ vẫn vậy, mỗi khi gặp một sự cố gì không giải quyết được, đảng và nhà nước cộng sản bèn chơi trò “lờ”, mặc cho mọi sự phẫn nộ, mọi lời chửi bới, mọi thái độ phản ứng của người dân cứ như rơi tuột vào cái hố đen im lặng không một tiếng vang cho đến khi người dân mệt mỏi, chán ngán và không lên tiếng nữa. Thế là xong. Chế độ này đã tồn tại suốt bao nhiêu năm qua là bởi cái trò “lờ” rất hiệu quả này.
Khi chơi trò “lờ” như vậy, nhà cầm quyền tự cho là họ đã khôn ngoan vì nếu đụng vào xử lý rốt ráo thì sẽ bứt dây động rừng. Ví dụ, nếu là công ty Formosa gây ra thảm họa, thì danh sách những ai phải chịu trách nhiệm chắc chắn không chỉ có những người thuộc tập đoàn Formosa, mà là tất cả những ai đã hồ hởi đón rước cái công ty này vào, đã ký tên, đã thông qua, rồi các hợp đồng ký kết giữa hai bên có chặt chẽ, đúng đắn về mặt pháp lý không hay bị sơ hở khiến bây giờ há miệng mắc quai…Đó là chưa nói Formosa bây giờ có còn chỉ là của Đài Loan hay lại có cả ông bạn vàng Trung Cộng góp mặt góp vốn vào đó.
Còn một giả thuyết nữa là biển bị nhiễm độc không chỉ vì Formosa xả thải, mà còn do Trung Cộng nhúng tay vào đầu độc biển VN như đã làm đối với vùng biển gần Palawan, hòn đảo của Philippines thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, nhằm phá hoại công nghiệp đánh bắt cá ở đây, cắt đường mưu sinh của ngư dân trên đảo, từ đó xua đuổi ngư dân và dễ dàng chiếm đoạt. (“Philippines tố cáo Trung Quốc đổ hoá chất, đầu độc Biển Đông” (VOA), “Philippine Group Accuses China of Poisoning Disputed South China Sea Fish” (Breitbart). Nếu thật sự như vậy thì thì nhà cầm quyền VN lại càng co vòi, không dám mở miệng.
Để cứu vãn sự tồn vong của đảng, nhà cầm quyền quyết định chọn giải pháp im lặng, bao che cho những kẻ đã gây ra thảm họa cho đất nước, dân tộc thay vì đứng về phía nhân dân. Nhưng họ đã sai lầm bởi thảm họa lần này là quá lớn, và ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống cũng như sinh mạng của cả dân tộc VN, không chỉ hôm nay mà cả những thế hệ tương lai. Mà hậu quả cũng không phải chỉ người dân phải gánh chịu, mà cả nhà cầm quyền cũng đang phải lao đao.
Thứ nhất, khi chưa giải quyết được vấn đề thì người dân vẫn chưa dám ăn cá biển, ngư dân ra khơi hoặc không bắt được cá (vì cá chết quá nhiều), hoặc có bắt được cá thì cũng không bán được bao nhiêu. Hàng ngàn hàng vạn hộ ngư dân sẽ lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần, xã hội sẽ lại phải lo chuyện cứu đói cho ngư dân.
Hãy nhìn những bức ảnh đang lan truyền trên mạng vào ngày 22.5 này, ngư dân xã Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An làm đám tang cho cá, tiếp tục xuống đường với những câu hỏi nhức nhối:
- CHÍNH PHỦ ƠI
CÁ CHẾT BIỂN CHẾT VÀ CHÚNG TÔI ĐANG CHẾT
VÌ AI???
- RỪNG ĐÃ CHẾT VÀ BIỂN THÌ ĐANG CHẾT ...
NHỮNG CON THUYỀN NẰM NHỚ SÓNG KHƠI XA!
(hình lấy tử facebook của Tuyen Chí Nguyen (Anh Chí)
Ai sẽ trả lời cho họ? Không ai cả, tất nhiên, ở đất nước này, dưới chế độ này.
Khi ngư dân không thể ra khơi, những con thuyền phải nằm chờ trên bờ thì cũng có nghĩa là những ngày này lãnh hải VN gần như bị bỏ trống. Trước kia, chính những người ngư dân bình thường trên những con tàu nhỏ bé ấy mới là những người đóng vai trò xác nhận chủ quyền của VN trên biển, đồng thời canh giữ lãnh hải chỉ bằng sự có mặt của họ. Bây giờ, cùng lúc với việc Trung Cộng ra lệnh đơn phương cấm đánh bắt cá, mọi năm ngư dân Việt vẫn bất chấp lệnh và ra khơi nhưng năm nay phần lớn trong số họ phải nằm nhà.
Thế là Trung Cộng không cần đánh mà vẫn thắng. Nếu quả đúng là Trung Cộng đã âm thầm đổ hàng tấn chất độc xuống biển thì cái trò thâm độc, tàn ác đó đã thành công. Ngay cả sau vài tháng nữa khi Trung Cộng dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá như mọi năm, và hàng ngàn, hàng chục ngàn tàu cá của ngư dân Trung Quốc dưới sự yểm trợ của đủ loại tàu hải giám, ngư chính, tàu quân sự đội lốt dân sự ào ạt đổ ra biển Đông đánh bắt cá, thì ngư dân Việt vẫn chưa thể ra khơi, nếu biển vẫn còn bị nhiễm độc.
Nếu cứ nhìn vào diễn biến tình hình và suy nghĩ xem ai là kẻ được lợi nhất từ vụ biển bị nhiễm độc, thì cũng không thể trách tại sao chúng ta có quyền nghi ngờ là có bàn tay Trung Cộng nhúng vào. Song nếu muốn có kết luận chính xác thì phải có cuộc điều tra công phu, minh bạch nhằm tìm ra thủ phạm, tố cáo với thế giới và đưa thủ phạm ra tòa án của VN hoặc quốc tế, buộc phải bồi thường v.v…Là những việc mà chắc chắn nhà cầm quyền VN sẽ không làm.
Thứ hai, với hàng ngàn kilomet biển trải dải theo đất nước, VN là nước sống nhờ vào nền kinh tế biển khá nhiều. Khi chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề biển bị nhiễm độc, kinh tế VN sẽ bị ảnh hưởng, những ngành mua bán, chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản cho tới công nghiệp làm muối, làm mắm…đểu bị lao đao. Đối với một nền kinh tế đang khó khăn, nợ quốc tế ngập đầu, đang phải vay nợ sau trả lãi nợ trước, bức tranh ngân sách chưa bao giở xấu đến thế…như hiện tại, thì VN sẽ khốn đốn. Và một khi kinh tế khốn đốn, nhà cầm quyền sẽ phải đối mặt với sự phẫn nộ của người dân.
Vấn đề cuối cùng, ai cũng biết, đó là theo thời gian, mức độ ô nhiễm sẽ càng lan rộng, ngấm xuống cát, xuống lòng đất, theo dòng nước chảy từ Nam ra Bắc và ngược lại. Có nghĩa là người Việt sẽ phải đối diện với một thực tế là biển chỗ nào cũng có nguy cơ bị nhiễm độc, và không chỉ hải sản mà cả muối cũng có thể bị độc. Sẽ đến một ngày VN phải nhập khẩu cả cá, cả muối mà ăn. Còn nếu cứ ăn vào thì hoặc bị trúng độc ngay hoặc chất độc sẽ tích tụ lâu dài trong cơ thề dẫn đến ung thư, sinh ra những đứa trẻ chậm phát triển, dị dạng, quái thai…
Thái độ của nhà cầm quyền đã quá rõ, không thể biện minh hay lý giải theo bất cứ chiều kích nào khác. Rằng họ đã quyết định đánh bài lờ, bỏ mặc đất nước, nhân dân trước thảm họa, chỉ chăm chăm lo bảo vệ chế độ, bào vệ sự tồn tại của đảng bằng mọi giá. Để làm được điều đó, nhà cầm quyền sẵn sàng bao che cho những kẻ gây ra thảm họa biển chết, sẵn sàng bịt miệng báo chí, dư luận, tung công an chìm, công an nổi, côn đồ các loại đàn áp người dân, đánh không chừa cả phụ nữ, trẻ con nếu họ xuống đường biểu tình hoặc lên tiếng phản đối…Sẵn sàng bỏ ra vài ngàn tỷ VNĐ cho một trò hề bẩu cử nhưng để tốn tiền tìm ra nguyên nhân thảm họa, kiện cáo hoặc xử lý thủ phạm thì lại không làm.
Một chế độ phi nhân và sắt máu, chỉ biết đặt quyền lợi ủa đảng và của chính nó lên trên quyền lợi của nhân dân, đất nước thì sẽ luôn luôn ứng xử như thế, đừng mong chờ họ sẽ tự hay đổi. Chi khi nào sức ép của nhân dân đủ mạnh để buộc họ phải thay đổi hoặc thay thế một chế độ khác mà thôi.
Chính vì vậy người Việt cần phải tiếp tục lên tiếng. Bằng cách này cách khác. Không thể để cho nhà cầm quyền đánh bài lờ. Báo chí quốc doanh thì coi như đã lơ, chạy theo những vấn đề khác. Chỉ còn lại báo chí ngoài luồng, các trang mạng xã hội là nơi để tất cả những ai có lương tâm tiếp tục nhắc nhở mọi người đừng bỏ cuộc, phải tiếp tục đấu tranh cho đến khi nào nhà cầm quyền phải minh bạch, xử lý rốt ráo vấn đề, nếu không muốn đối mặt với làn sóng phẫn nộ của nhân dân.
Không ai, dù là ông Barack Obama, chính phủ Hoa Kỳ hay toàn bộ các nước châu Âu cứu được VN. Mọi vấn đề của VN, người Việt phải tự đứng lên giải quyết trước khi thế giới có thể thò bàn tay hỗ trợ, giúp đỡ phần nào. Và thảm họa lần này cũng vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét