Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Lực lượng và quyền tư lệnh chiến dịch Libya

Khu trục hạm USS Preble của Mỹ bắn hỏa tiễn vào Libya
Dù Anh và Pháp đang tỏ ra đi đầu trong chiến dịch quân sự nhằm vào Libya, nhiều người tự hỏi có đúng là hai nước này đang đóng vai trò chỉ huy hay không, như bài phân tích của Jonathan Marcus, BBC World Service sau đây:
Phi cơ của Pháp đã bắt đầu loạt oanh kích đầu tiên tại Libya nhưng cũng vẫn là Hoa Kỳ ở vị trí quân sự trọng yếu ngay tại giai đoạn đầu với khả năng tạo ra sức tàn phá với các cơ sở phòng không của Libya.
Hôm Chủ Nhật vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert Gates nói Washington sẽ trao lại quyền kiểm soát chiến dịch cho một liên minh mà Pháp, Anh và Nato dẫn đầu chỉ trong vài ngày tới.
Nhưng điều này có thể không dễ dàng.
Bộ Tư lệnh châu Phi
Vào thời điểm này, chiến sự vẫn được chỉ huy từ Bộ Tư lệnh châu Phi của Ngũ Giác Đài ở căn cứ đóng trên đất Đức.
Nằm tại Stuttgart, Bộ Tư lệnh này còn chỉ huy binh đoàn không quân đóng trong căn cứ Mỹ ở Ramstein, cũng trên đất Đức.

Lực lượng liên quân

Hoa Kỳ: phi cơ ném bom tàng hình B-2; phi cơ EA-18G Growler và AV-8B Harrier; khu trục hạm USS Barry và USS Stout bắn tên lửa tự tìm mục tiêu Tomahawk; tàu xung kích thủy bộ USS Kearsage; tàu chỉ huy USS Mount Whitney và các tàu ngầm.
Pháp: phi cơ chiến đấu Rafale và Mirage aircraft; phi cơ tiếp dầu và do thám; hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle và các tàu hộ tống.
Anh: phi cơ Typhoon và Tornado, máy bay tiếp dầu và do thám; tàu ngầm hạng Trafalgar bắn hỏa tiễn Tomahawk; chiến hạm HMS Westminster và HMS Cumberland.
Ý: máy bay Tornado và các căn cứ không quân.
Canada: phi cơ F-18 và tuần dương hạm HMCS Charlottetown.
Tây Ban Nha: phi cơ F-18; máy bay tiếp dầu và do thám, một tàu tuần dương, một tàu ngầm và các căn cứ quân sự.
Bỉ, Đan Mạch: máy bay F-16.
Bộ chỉ huy quân sự ở đâu không chỉ là vấn đề thực tế đòi hỏi mà còn có ý nghĩa chính trị.
Các bộ tư lệnh đều có cơ sở và hệ thống thông tin liên lạc nhằm kiểm soát hoạt động quân sự một cách có hiệu quả.
Chính vì thế, khi động binh, người ra cần những bộ chỉ huy đã hoạt động tốt.
Với một sứ mệnh đa quốc gia như trận chiến Libya, Nato hiển nhiên trở nên đối tác lý tưởng, vì cũng đã từng lãnh trách nhiệm chỉ huy chiến dịch đuổi quân Serbia ra khỏi Bosnia.
Bộ tư lệnh Centcom, vốn từng chỉ huy cuộc xâm lăng Iraq để lật đổ Saddam Hussein cũng có thể đóng vai trò tương tự.
Nhưng việc lựa chọn Bộ Tư lệnh châu Phi (Africom) là dễ hiểu nhất.
Là một trong sáu bộ tư lệnh vùng của Hoa Kỳ, Afticom được thành lập mới vào năm 2007, cho thấy các quyền lợi an ninh của Mỹ tăng lên ở lục địa châu Phi.
Ý định ban đầu là để Africom nằm tại một nước châu Phi nhưng sau cùng người ta không thể nào đạt được thỏa thuận đó.
Vì thế, nó được hình thành từ phần phình ra của Bộ Tư lệnh châu Âu thuộc Ngũ Giác Đài, và nay nằm ở châu lục này.
Tới đây, Hoa Kỳ hy vọng sẽ chuyển sang vị trí hỗ trợ, cung cấp tin trinh sát và các việc khác cho liên quân tiếp tục chiến dịch Libya.
Vậy cơ quan nào có thể đảm nhận vai trò của Africom?
Khối Nato sẽ làm gì?
Phát biểu tại Hạ viện Anh, Thủ tướng David Cameron nêu rõ ý định của mình khi nói rằng ông muốn thấy "quyền chỉ huy được chuyển sang cho khối Nato".
Theo ông, Nato đã từng được thử thách, có thể kết hợp các nước với nhau, và đã từng quản lý vùng cấm bay trong quá khứ.
Nhưng chọn Nato cũng có nhiều vấn đề.
Một trong các lý do khiến Nato không chỉ huy được là vì các nước thành viên chưa đồng ý xong về cách làm đó.
Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ không thoải mái cả về mục tiêu và tầm vóc của chiến dịch Libya.
Nữ quân nhân Pháp trước phi cơ Mirrage 2000 chuẩn bị không kích Libya
Các nước khác cũng có nỗi ngần ngại riêng.
Chẳng hạn Na Uy cho hay sáu phi cơ tiêm kích của họ sẽ không tham gia bất cứ phi vụ nào chừng nào không rõ quốc gia nào sẽ chỉ huy.
Ý cũng cảnh báo họ sẽ xem lại chuyện cho dùng các căn cứ nếu như Nato không nắm quyền chỉ huy.
Trước mắt, kế hoạch quân sự của Nato vẫn tiếp diễn nhưng trên cơ sở phối hợp tác chiến cấp thời.
Cũng chưa thấy phía chính trị bật đèn xanh nên như Nato nói vào lúc này, "các thảo luận đều mang tính không chính thức".
Còn một vấn đề chính trị nữa với Nato: nhờ có Liên đoàn Ả Rập ủng hộ mà nghị quyết 1973 thông qua được tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Kể từ đó, trước dấu hiệu thoái lui từ ông Amr Moussa, tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập (nay ông lại mới nói ông ủng hộ hoàn toàn vùng cấm bay), đã có các cố gắng lôi kéo thêm không quân từ một số nước Ả Rập tham gia.
Qatar đồng ý vào cuộc và Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng nói sẽ tham dự.
Qatar có thể góp mặt bằng một số phi cơ Mirage do Pháp sản xuất, bên cạnh các phi đội của Pháp.
Nhưng các chính phủ Ả Rập không thích sự lãnh đạo của Nato, vì Nato đang hiện diện quá rõ ở Afghanistan trong chiến dịch gây ra nhiều điều tiếng ở không ít quốc gia Ả Rập.
Ngoại trưởng Pháp, Alain Juppe nói:
"Liên đoàn Ả Rập không mong muốn chiến dịch sẽ hoàn toàn do Nato đảm nhận trách nhiệm."
Nhưng ông Juppe cũng đồng ý rằng cần để Nato đóng một vai trò.
Như thế, một giải pháp 'tham gia không đầy đủ' xem ra lại khả thi nhất.
Michael Clark, Giám đốc Viện nghiên cứu 'Royal United Services Institute' ở London kết luận về chuyện này:
"Trao lại quyền chỉ huy cho một nước thuộc Nato nhưng vẫn dùng cơ chế điều hành của Nato sẽ có ý nghĩa cả về chính trị và quân sự."
Theo ông, vì chiến dịch xảy ra ngay bên kia bờ Địa Trung Hải và không bị thách thức nhiều về hậu cần, cách làm này xem ra ít nhiều hợp lý hơn cả.
Bấm M̀ời quý vị tham gia Diễn đàn BBC về thái độ các nước quanh chủ đề Libya.
Tướng David Richards (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Liam Fox
Anh Quốc động binh: Tướng David Richards (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox tại London sau cuộc họp về Libya

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét