Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

VN bắt nhân vật bất đồng chính kiến

Ông Vũ Quang Thuận
Ông Vũ Quang Thuận là quyền Chủ tịch Phong trào Chấn hưng nước Việt
Chính quyền Việt Nam vừa bắt giam và khởi tố bị can đối với ông Vũ Quang Thuận vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN.
Ông Thuận là quyền Chủ tịch Phong trào Chấn hưng nước Việt, mà một bị can trong vụ án Lê Công Định - doanh nhân Lê Thăng Long, là sáng lập viên.
Ông Long hiện đang thực hiện án tù 3 năm 6 tháng sau khi bị bắt hồi tháng 6/2009.
Báo chí Việt Nam đồng loạt trích nguồn Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết cơ quan công tố của Việt Nam đã "phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Quang Thuận để điều tra về hành vi Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam" theo Điều 88 bộ Luật Hình sự.
Được biết ông Vũ Quang Thuận, 44 tuổi, bị bắt ngay trước Tết tại sân bay Tân Sơn Nhất khi nhập cảnh vào Việt Nam từ Malaysia.
Trước đó, vào tháng 4/2010 khi tỵ nạn chính trị tại Malaysia, ông bị cảnh sát nước sở tại bắt lúc ông tự thiêu tại tòa tháp đôi Petronas.
Báo chí Việt Nam nói ông Thuận có "âm mưu khủng bố", trong khi phong trào Chấn hưng nước Việt nói hành động của ông là để phản đối cảnh sát Malaysia trục xuất hai thành viên của phong trào này.
Ông đã phải ra tòa nhiều lần ở Kualar Lumpur trước khi bị trục xuất về Việt Nam vào tháng 2/2011.
Các tổ chức đối kháng ở hải ngoại cáo buộc chính phủ Việt Nam đã gây áp lực với Malaysia để trục xuất ông.

Chấn hưng nước Việt

Phong trào Chấn hưng nước Việt được thành lập từ năm 2007, với khẩu hiệu 'Dân chủ-Nhân bản-Hòa bình-Công bằng-Thịnh vượng'.
Sáng lập viên, ông Lê Thăng Long, lúc đó nói chủ trương của phong trào này là "Hợp tác, cải tiến, bất bạo động, đối thoại, lắng nghe, vì quyền lợi chung lâu dài của dân tộc".
Ông cũng bày tỏ tham vọng sẽ đưa Việt Nam phát triển "hơn cả Singapore".
Tuy nhiên, theo báo Việt Nam, hai ông Vũ Quang Thuận và Lê Thăng Long đã "lập tổ chức trên và lôi kéo một số người tham gia tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".
Cơ quan an ninh Việt Nam nói trong năm 2008, Phong trào Chấn hưng nước Việt đã tổ chức bảy hội thảo với danh nghĩa "Hội nghị bàn về phương thức phát triển kinh tế" tại nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đăk Lăk...
Ông Lê Thăng Long sau đó bị công an bắt và đưa ra tòa cùng đợt với các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung.
Ông Vũ Quang Thuận đã bỏ trốn ra nước ngoài, rồi tới Malaysia, nơi ông được Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc UNCHR cấp quy chế tỵ nạn.
Báo Việt Nam nói tại đây, ông "tiếp tục soạn thảo các tài liệu có nội dung xuyên tạc, chống phá nhà nước, chuyển cho một số nghi phạm để phát tán lên mạng Internet".
Một số thành viên của Phong trào Chấn hưng nước Việt cũng đã bị bắt khi đang lưu vong.

Vận động CPC

Trong khi đó, đang có nỗ lực trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại nhằm vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt nam vào lại danh sách Các Quốc gia gây quan ngại về Nhân quyền và Tự do Tôn giáo (CPC).
Biểu tình của người Việt ở Mỹ
Người Việt ở Mỹ kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam
Được biết tuần tới, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ cân nhắc danh sách CPC.
Việt Nam từng bị liệt kê trong danh sách này, nhưng được bỏ tên khỏi CPC năm 2006 vì "đã có tiến bộ".
Nay, một số nhóm người Việt đang phổ biến thỉnh nguyện thư tới các lãnh đạo Hoa Kỳ, kể cả Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton để vận động đưa Việt Nam vào lại CPC.
Lý do mà họ đưa ra là vì Việt Nam đã vi phạm nhân quyền và đàn áp các hoạt động dân chủ một cách có hệ thống.
Mới đây, trong phúc trình thường niên của mình, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch cũng khuyến nghị cho Việt Nam vào CPC.
Chính phủ Việt Nam sau đó nói các nhận định của HRW về tình hình nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam là "sai trái".
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ ở Việt Nam cũng cho rằng tình hình tự do tôn giáo ở đây đã có nhiều tiến bộ.
Trong một điện tín gửi từ Hà Nội, mới được Wikileaks công bố, đại sứ vừa hết nhiệm kỳ Michael Michalak tỏ ra quan ngại về tình trạng nhân quyền nhưng không khuyến nghị đưa Việt Nam vào lại CPC.
Ông đại sứ chỉ khuyến cáo "sử dụng các cơ hội đối thoại cấp cao để gây áp lực đòi Chính phủ Việt Nam tiếp tục mở rộng tự do tôn giáo".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét