Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Ngoại trưởng Hoa Kỳ kêu gọi tự do internet

Bà Hillary Clinton
Ngoại trưởng Hillary Clinton cảnh báo các quốc gia độc tài không nên hạn chế tự do internet vì sẽ không thể thành công.
Bà cũng nêu tên Việt Nam trong số các nước hạn chế tự do trên không gian ảo.

Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ cuộc nổi dậy Ai Cập, bà Clinton nói Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy tự do internet trên toàn cầu.
Phát biểu của bà Clinton được đưa ra đúng lúc các nhà vận động trên mạng đang tổ chức biểu tình chống chính phủ tại một số quốc gia Trung Đông.
Bà ngoại trưởng nói: "Đây là ưu tiên hàng đầu về chính sách ngoại giao và ưu tiên này sẽ ngày càng được chú trọng trong những năm tới".

Hạn chế tự do

Trong bài diễn văn quan trọng về chính sách đối ngoại, bà Hillary Clinton thông báo rằng chính phủ Mỹ sẽ đầu tư thêm 25 triệu đôla để hỗ trợ các nhân vật bất đồng chính kiến trên mạng internet, cũng như các nhà vận động chống lại sự trấn áp của chính quyền trên không gian ảo.
Bà nêu danh Trung Quốc, Syria, Cuba, Việt Nam và Miến Điện như các quốc gia đang hạn chế ngôn luận trên internet, và nói rằng cố gắng của Ai Cập nhằm bịt miệng người biểu tình bằng cách chặn mạng internet đã không thành công.
Theo bà Clinton, các mạng xã hội như Twitter và Facebook là công cụ quan trọng cho người dân cất tiếng nói bày tỏ nguyện vọng của mình.
Bà ngoại trưởng cũng thông báo rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ mở tài khoản Twitter bằng các thứ tiếng Hoa, Nga và Hindi, bên cạnh các tiếng đã sẵn có là Pháp, Tây Ban Nha, Ảrập và Farsi.
Bà thừa nhận rằng vấn đề còn tồn tại trên mạng internet là các lời lẽ hằn học có thể gây thù hận, nhưng cho là nhiều khi việc kiểm duyệt những lời lẽ đó lại là vi phạm quyền tự do ngôn luận.
"Cách trả lời tối ưu nhất cho những lời lẽ hằn học là có thêm tự do ngôn luận. Người dân cần phải lên tiếng chống lại sự hiềm khích và thù hằn."
Ngoại trưởng Clinton cũng gắn tự do internet với phát triển kinh tế.

Vụ Wikileaks

Bài phát biểu của bà Clinton cũng trùng hợp với thời điểm ở Mỹ đang có ý kiến không đồng nhất về việc rỏ rỉ trên mạng Wikileaks hàng trăm nghìn tài liệu mật.
Đây (tự do internet) là ưu tiên hàng đầu về chính sách ngoại giao và ưu tiên này sẽ ngày càng được chú trọng trong những năm tới.
Ngoại trưởng Hillary Clinton
Bà ngoại trưởng tuyên bố cần phân biệt rõ ràng việc Wikileaks nắm trong tay các điện tín mật của quốc gia với tự do internet.
"Về bản chất thì vụ Wikileaks bắt đầu bằng hành vi trộm cắp. Tài liệu của chính phủ bị ăn cắp cũng giống như bị lấy trộm ra ngoài vậy."
Bà phản ứng trước lập luận cho rằng chính phủ cần thực thi tất cả các hoạt động một cách công khai và minh bạch.
"Hoa Kỳ không thể bảo đảm an ninh cho người dân cũng như thúc đẩy nhân quyền và dân chủ trên thế giới nếu như chúng ta phải công bố tất cả các chi tiết của những chiến dịch nhạy cảm nhất."
Trước đó, Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã ra phúc trình chỉ trích nỗ lực của Bộ Ngoại giao trong việc đấu tranh chống kiểm duyệt internet tại Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Ủy ban này nói quan chức ngành ngoại giao quá chậm chạp trong việc chi tiêu các khoản ngân quỹ mà Hạ viện đã cấp để phát triển công nghệ chống kiểm duyệt mạng.
Phúc trình này dự tính được công bố trùng thời điểm với bài phát biểu của bà Hillary Clinton tại Đại học George
Washington.

Quốc hội Mỹ đã dành cho chương trình tự do internet của Bộ Ngoại giao 50 triệu đôla kể từ tài khóa 2008, nhưng vẫn còn 30 triệu chưa được sử dụng và rất ít tiền được chi cho việc phát triển cá cphần mềm nhằm giúp chống lại việc kiểm duyệt mạng ở các nước như Trung Quốc, Miến Điện hay Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét