Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

Lưu ý bùn thải quặng đuôi tại Tây Nguyên
Ngày 08.11.2010, 07:49 (GMT+7)

SGTT.VN - Cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học để kiểm tra xem sắt khai thác ở Cao Bằng là sắt gì, thành phần ra sao mới có thể cảnh báo về an toàn, sức khoẻ cũng như môi trường sống cho người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hoè (giảng viên khoa môi trường, đại học Khoa học tư nhiên, đại học quốc gia Hà Nội, kiêm trưởng ban phản biện xã hội – hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) nói: “Tôi có đọc nhưng tôi cho rằng một số báo đang “đánh đồng” giữa bùn đỏ và bùn thải đuôi quặng màu đỏ là một, sự “lập lờ” này có thể gây hoang mang cho người đọc. Có hai loại bùn màu đỏ liên quan đến khai thác bôxít laterit và sản xuất alumin cần phải phân biệt rõ. Loại thứ nhất xuất hiện khi tuyển rửa quặng bôxít nguyên khai thành quặng tinh. Sản phẩm thải ra chủ yếu là đất trộn lẫn các hạt quặng bôxít có đường kính nhỏ hơn 1mm. Loại bùn đất này tuy cũng có màu đỏ nhưng thuật ngữ chuyên môn gọi là bùn thải đuôi quặng, không phải là chất thải công nghiệp hay chất thải độc hại vì quá trình tuyển rửa không dùng hoá chất.
Loại thứ hai sinh ra trong quá trình sản xuất alumin từ bôxít theo công nghệ Bayer và có tên là bùn đỏ (Red Mud). Quy trình Bayer có sử dụng xút (NaOH) nên bùn đỏ là loại chất thải công nghiệp độc hại, gây nhiều tác động xấu đến sức khoẻ con người và phải được xử lý theo quy định chất thải độc hại”.
Hiện có nhiều lo lắng khi cho rằng bùn tại Cao Bằng có thể chứa các chất gây độc hại cho sức khoẻ con người, ý kiến của ông là như thế nào?
Hiện nay chúng ta chưa rõ được thành phần của mỏ, chưa rõ quá trình công nghệ tuyển như thế nào, có dùng hoá chất hay không nên chưa thể nói điều gì. Do đó, để có câu trả lời chính xác phải kiểm tra thành phần của mỏ. Đây không phải lần đầu tiên Cao Bằng để xảy ra sự cố này, do đó đã đến lúc phải có xác minh khoa học rõ ràng.
Từ sự cố này ông nghĩ gì về những lo lắng về sự an toàn các đập bôxít Tây Nguyên?
Tây Nguyên là vùng có địa hình cao, luôn có nguy cơ xói lở. Theo các báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án bôxít Nhân Cơ, nước thải và bùn đỏ có khối lượng tới hơn 11 triệu m3/năm. Tính toán ban đầu cho thấy dự án Nhân Cơ sau 15 năm khai thác dung tích hồ chứa bùn đỏ lên đến gần 9 triệu m3 và nếu khai thác ở Tân Rai thì cả đời dự án thải ra 80 – 90 triệu m3 bùn đỏ, như vậy chúng ta cần những hồ chứa có dung tích rất lớn.
T. Tuyền
Tiến sĩ Nguyễn Văn Ban – nguyên trưởng ban dự án nhôm (tổng công ty Khoáng sản Việt Nam): “Phải quan tâm thêm bùn thải quặng đuôi tại Tây Nguyên. Từ trước tới nay, chúng ta bàn nhiều tới bùn đỏ ở Tây Nguyên nhưng chưa nói nhiều tới bùn thải quặng đuôi. Trong khi để có được 1 triệu tấn quặng tinh sẽ phải thải ra 2,5 triệu tấn bùn quặng đuôi chưa kể nước. Với công nghệ thải ướt hiện nay, cộng khối lượng bùn thải lớn như vậy thì nguy cơ vỡ đập là rất đáng lo lắng. Tất nhiên, độc hại của bùn thải quặng đuôi không như bùn đỏ nhưng nguy cơ xảy ra “lũ bùn” như Cao Bằng thì thực sự đáng lưu tâm”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét