Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Tây Nguyên Trong Thương Nhớ
Đó không phải một bất ngờ khi chúng tôi nghiên cứu về bô xít, nhiều nǎm tháng qua sự nghiên cứu về biên giới Việt Trung và biển Việt Nam đã lấy đi rất nhiều thời gian của chúng tôi. Hầu hết các nghiên cứu về biên giới lãnh thổ Việt Nam và Trung Hoa cũng như biển và hải phận được lưu trữ trên http://www.newsforce1.com/ và tôi hy vọng sẽ đǎng trên blog www.quandiemvietnam.blogspot.com  để nhiều người trong nước được đọc.
Tây Nguyên và vùng bán bình nguyên đã chiếm hết mười nǎm trong đời tôi, khi cuộc chiến bằng súng đạn và chính trị nối tiếp đan quyện nhau trên suốt một vùng đất rộng lớn của Cao nguyên Mơ Nông và bán bình nguyên đá huyền vũ, nhưng vẫn chưa đủ để tôi vơi thương nhớ mặc dù sau này chúng tôi không còn có dịp trở lại những nơi mà mặc dù tiếng súng đã ngừng, nhưng máu lệ và mồ hôi đã nhỏ xuống trên núi rừng bán bình nguyên.
Những ký ức về chuyến bay trên chiếc Caribou C123 của không quân Úc từ Đà Lạt đến Pleiku bụi đất đỏ phi trường bay mù mịt, rồi trở ra Cam Ranh, dừng chân đây trong đêm rồi sáng mai trở lại Sàigòn. Ký ức về nhiều nǎm tháng trên cao nguyên Lâm Viên, những nǎm trưởng thành trong khói lửa. Ký ức về những con đường mang tên Lâm Viên, Alpha, hồ Than Thở thơ mộng. Đà Lạt trong sương mù, những chiều nao khi đỉnh Trinh Nữ phủ lớp sương trắng như tấm voan mỏng trên đôi ngực trần của người con gái e ấp. Làm sao quên được những chuyến xe đò Minh Hưng dừng chân ở Bảo Lộc hớp ngụ chè xanh trước khi đi Di Linh. Phi trường Liên Khang nơi dừng chân hàng nǎm của nhiều người trai trẻ trong thời gian hết phép. Cũng không quên những lần bắn đêm bó gối dưới các hố cá nhân mà đôi lúc mưa phùn bay không đủ ướt chiếc khǎn choàng cổ màu xanh ngọc. Rồi Vallée d’Amour, thác Prenne, Couvent, Adrian, những con đường trữ tình trên sân Cù mà thấp thoáng phía xa giàn hoa giấy màu tím trước cửa nhà ai.
Rồi những nǎm tháng rời xa Lâm Viên, tôi đã có dịp trở lại bán bình nguyên basalt với một thân phận khác. Chinh chiến đã qua nhưng gió bụi vẫn bao trùm lên nhiều thân phận. Tôi đã không quên những chặn đường ngút ngàn trên thượng nguồn sông Bé, nơi mà những trưa tôi nằm ngủ nghe tiếng nước sông chảy qua kẻ đá dưới chân cầu 10 tấn, nơi mà trận lửa rừng nǎm nào khiến chúng tôi phải tìm đường thoát trên chiếc bè tre, nơi những người thiểu số M’Nong đã từng giúp tôi những ngày tháng lũ ngập sông Bé, những nhà tranh xiêu vẹo của họ bốc khói trong sương chiều cho tôi bữa cơm khoai sắn, những trái ớt cay, những củ khoai môn luộc, hay những củ khoai mài mà vào mùa mưa coi như không sao tìm được. Người M’Nong rất gần với tôi, sự chất phác hồn nhiên của họ khi mà muỗi mòng, vắt đỉa dường như họ không biết sợ, nhưng tình người không bao giờ mất. Những lon gạo đổi lấy chiếc áo rách đã giúp tôi sống sót vào những ngày đói rét như da bọc xương. Rồi một ngày qua cầu Phước Bình trên giòng sông dưới một thung lũng mà những trái bazooka của địch có thể chặn đứng một đoàn con voa, đến Thác Mơ nơi tiếng thác chảy thật dễ thương. Tôi đã lắng nghe tiếng chuông nhà thờ Bù Đǎng, từ ngã ba chợ Minh Hưng con đường đất đỏ dẫn đến Bù Loi gần sóc Bombo, nơi mà rừng khoai mì bạt ngàn nhưng chúng tôi vẫn đói. Những đêm nào đến “trọ” Bù Gia Mập gần trên biên giới Việt Kampuchea nghe nổi lòng xót xa thận phận lưu đày. Mùa mưa trên bán bình nguyên basalt đầy kỹ niệm và cay đắng khi phải sống với biết bao đau thương giữa kẻ thù con người tàn nhẫn và loài vật hút máu, nó chất chồng bao ký ức, vừa thấm thía vừa là một bài học, một chuỗi nổi nhớ thưƠng in sâu trong ký ức, chìm đắm trong mơ hoặc về ý nghĩa bạn thù.
Nhiều nǎm tháng sau, tôi đã có dịp đến Dầu Tiếng lên tận nguồn sông Sàigòn, mà mỗi khi mùa mưa đến nước sông dâng cao, chảy như thác đổ. Từ đó đến Bến Cát, những chiều mưa cô đơn, những giòng sông hiu quạnh mà chỉ còn nghe tiếng máy đuôi tôm xé nước tạo những bọt trắng dưới ánh trǎng sao. Khi ấy đập Trị An vẫn chưa hoàn thành, và đêm trên thượng nguồn sông Sài gòn còn là nơi cho những người lang bạt dị kỳ không mang một tung tích rõ rệt.
Tây Nguyên đất đỏ, ở đâu cũng màu đất đỏ, màu đất đỏ như máu của dân tộc Tây Nguyên. Màu đất đỏ có thể nhìn thấy từ trên trời cao, màu đất đỏ thấm vào lòng đất, lòng người. Tôi là người lữ hành trên đất nước quê tôi, gánh thời gian chinh chiến trên đôi vai, ôm trọn trong lòng bao ký ức khó nhạt phai về tình yêu và sự ghét, giờ đây tuy xa cách Tây Nguyên nhưng vẫn chôn sâu nơi đấy trọn tình yêu thương muôn thuở. Có lẽ sự thơ ngây, chất phác hiền hoà của dân tộc Tây Nguyên khiến tôi dâng trào bức xúc khi khi nghĩ về thảm kịch của thân phận dân tộc Tây Nguyên đang và sẽ nằm trọn dưới gót sắt của một chính sách xâm lược mới với sự tiếp tay của đảng cộng sản Việt Nam vào một ngày không xa nữa.
Hoàng Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét