Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Chất thải bôxit gây bỏng da, ung thư phổi
Ngoài khả năng giết chết toàn bộ cá trong sông, chất thải bô xit tại Hungary còn có thể gây ung thư và bỏng cho người, biến đất trồng thành đất hoang hóa và phá hoại hệ sinh thái trên diện rộng.
Chất thải từ bôxít của một nhà máy sản xuất nhôm ở miền tây Hungary hôm 4/10 tấn công ba thị trấn, giết chết 4 người và làm ít nhất 120 người bị thương. Hôm qua bùn độc đã tới sông Danube, Raab và Marcal. Toàn bộ cá trong sông Marcal đã bị giết chết.
Livescience đưa tin công nhân đang đổ thạch cao xuống sông Marcal để làm đông đặc bùn đỏ. Họ cũng dùng hóa chất để trung hòa các chất độc. Cơ quan Cứu hộ quốc gia Hungary thông báo các kỹ sư đề nghị chỉnh dòng chảy của sông Marcal để nước chảy vào những cánh đồng. Tuy nhiên, giới chức phản đối kế hoạch vì sợ rằng hành động đó sẽ gây nên tác hại lớn hơn.
Bùn đỏ là sản phẩm được thải ra trong quá trình xử lý bôxít để sản xuất nhôm. Loại bùn này thường được chứa trong các bể, hồ. Ở trạng thái bùn, chất thải có thể phá hủy quần áo và gây bỏng trên da. Sau khi nước trong bùn bốc hơi, bùn biến thành đất khô màu đỏ giống đất sét. Những hạt bụi siêu nhỏ tạo nên loại đất đó có thể bay lơ lửng trong không khí. Nếu người dân hít phải chúng, họ sẽ có nguy cơ mắc ung thư phổi rất cao. Các tổ chức môi trường cho rằng, sau thảm họa này các chính phủ nên cấm việc chứa chất thải bô xit trong các bể lộ thiên.
Giới chuyên gia vẫn chưa biết hết tên của những chất độc trong bùn đỏ. Các quan chức cho rằng trong số chất độc có arsen (thạch tín) và crom. Chưa ai dự đoán được những tác động lâu dài của bùn đỏ.
Giới chức Hungary và các chuyên gia nhận định việc làm sạch bùn và phục hồi cuộc sống tại những vùng bị bùn đỏ tấn công sẽ kéo dài vài năm. Nước uống có thể nhiễm độc do hóa chất ngấm xuống đất và mạch nước ngầm. Người dân cũng sẽ không thể trồng trọt hay sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm.
Báo New Zealand Herald cho hay, các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại bùn đỏ có thể gây nên hậu quả lớn đối với hệ sinh thái biển quốc tế, bởi sông Danube chảy qua Hungary, Croatia, Serbia, Romania, Bulgaria, Bulgaria, Ukraine và Moldova trước khi đổ vào Biển Đen.
“Thảm họa tại Hungary có thể vượt qua biên giới nước này”, ông Joe Hennon, người phát ngôn của Liên minh châu Âu, nói.
Liên minh châu Âu từng kêu gọi giới chức Hungary thực hiện mọi biện pháp để ngăn cho bùn không tới sông Danube, nhưng điều họ không mong muốn đã xảy ra.
Minh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét