Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

QUỐC HỘI PHẢI BÀN VỀ BAUXITE 090506

thứ tư, 6 tháng 5, 2009


QUỐC HỘI PHẢI BÀN VỀ BAUXITE 090506

Thanh Thủy

Gửi đến BBC từ Hoa Kỳ

Cách ra quyết định trong vụ Bauxite hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc nhà nước pháp trị, mà Việt Nam từ lâu đã hô hào xây dựng.

Điều 83 Hiến pháp 1992 quy định rằng Quốc hội là "cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất," có quyền "quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước...".

Dù điều 4 Hiến pháp quy định Đảng Cộng Sản là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội", điều đó không có nghĩa Đảng Cộng Sản đứng trên Nhà nước và pháp luật, mà trái lại, điều 4 Hiến pháp ghi rõ: "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, trong một bài phỏng vấn gần đây với báo Tiền Phong, đã chỉ ra rõ ràng sự khác biệt giữa quyền lãnh đạo của ĐCSVN và quyền lực Nhà nước tối cao của Quốc Hội: "Lãnh đạo phải thông qua đường lối, cương lĩnh, thông qua tổ chức, cán bộ. Từ cương lĩnh, những ý tưởng chính trị phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật và quản lý đất nước bằng hiến pháp, pháp luật,"

Ông cũng nói: "Cho toàn dân. Nếu dân ủng hộ và nội dung những chỉ thị, nghị quyết đó được chuyển hóa vào hiến pháp, pháp luật, lúc bấy giờ biến thành của dân và chỉ có luật pháp mới có giá trị bắt buộc."

Việc Bộ chính trị ra nghị quyết, khẳng định như đinh đóng cột rằng đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mà không trình Quốc hội bàn thảo và ra quyết định, là vi phạm hiến pháp.

Đây không phải là ý kiến mới, mà nhiều nhân sĩ trí thức đã lên tiếng. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng khẳng định vấn đề khai thác Bauxite là không hợp pháp: "Ông Thủ tướng đã tuyên bố rằng đây là chủ trương lớn của Đảng và của Nhà nước, vậy thì vì sao mà không đưa ra trước Quốc hội? Phải trình Quốc hội chứ."

Trí thức trẻ Lê Minh Phiếu cũng đã chỉ ra rằng "Khoản 3 Điều 47 Luật Đầu tư Hiện hành quy định, đối với dự án quan trọng Quốc gia thì Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và quy định tiêu chuẩn dự án, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thẩm tra và cấp giấy chứng nhận đầu tư."

Như vậy, theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, kế hoạch khai thác, chế biến Bauxite ở Tây Nguyên cần phải đưa ra Quốc hội bàn thảo. Vấn đề đặt ra là trong hoàn cảnh bây giờ, Quốc hội có thể làm được gì?
Chỉ thị, nghị quyết là để lãnh đạo, chỉ mang ý nghĩa bắt buộc trong nội bộ Đảng và có ý nghĩa vạch đường, chỉ lối

Nguyên chủ tịch QH Nguyễn Văn An

Quốc hội có thể làm gì?

Cần phải làm rõ thực tế quyền lực của Quốc hội bây giờ. Thời gian họp của Quốc hội quá ít, mỗi năm hai lần, mỗi lần khoảng một tháng rưỡi. Để Quốc hội họp khẩn cấp, theo điều 63 Luật tổ chức Quốc hội, cần "Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu", hoặc cần Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội triệu tập.

Chủ tịch nước, Thủ tướng thuộc Bộ chính trị rồi Ủy ban Thường vụ QH toàn là lãnh đạo cấp cao của Đảng, vậy liệu có đại biểu Quốc hội nào dám đứng ra tập hợp một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội hay không?

Đó là chưa kể, ngay cả khi Quốc Hội họp, thì Ủy Ban Thường vụ QH "dự kiến chương trình làm việc" của kỳ họp (Điều 63).

Ai dám chắc vấn đề Bauxite sẽ được đưa ra, hay được dành thời gian bàn thảo, chất vấn đủ?

Nếu có được đưa ra biểu quyết, với tình hình như hiện nay là 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên và toàn bộ thành viên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội là cán bộ cấp cao của Đảng, kết quả biểu quyết gần như chắc chắn sẽ thông qua dự án.

Với 90% đại biểu Quốc hội là người của Đảng, và UBTVQH, cơ quan có quyền lực rất lớn trong nội bộ Quốc hội, bao gồm các cán bộ cấp cao của Đảng - tức phải chấp hành các quy định của Bộ Chính trị mà không được bàn cãi - chính Quốc hội cũng trở thành bất lực khi muốn phản ánh nguyện vọng của hơn 80 triệu dân một cách trung thành, khi nguyện vọng đó trái với quyết định của Bộ chính trị.

Tuy vậy, ngay cả trong tình hình ấy, việc đưa ra bàn thảo công khai ở Quốc hội là điều phải làm để dự án Bauxite được hợp pháp.

Điều 75 Luật tổ chức Quốc hội quy định: "Quốc hội xem xét các dự án, công trình quan trọng Quốc gia sau khi nghe thuyết trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban hữu quan và biểu quyết thông qua sau khi Quốc hội đã thảo luận."

Trong kỳ họp Quốc hội giữa năm, dự án Bauxite cần được đưa ra trước Quốc hội để chất vấn, để có sự bàn thảo công khai làm sáng rõ vấn đề.

Quốc hội thậm chí có thể yêu cầu điều trần trước Ủy ban Dân tộc và các ủy ban hữu quan để vấn đề được mổ xẻ chi tiết hơn.

Quy trình này có hai điều lợi.

Thứ nhất, việc công khai đưa ra thảo luận trước Quốc hội khiến phía Chính phủ cần phải kỹ càng hơn và thận trọng hơn khi xây dựng dự án.

Bàn thảo trước Quốc hội có thể khiến thay đổi một số điểm quá phi lý của Dự án, làm giảm bớt thiệt hại. Giống như sau khi các trí thức có kiến nghị, Bộ Chính trị đã điều chỉnh lại một số quy định cho hợp lòng dân hơn.

Thứ hai, thảo luận công khai khiến người dân có cơ hội theo dõi, thực hiện quyền giám sát của mình. Các buổi làm việc này cần phải được truyền hình trực tiếp để người dân quan tâm trực tiếp theo dõi, giám sát.

Tôi vẫn tin rằng nhiều đại biểu sẽ nói lên tiếng nói của lương tâm và phản ánh nguyện vọng của nhân dân về vấn đề Bauxite, cho dù tiếng nói đó trái với chủ trương của Bộ chính trị.

Việc truyền hình trực tiếp các phiên họp đó, vì vậy, rất quan trọng, để những đại biểu Quốc hội đó biết rằng người dân đứng sau lưng họ, mong chờ ở họ và đang dõi theo họ.

Lá phiếu vì cuộc sống

Vấn đề về thể chế và Hiến pháp mà tôi muốn nói ở đây là vai trò Quốc hội, như cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất đất nước.

Muốn trả lại Quốc hội vai trò cao quý ấy, thì cần trả lại quyền lực của lá phiếu của người dân, bằng cách tổ chức bầu cử tự do, công bằng mà không có sự can thiệp của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và các cơ quan của Đảng.

Bầu cử tự do công bằng sẽ tạo tính chính danh cho Quốc hội, vì Quốc hội được chính người dân bầu ra, và được nhân dân đứng sau lưng ủng hộ, chừng nào Quốc hội phản ánh và giải quyết những vấn đề mà nhân dân trăn trở.

Đây không phải là vấn đề lý thuyết xa vời, mà là một vấn đề liên quan trực tiếp đến số phận những người dân ở Tây Nguyên, đến môi trường ở Tây Nguyên, và an ninh đất nước.

Việt Nam đang cần một Nhà nước biết lắng nghe, có lương tâm và có trách nhiệm.

Quốc hội là cầu nối giữa nhân dân và các thể chế của Nhà nước.

Đây cũng không phải một cuộc cách mạng gì ghê gớm, mà chỉ đơn giản là Làm đúng những gì chúng ta đã Nói: Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; Quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp trị; và Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất đất nước.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của bạn Thanh Thủy, sinh viên Việt Nam hiện du học tại Indiana, Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét