Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Công nhân Trung Quốc sống thành làng ở tỉnh Quảng Nam

Công nhân Trung Quốc sống thành làng ở tỉnh Quảng Nam
• Thursday, May 7, 2009, 9:35
• 8,005 views
Cư xá xây cho người Trung Quốc ở Tân Rai, Lâm Ðồng. (Hình: CLB NBTD)

ÐÀ NẴNG - Công nhân Trung Quốc được đưa sang làm cho các dự án từ điện, xi măng, bauxite ở Việt Nam sống thành từng làng rất đông đúc và nhiều phần lao động bất hợp pháp.

Bài ký sự mới nhất của báo SGTT cho thấy như vậy về một tình trạng được báo động gần đây, dù Bộ Chính Trị CSVN đưa ra chỉ thị buộc nhà cầm quyền các cấp, các công ty CSVN phải kiểm soát và chỉ được chấp thuận cho công ty ngoại quốc đưa các chuyên viên cần thiết tới Việt Nam nếu không tìm được nhân lực địa phương.

“Trên cung đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua huyện Ðông Giang (tỉnh Quảng Nam) có một “làng” công nhân người Quảng Tây (Trung Quốc). Họ đã đến đây hơn ba năm qua để xây dựng hai công trình thủy điện Za Hung và Sông Kôn 2.” Tờ SGTT số ra ngày 6/5/2009 viết trong ký sự “Người Quảng Tây ở Quảng Nam”. “Cho đến thời điểm cuối tháng 4, trên đại công trường này, có 523 công nhân Trung Quốc. Khi thủy điện này sắp hoàn thành họ có ngay công trình thủy điện mới, cũng ở miền Trung Việt Nam, để thi công tiếp”.

Các công ty quốc doanh CSVN có biết luật lệ sử dụng công nhân lao động không? Chắc chắn họ phải biết. Các nhà thầu ngoại quốc khi đưa người từ nước họ hay từ nước khác vào Việt Nam có phải tìm hiểu và biết rành rẽ về luật lao động ở Việt Nam không? Chắc chắn họ phải biết. Nhưng ngày 27/3/2009, Tổng Hội Xây Dựng ở Việt Nam tố cáo rằng hàng vạn công nhân người Trung Quốc đã được đưa vào Việt Nam làm đủ mọi loại công việc. Luật lệ CSVN chỉ cho phép công ty ngoại quốc đưa các chuyên viên không kiếm được ở Việt Nam vào làm việc. Nhưng các công ty Trung Quốc đã đưa từ người nấu bếp, nhân viên bảo vệ, hay nói chung gọi là “lao động phổ thông” tức không đòi hỏi khả năng chuyên môn nào vào Việt Nam.

Ngày 14/4/09, bài báo của tờ SGTT cho thấy hàng trăm công nhân đủ loại đang hoạt động ở Tân Rai, nơi đang chuẩn bị khai thác bauxite và thành lập nhà máy “tuyển lọc” quặng bauxite thành bột nhôm thô (alumina) trong tỉnh Lâm Ðồng.

Một số bài báo khác cho thấy công nhân Trung Quốc có mặt từ nơi xây dựng nhà máy xi măng ở Hải Phòng, nhà máy điện ở Quảng Ninh, Cà Mau, Quảng Nam, chuẩn bị xây cất nhà mày luyện bột nhôm tại Nhân Cơ (Ðắc Nông).

Ngày 24/4/09 Bộ Chính Trị CSVN ra chỉ thị nói nhà cầm quyền phải “tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, việc sử dụng lao động nước ngoài phải đúng pháp luật”. Nhưng trên thực tế, phần lớn công nhân Trung Quốc có mặt ở Việt Nam đều là những người lao động bất hợp pháp. Họ tới Việt Nam bằng hộ chiếu du lịch. Nhà cầm quyền địa phương, “chủ đầu tư” và nhà thầu biết là trái luật nhưng lờ đi.

Bài báo của tờ SGTT viết về chuyện công nhân Trung Quốc gốc Quảng Ðông làm lậu và ở thành làng ở Quảng Nam như sau:

“Công ty CP Za Hưng (thuộc tập đoàn Hà Ðô, Bộ Quốc Phòng, 25 Láng Hạ, Ba Ðình, Hà Nội) là chủ đầu tư của công trình thủy điện Za Hung (xã Za Hung, Ðông Giang). Ông Nguyễn Văn Ðảm, phó tổng giám đốc công ty, cho biết tổng đầu tư cho công trình là 600 tỉ đồng, người Trung Quốc đã thắng hai trong ba gói thầu chính của công trình. Trong đó gói thầu xây lắp thuộc về công ty CP Quế Năng, gói thầu lắp đặt thiết bị thuộc công ty CP Quế Võng. Theo chân hai công ty này có 340 người Trung Quốc. Ông Ðảm nhận xét, công nhân Trung Quốc làm việc hiệu quả hơn công nhân Việt Nam, thể hiện ở ba khía cạnh: sức khỏe tốt hơn, chuyên nghiệp hơn và có ý thức kỷ luật cao hơn.

Ở đầu hồi khu nhà làm việc của cán bộ Trung Quốc có ghi dòng chữ: Tạo dựng thương hiệu quốc tế. Ngoài công trình thì có bảng hiệu: Liêm chính, hài hòa. Thượng tá phó trưởng công an huyện Ðông Giang, Nguyễn Văn Tê cho biết, ba năm hai công trình của người Trung Quốc chỉ có hai vụ ẩu đả (với người địa phương) mà công an phải xử lý, nếu so với những công trình chỉ có lao động Việt Nam là quá êm thấm. Ông Tê cũng khen: họ biết gìn giữ môi trường, chứ không cày xới vung vãi như các thủy điện chỉ có lao động Việt (ở huyện Ðông Giang hiện có bốn thủy điện đang được xây dựng). Người Trung Quốc cũng không vào rừng săn bắn như lao động Việt. Alăng Mứ, thôn trưởng thôn Cà Dâu (nơi cư dân địa phương sống gần thủy điện Za Hung nhất), nói mỗi khi đến thăm chơi nhà đồng bào, các công nhân Trung Quốc đều mang quà, nào cơm nguội để cho heo, chăn màn, thuốc lá…”

Muốn có việc làm, không muốn định cư

Cai quản 300 lao động Trung Quốc tại Za Hung là một cán bộ rất trẻ sinh năm 1979 ở Quảng Tây - Ngô Hải Hoa (phó giám đốc dự án công trình thủy điện Za Hung). Hoa nói thẳng: Chúng tôi đã làm ba công trình thủy điện ở Trung Quốc, ở Việt Nam thì đây là công trình đầu tiên. Tuy nhiên chúng tôi đến đây không phải để làm một công trình này. Hai cái Tết rồi chúng tôi không về nhà. Chúng tôi chấp nhận mọi thiệt thòi để hoàn thành xuất sắc công trình này và đó là cơ hội để chúng tôi đến với những công trình khác tại Việt Nam.

Hoa cũng giải thích là muốn làm việc ở Việt Nam chứ không phải định cư ở đây như có lời đồn. “Không người Trung Quốc nào muốn định cư tại đây cả. Công nhân tôi phần lớn đều có gia đình, chúng tôi sinh ra ở thành phố, không có lý do nào để chúng tôi ở lại vùng rừng núi này cả”. Hoa cũng tâm sự không dễ kiếm việc ở Trung Quốc. Làm việc ở đây xa nhà nhưng thu nhập cao hơn trong nước. Thu nhập lao động phổ thông 4.000 tệ/tháng, cán bộ quản lý như Hoa trên 6.000. Cuộc sống ở đây không có gì phàn nàn. Thức ăn thì có đầu bếp Trung Quốc nấu. Mùa nào thức nấy, chợ không thiếu thứ gì. Chỗ ở cũng không chật chội gì. Mỗi công nhân 4m2, tổ trưởng 2 người/phòng 20m2, cán bộ như Hoa được riêng một phòng. Tại công trình có Internet, có chảo vệ tinh bắt được 30 đài Trung Quốc, có sân bóng đá, bóng chuyền… “Không khác gì ở nhà cả” - Hoa khoe.

Nơi người Trung Quốc làm việc và sinh sống tại hai công trình thủy điện ở Ðông Giang đều tách biệt với cư dân địa phương. Việc ra vào nơi đây đều được kiểm soát chặt chẽ bởi những nhóm vệ sĩ người Việt làm nhiệm vụ bảo vệ. Ngoài ra huyện Ðông Giang cũng tăng cường hai đồn công an làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở hai công trình này. Trung tá Nguyễn Quang Cảng, phó đồn công an ở Za Hung, cho biết trước kia, người Trung Quốc thuê nhà ở chung với dân nhưng sau, việc này bị cấm. Lý do tại sao thì ông Cảng không nói…

Ở hai công trình thủy điện Za Hung và Sông Kôn hai này, người Việt đã bị gạt ra trong cuộc kiếm tìm việc làm ở ngay trên quê hương mình. Ðây là những công việc phổ thông ai làm cũng được. Ông Ðỗ Tài - phó chủ tịch UBND huyện Ðông Giang nói: “Khi triển khai các dự án này, chúng tôi yêu cầu các nhà đầu tư phải ưu tiên sử dụng lao động địa phương. Họ có thực hiện, có tuyển một vài người nhưng so với lao động Trung Quốc là quá nhỏ bé”.

Nguồn : Nguoiviet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét